Tập trung đánh giá đúng, khách quan, toàn diện tình hình KT - XH của tỉnh năm 2021 (*)

17:35 - Thứ Năm, 02/12/2021 Lượt xem: 3582 In bài viết

(Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 08, khóa XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025)

… Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Chương trình công tác năm 2021 và Chương trình công tác tháng 12 năm 2021. Hôm nay, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh họp lần thứ 08 để thảo luận, cho ý kiến về: (1)- Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. (2)- Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. (3)- Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020; tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2022; Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2022 - 2024. (4)- Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2022. (5)- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2021; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 của Tỉnh ủy; Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị năm 2022…

Để chuẩn bị cho Hội nghị, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các ban Đảng tỉnh và các cơ quan hữu quan tích cực chuẩn bị các Báo cáo, dự thảo Nghị quyết. Theo Quy chế làm việc, Văn phòng Tỉnh ủy đã gửi tài liệu đến các đồng chí để nghiên cứu. Tôi xin gợi ý một số vấn đề cần tập trung thảo luận sau:

1. Về Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn đối với Nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, khẳng định sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, sự trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam và sức mạnh của khối đại đoàn kết các dân tộc. Do vậy, việc xây dựng Đề án kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là hết sức cần thiết, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc; tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng; là động lực quan trọng giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, đồng thời giới thiệu về vùng đất và con người Điện Biên; tuyên truyền, quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh; đồng thời nhằm huy động mọi nguồn lực của xã hội, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế -  xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Vì vậy, công tác chuẩn bị và xây dựng Đề án tổ chức các hoạt động kỷ niệm là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu, phát biểu, cho ý kiến để Ban thường vụ tiếp thu, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh hoàn chỉnh Đề án, xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương trước khi trình Chính phủ, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét, phê duyệt.

2. Về Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030:

Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Công tác giáo dục - đào tạo và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hoá dân tộc truyền thống được bảo tồn và phát huy. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 19,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 48,14% đầu năm 2016 xuống còn 29,97% cuối năm 2020. Quyền bình đẳng giữa các dân tộc cơ bản được bảo đảm. Đội ngũ cán bộ được kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như sau: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa thực sự bền vững; toàn tỉnh hiện còn 07 huyện nghèo, 93 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao, chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; bản sắc văn hóa truyền thống của một số dân tộc có nguy cơ bị mai một. Hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, di cư tự do, buôn bán vận chuyển các chất ma túy còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, quy định của Trung ương; Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết, để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Đề nghị các đồng chí thảo luận, cho ý kiến đề xuất và thống nhất ban hành làm cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện.

3. Về Báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương năm 2020; tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách địa phương năm 2021; dự toán và phân bổ dự toán ngân sách địa phương năm 2022:

Đề nghị các đồng chí Tỉnh ủy viên cho ý kiến về nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2021 trong bối cảnh phát sinh dịch Covid-19, nguồn thu của tỉnh bị ảnh hưởng. Đánh giá về nội dung điều hành ngân sách, trong đó tình hình quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành và việc hỗ trợ đối tượng gặp khó khăn và công tác phòng, chống dịch. Cho ý kiến về việc phân bổ ngân sách địa phương năm 2022 và biện pháp quản lý, điều hành dự toán ngân sách địa phương năm 2022…

4. Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2022:

Năm 2021, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ gặp phải một số khó khăn như: Dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát mạnh ở một số tỉnh, thành phố; trên địa bàn tỉnh, dịch Covid-19 đã phát sinh ba đợt với nhiều ca nhiễm trong cộng đồng; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi bùng phát tại nhiều địa phương; giá cả một số mặt hàng thiết yếu như vật liệu xây dựng, xăng dầu, thức ăn chăn nuôi tăng mạnh... đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm và đời sống Nhân dân. 

Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo xây dựng, ban hành các Nghị quyết cụ thể hóa Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; thực hiện quyết liệt, linh hoạt, phù hợp vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đã đạt được một số kết quả nhất định: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế dự ước đạt 6,02%, cao hơn so với năm 2020 và cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước (tốc độ tăng trưởng GDP cả nước ước đạt khoảng 3,0÷3,5%). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra (đạt 117,83% dự toán giao), là năm đầu tiên tất cả các huyện, thị xã, thành phố đều đạt chỉ tiêu thu và cân đối ngân sách trên địa bàn theo dự toán được giao; huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, đẩy mạnh thu hút đầu tư trên địa bàn, củng cố, nâng cao niềm tin đối với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chính sách an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện kịp thời và hiệu quả. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tập trung chỉ đạo, gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; chủ quyền biên giới quốc gia, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững .... 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế:  Một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra; Công tác quản lý quy hoạch, đô thị, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản có mặt hạn chế, công tác giao đất, cho thuê đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; công tác triển khai lập, điều chỉnh một số quy hoạch còn chậm. Thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đầu tư công đạt thấp (dự ước ước giải ngân đến 31/01/2022 chỉ đạt 88,68% kế hoạch), một số dự án chậm tiến độ dù đã được đôn đốc; số lao động bị mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc tăng cao; đời sống của một bộ phận người dân, hoạt động các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Công tác xây dựng Đảng có mặt còn hạn chế, công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân còn khó khăn, chưa đạt kế hoạch đề ra ...

Trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu báo cáo, kinh nghiệm và thực tiễn tình hình ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình, tập trung đánh giá đúng, khách quan, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021; chỉ rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, dự báo tình hình thời gian tới để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, nhằm phòng chống dịch hiệu quả theo phương châm: thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2022…

(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Bình luận
Back To Top