Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Quan tâm phát triển Đảng trong vùng đồng bào tôn giáo (bài 2)

08:32 - Thứ Tư, 22/09/2021 Lượt xem: 3894 In bài viết

Bài 2: Ươm mầm “hạt giống đỏ” vùng đồng bào tôn giáo

ĐBP - Lựa chọn những người uy tín, tiêu biểu trong các nhóm dân cư tôn giáo, cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện để từng cá nhân phát huy vai trò, năng lực bản thân thông qua các công việc chung của xã, bản. Qua đó giúp ươm mầm, bồi dưỡng “hạt giống đỏ”, giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. Đây cũng là những nhân tố làm cầu nối gắn kết giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với vùng đồng bào tôn giáo, phá vỡ định kiến sai lệch, hiểu biết không đầy đủ về Đảng trong một số tín đồ, giáo dân.

Bài 1: Gian nan “đãi cát tìm vàng”

Ông Giàng A Di, đảng viên là người có đạo đầu tiên của xã Mường Thín phát biểu tại buổi sinh hoạt chi bộ Đông Liếng. Ảnh: P.V

Chọn lựa những nhân tố tiêu biểu

“Có làm thì mới có ăn, làm gì có hạt gạo nào rơi từ trên trời xuống” là lời mà ông Giàng A Di nói với bà con cùng nhóm đạo thuộc bản Đông Liếng, xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo khi có người lạ đến tuyên truyền rằng không cần làm gì cả, nghe lời họ là hạt gạo tự rơi xuống. Ông Giàng A Di, 63 tuổi, là đảng viên theo đạo đầu tiên được kết nạp tại Mường Thín. Để trở thành đảng viên có sức ảnh hưởng trong nhóm đạo và trong bản như ngày hôm nay, ông Di đã phấn đấu, cống hiến trong nhiều năm liền.

Từ năm 1985 - 2013, ông Giàng A Di là Trưởng bản Liếng (năm 2019 mới sáp nhập thành Đông Liếng). Năm 2000 - 2019, ông Di là công an viên. Người dân bản Liếng theo đạo Tin lành từ những năm 1980. Sau thời điểm đó, bản cũng có một số biến động. Nghe lời tuyên truyền, xúi giục, nhiều hộ trong bản theo nhau di cư đến Mường Nhé. Ông Di kể: “Tôi bảo mọi người rằng đây là đất ông bà tổ tiên khai phá, mình đang sống yên ổn thì cần gì phải di cư, nhưng bà con không nghe, họ trốn đi buổi tối, không giữ lại được. Tôi và gia đình thì vẫn nhất quyết không đi. Đến năm 2004 thì gần một nửa số hộ bỏ đi đã quay về. Lúc ấy lại phát sinh tranh chấp đất giữa hộ đi, hộ ở. Tôi đứng ra hòa giải, vận động bà con chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng làm ăn sinh sống, ổn định tình hình”. Những năm sau đó, ông Di thực hiện hướng dẫn của xã, vận động được 14 hộ trong nhóm cùng lập trang trại tại khu đồi Hua Công, vừa phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, vừa bảo vệ hơn 72ha rừng khoanh nuôi tái sinh. Đến năm 2007, điểm nhóm đạo bản Liếng được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung. Năm 2010, ông Giàng A Di được kết nạp Đảng sau nhiều năm phát huy tốt vai trò tại cơ sở.

Bản Kết Tinh, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà), nơi 100% hộ dân theo đạo cũng có “hạt giống đỏ” như thế. Đó là anh Sùng A Sình, sinh năm 1995, tích cực tham gia các công việc chung của bản và năng động tìm hướng phát triển kinh tế. Đến năm 2017, anh Sình được dân bản tín nhiệm, cấp ủy, chính quyền xã ủng hộ trở thành Trưởng bản Kết Tinh. Sùng A Sình cho biết: “Là Trưởng bản, tôi vận động người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo. Đầu tiên là phát triển trâu, bò, dê từ tổng đàn gần 100 con lên hiện gần 200 con. Một số hộ đi đầu thử nghiệm trồng sa nhân, đến nay cả bản đã mở rộng diện tích khoảng 26ha”. Tuy nhiên do là bản xa xôi không điện, không sóng điện thoại nên cuộc sống người dân Kết Tinh vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2017, khi Sình lên làm trưởng bản có 50% số hộ đói giáp hạt, nay khoảng 20% số hộ còn tình trạng này, mái pro xi măng cũng dần thay thế gần hết mái gianh. Nhà cửa kiên cố, vững chãi hơn. Ghi nhận kết quả đó, năm 2019, Sùng A Sình được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đến nay Sình vẫn luôn phát huy tốt vai trò Trưởng bản, vai trò đảng viên của mình tại cộng đồng.

