Chính trịXây dựng Đảng

Nghị quyết trồng rừng ở Mường Nhé không đạt mục tiêu: Bài học từ thiếu bám sát thực tiễn

Bài 2: Kỳ vọng lớn, thất vọng nhiều

09:57 - Thứ Hai, 04/10/2021 Lượt xem: 5458 In bài viết

ĐBP - Tưởng chừng với những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, bài bản thì Nghị quyết sẽ sớm đi vào cuộc sống và đạt được những mục tiêu đề ra. Thế nhưng sau 5 năm thực hiện, toàn huyện Mường Nhé chỉ trồng được 931,65ha cây keo, chưa bằng 50% mục tiêu của 1 năm Nghị quyết đề ra là 2.000ha. Trong đó diện tích đủ điều kiện được nghiệm thu thanh toán (thành rừng) chưa đến 599ha.

Bài 1: Viễn cảnh tươi sáng

Nhiều diện tích keo trên địa bàn xã Leng Su Sìn đã đến thời kỳ thu hoạch. Ảnh: P.V

Người dân thiếu đồng thuận

Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, thế nhưng tỷ lệ hộ dân tham gia dự án trồng keo rất thấp, nhiều hộ không đồng thuận tham gia; thậm chí, một số hộ đã đăng ký nhưng cuối cùng không tham gia.

Năm 2018 xã Quảng Lâm được huyện giao chỉ tiêu trồng mới 130ha rừng. Ông Giàng A Xỉa, nguyên Chủ tịch UBND xã Quảng Lâm cho biết: Năm 2018 sau khi được huyện giao chỉ tiêu trồng rừng, xã đã thành lập các ban, tổ vận động, tuyên truyền người dân về mục đích, ý nghĩa việc trồng rừng, nhưng người dân chỉ đăng ký được 6ha. Thậm chí có bản không hộ nào đăng ký. Nguyên nhân do thiếu đất và cơ chế chính sách hỗ trợ trồng rừng còn thấp và bất cập; cùng với đó chỉ tiêu giao quá lớn đối với năng lực của xã. Đặc biệt, nhiều hộ dân lo sợ việc tham gia dự án trồng keo sau này sẽ mất đất sản xuất và “đầu ra” cây keo còn chưa rõ.

Cũng trong năm 2018, xã Mường Toong trồng được 47/130ha rừng theo chỉ tiêu huyện giao. Ông Lù Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Khi có kế hoạch huyện giao, xã đã tuyên truyền, giải thích rõ để người dân hiểu lợi ích của việc trồng rừng. Tuy nhiên, xã Mường Toong có nhiều bản xa trung tâm, giao thông khó khăn, thậm chí không đi được xe máy nên mặc dù có lợi thế về đất đai nhưng số người dân đăng ký tham gia trồng rừng vẫn còn khiêm tốn. Đặc biệt một số hộ ban đầu đã đăng ký nhưng sau đó lại không tham gia; nhiều hộ so sánh, băn khoăn giữa chính sách hỗ trợ trồng rừng còn thấp so với việc trồng, canh tác một số cây trồng khác.

Không chỉ vậy, năm 2018 có những xã mặc dù được giao chỉ tiêu nhưng không có hộ dân nào đăng ký trồng rừng, như: Leng Su Sìn, Nậm Vì... nên kế hoạch trồng mới 1.200ha rừng sản xuất nhưng cuối vụ, toàn huyện chỉ trồng được hơn 181ha.

Có nhiều nguyên nhân như: Một số bản thành lập theo Đề án 79 chưa được giao đất, giao rừng; cơ chế, chính sách hỗ trợ việc trồng rừng còn nhiều bất cập và thấp, chưa giúp người dân sống được với rừng, nhiều người cho rằng trồng cây khác giá trị kinh tế cao hơn. Cụ thể, theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP quy định về chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất: Hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng được hưởng 200.000 đồng/ha/năm; được trợ cấp 15kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực (thời gian trợ cấp gạo tối đa không quá 7 năm)…

Đặc biệt nhiều hộ dân chưa tin tưởng vào hiệu quả kinh tế khi tham gia trồng rừng sản xuất, từ đó chưa nhiệt tình tham gia trồng rừng. Cấp ủy, chính quyền một số xã chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo thực hiện Nghị quyết về trồng rừng. Trong khi đó, tại thời điểm huyện Mường Nhé ban hành Nghị quyết 05 thì ở một số huyện khác (Tuần Giáo, Nậm Pồ) đang lâm vào hoàn cảnh chưa tìm được “đầu ra” cho cây keo. Và hệ lụy là một số hộ dân trồng keo ở những địa bàn này đã “tự xử lý” rừng keo để lấy đất làm nương gieo trồng cây lương thực. Đây cũng là lý do tác động nhiều đến người dân trên địa bàn huyện Mường Nhé không tham gia.

Mặt khác theo ông Hà Văn Quân, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời điểm đó, Sở cũng phân tích rất rõ những khó khăn, vướng mắc xung quan dự án trồng keo của huyện Mường Nhé; việc trồng rừng sản xuất ở vùng sâu, vùng xa như huyện Mường Nhé là không hiệu quả. Hơn nữa, qua rà soát diện tích canh tác của Nhân dân trên địa bàn huyện chưa đủ để đáp ứng cho việc trồng rừng sản xuất. Nếu muốn làm phải có doanh nghiệp lớn đứng ra thực hiện, còn để người dân tự làm, mỗi năm trồng vài chục ha thì rất manh mún, nhỏ lẻ không giải quyết được vấn đề. Và thậm chí, ngay cả khi Mường Nhé thành công trong xây dựng vùng nguyên liệu thì chắc gì đã kêu gọi được nhà đầu tư về xây nhà máy như huyện tính toán. Chúng tôi đã đưa ra lời cảnh báo và nhiều lần có ý kiến tại các hội nghị của tỉnh, huyện, khuyến cáo huyện không nên triển khai thực hiện nhưng huyện Mường Nhé vẫn thực hiện. Vì họ cho rằng, địa bàn huyện có thổ nhưỡng tốt, phù hợp để cây keo sinh trưởng, phát triển cho năng suất cao, cùng với đó cách tính giá bán cây keo sau khi thu hoạch cũng vống lên, như vậy là khá viển vông, không bám sát thực tế…

Chỉ tiêu không hoàn thành

“Dễ trăm lần không dân cũng chịu…” Nghị quyết ban hành nhưng người dân chưa đồng thuận cao, dẫn đến kết quả hạn chế. Theo thống kê của huyện Mường Nhé, tổng diện tích trồng rừng sản xuất (trồng keo) của cả giai đoạn 2016 - 2020 toàn huyện chỉ đạt 931,65ha trong khi mục tiêu Nghị quyết đề ra từ 8.000 - 10.000ha. Và chỉ có gần 599ha đủ điều kiện được nghiệm thu thanh toán; trong đó diện tích thuộc quy hoạch rừng sản xuất gần 195ha, diện tích thuộc quy hoạch rừng phòng hộ gần 16ha và diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng gần 264ha. Tính riêng từng năm, thì năm 2016 kế hoạch huyện giao 1.900ha và kết quả thực hiện được 467ha (đạt 24,6%); năm 2017 thực hiện được hơn 283ha/2.000ha (đạt 14,17%); năm 2018 thực hiện hơn 181ha/1.200ha (đạt 15,1%); năm 2019 kế hoạch 504ha nhưng không thực hiện được.

Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé, thì trong quá trình thực hiện còn những hạn chế, ảnh hưởng đến kế hoạch trồng rừng như: Tỷ lệ cây sống thấp; diện tích trồng rừng chưa tập trung liền vùng gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật trồng và quản lý bảo vệ. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân trồng rừng chưa tốt. Quy trình thủ tục các bước thực hiện trồng rừng sản xuất chưa đảm bảo dẫn đến nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực tế cho thấy, chỉ tiêu trồng rừng giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Mường Nhé được giao khi chưa đánh giá được những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện; chưa phù hợp với thực tế địa phương và chưa phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Bên cạnh đó, trước khi triển khai trồng rừng lại chưa thực hiện việc xây dựng quy hoạch khu vực trồng rừng sản xuất dẫn đến các diện tích trồng rừng không tập trung, còn phân tán, một số diện tích trồng không đúng theo quy hoạch rừng sản xuất. Chưa có sự sắp xếp đầu ra cho việc trồng rừng sản xuất khi đến giai đoạn thu hoạch. Chưa có sự gắn kết việc trồng rừng sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lâm sản; cũng như chưa xác định rõ được nguồn kinh phí cụ thể để thực hiện dự án.

Cùng với đó là những nguyên nhân khách quan do diễn biến thời tiết phức tạp, nắng hạn kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng và tỷ lệ sống của cây sau khi trồng. Địa hình phức tạp, chia cắt, vị trí trồng rừng có độ dốc cao ảnh hưởng lớn đến quá trình vận chuyển cây giống để trồng và chăm sóc bảo vệ sau khi trồng. Một bộ phận dân cư chưa hiểu đầy đủ về các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước và hiệu quả kinh tế khi tham gia trồng rừng sản xuất mang lại. Thời vụ trồng rừng vào vụ sản xuất lúa mùa nên người dân tập trung nhân lực gieo cấy, khi nhận cây giống về không trồng ngay làm giảm chất lượng cây giống.

Bài 3: Chậm giải quyết, dân chịu thiệt

Văn Tâm - Phạm Quang
Bình luận
Back To Top