Tạo môi trường cho “hạt giống” nảy mầm

Qua 2 trường hợp trên có thể thấy, môi trường tốt nhất để các cá nhân rèn giũa, học hỏi, phát huy vai trò, năng lực chính là các phong trào, hoạt động tại cơ sở. Điều này được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện. Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Tổ chức Đảng, đảng viên (Ban Tổ chức Tỉnh ủy) cho biết: Bám sát nội dung Quy định số 06-QĐi/TW một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo của Bộ Chính trị; thời gian qua, cấp ủy các cấp tiếp tục quan tâm tạo nguồn kết nạp đảng, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người theo tôn giáo phấn đấu vào đảng. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú, đảng viên là người theo tôn giáo thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo quy định; phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ hiện có 9 đảng viên theo tôn giáo. Đa số đảng viên tôn giáo đều được tạo điều kiện tham gia các công tác cộng đồng, giữ các trọng trách tại xã, bản. Ông Lù Văn Hợi, Bí thư Đảng ủy xã Vàng Đán, cho biết: “5/7 bản của xã có người sinh hoạt đạo, với 9 điểm nhóm sinh hoạt tập trung. Hầu hết quần chúng có uy tín, năng lực đều được trao trọng trách tại bản, như: Y tá bản, thôn đội trưởng, an ninh bản, trưởng hội đoàn thể… Sau thời gian bồi dưỡng, kết nạp, phát huy tốt vai trò thì được tiếp tục bầu giữ hoặc tín nhiệm lên những vị trí cao hơn như bí thư chi bộ. Xã còn có quần chúng là người có đạo sau khi tốt nghiệp THPT được tạo điều kiện trở thành cán bộ bán chuyên trách - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, sau đó được kết nạp Đảng. Hiện đảng viên đó đang công tác và có ý chí phấn đấu vươn lên, đăng ký đi học tại chức trung cấp pháp lý. Thực tế cho thấy trao trọng trách cho quần chúng ưu tú, đảng viên không chỉ giúp rèn luyện, bồi dưỡng mà còn làm cho họ có tinh thần trách nhiệm cao hơn, nỗ lực hơn.

Tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ có điểm nhóm sinh hoạt đạo bản Phìn Hồ nhưng chỉ có 1 đảng viên cao tuổi đã được miễn sinh hoạt. Để phát triển thêm đảng viên, gây dựng chi bộ, ông Tô Hiến Quyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã cùng Trưởng Công an xã đã xung phong về bản sinh hoạt. Tháng 7/2018, đảng viên trẻ Cháng A Dung được kết nạp Đảng. Lúc này, ông Tô Hiến Quyên vẫn đảm nhiệm chức vụ Bí thư Chi bộ bản, nhận trọng trách vừa tiếp tục phát triển đảng, bồi dưỡng nâng cao năng lực đảng viên địa bàn, vừa tuyên truyền vận động nhân dân, giúp dân phát triển kinh tế… Phó Bí thư Đảng ủy Tô Hiến Quyên chia sẻ: “Phìn Hồ là bản 100% đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao. Khi nói về Đảng, nhiều người còn chưa hiểu, tôi thường xuyên xuống địa bàn, gắn bó với người dân, trò chuyện, giảng giải tổ chức Đảng là gì, người đảng viên có vai trò thế nào... Từ đó họ hiểu, có tư tưởng phấn đấu vào Đảng. Đến năm 2020, đảng viên của bản đã trưởng thành, tôi xin thôi giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Cháng A Dung được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ”. 

Đến nay, Chi bộ bản Phìn Hồ có 6 đảng viên, trong đó 3 đảng viên phát triển tại bản, đặc biệt 1 đảng viên nằm trong ban chấp sự nhóm đạo. Bí thư Chi bộ hiện tại - Cháng A Dung cho biết: Đồng chí Quyên và các anh ở xã hỗ trợ, hướng dẫn tận tình nên khi tôi giữ chức vụ Bí thư Chi bộ có nhiều thuận lợi. Chi bộ hoạt động hiệu quả, đi vào nề nếp. Lời Chúa, lời Bác Hồ đều hướng tới những điều tốt đẹp nên dân bản Phìn Hồ rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, không đi theo kẻ xấu, tích cực phát triển chăn nuôi, trồng trọt và có thêm nhiều người muốn phấn đấu vào Đảng.

Bằng những cách làm đó, những “hạt giống đỏ” ngày càng nảy mầm nhiều hơn tại các bản vùng cao, biên giới tỉnh ta. Các hạt nhân ấy đã lan tỏa, tác động đến cộng đồng đồng bào tôn giáo, góp phần phát triển đảng viên ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, xóa bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ.

Bài 3: Trao niềm tin, nhận “quả ngọt”

 

Nhóm P.V
Bình luận
Back To Top