Trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc

05:30 - Thứ Sáu, 29/04/2022 Lượt xem: 4561 In bài viết

ĐBP - “Bác chẳng muốn kể chuyện chiến tranh. Chiến tranh là chuyện bi ai, chết chóc, thương đau. Ngần này tuổi đầu rồi cũng không muốn nghĩ lại làm gì, ký ức có cái nhớ cái quên, có cái phải cố quên đi. Chỉ mong mãi về sau đất nước hòa bình, không có bom đạn, một khi đã nổ súng rồi thì khổ lắm” - một cựu chiến binh từ chối khi được hỏi về những ngày đánh Mỹ, ngụy giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau một hồi trò chuyện, với mong muốn để thế hệ trẻ thêm hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc, chúng tôi cũng được người chiến sĩ năm xưa đồng ý mở “cánh cửa ký ức”. Từng câu chuyện, hình ảnh chiến trường những năm 1970 được kể, khắc họa lại, như một thước phim quay chậm...

Cựu chiến binh cùng ôn lại chuyện chiến trường.

Trong căn phòng ấm cúng, 3 chiến binh thời kỳ chống Mỹ nay đều đã hơn 70 tuổi, hiện sinh sống tại địa bàn phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) cùng ôn lại kỷ niệm xưa. Ông Tống Văn Thoóng (tổ dân phố 11), khi giải phóng miền Nam thuộc biên chế Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316. Nhấp ngụm trà, ông Thoóng kể: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ đêm ngày 21/4, Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ chốt chặn quốc lộ 22 Sài Gòn - Tây Ninh để ngăn Sư đoàn 25 của địch rút từ Tây Ninh về cố thủ ở Củ Chi - cửa ngõ Sài Gòn. Cụ thể là chặn cầu Bàu Lau để địch không rút về Sài Gòn được, nếu không thì buộc phải đánh sập cầu để ngăn quân địch. Nhận nhiệm vụ, xe địch cứ chuẩn bị qua cầu là chúng tôi dùng hỏa lực bắn. Cả hướng chỉ có chiếc cầu độc đạo, xung quanh là sình lầy nên địch cay cú nã pháo ngày đêm. Hai bên giằng co kéo dài đến ngày 29/4, thì chúng tôi được lệnh đánh chiếm cầu. 15 giờ ngày 29/4, chúng tôi tấn công đầu cầu Bàu Lau. Lúc đó tôi là tiểu đội trưởng ở mũi thứ yếu, do đại đội phó chỉ huy. Địch phản công mạnh, đánh trả ác liệt, đại đội phó bị thương, tôi đứng lên chỉ huy tất cả hỏa lực bắn. Sau loạt đạn, bộ binh ta xung phong qua đường, chiếm được một phần bên cầu. Đến 17 giờ chiếm được toàn bộ đầu cầu (hướng Sài Gòn) và 1/3 ấp Bàu Lau. Ban đêm, trực thăng địch bay qua đầu mình sang đầu cầu bên kia cầu (hướng Tây Ninh), 1 giờ đêm, pháo của địch bắn phá ác liệt. Đến 8 giờ sáng, thêm một số đồng đội hi sinh nhưng đơn vị vẫn giữ vững được đầu cầu. 10 giờ, Trung đoàn điện xuống thông tin rằng Sư đoàn 25 ngụy sẽ “mở đường máu” qua đường, tất cả phải chuẩn bị chiến đấu. Tất cả chúng tôi đều sẵn sàng vào vị trí, quyết tử chứ không lùi bước. Sau đó, xe tăng địch giật ga kinh khủng, 2 bên giao tranh đến giữa trưa thì thấy địch giơ cờ trắng, xin đầu hàng vô điều kiện”.

Tiếp câu chuyện giải phóng miền Nam, cựu chiến binh Đỗ Đức Ngọ (tổ dân phố 21), khi đó thuộc Tiểu đoàn 4 Đặc công Tây Nguyên, Trung đoàn 198 Đặc công, Quân đoàn 3 chia sẻ: “Nhưng sau khi giải phóng Buôn Mê Thuột, khí thế của bộ đội càng thêm hăng hái. Trên đường chúng tôi hành quân có tầng tầng lớp lớp các đơn vị, bộ binh, pháo binh, xe tăng... chiến sĩ dù bị thương nhẹ vẫn nhất quyết ra trận, các đơn vị gặp, vui trùng phùng, rồi người dân giúp đưa đò, dẫn đường, đưa cơm, gạo, khí thế sôi nổi, dồn dập. Vào đến gần Sài Gòn, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đánh mở 2 cầu phía Tây Bắc là cầu Bông và cầu Sáng. Lúc đó, tôi đang là trung đội phó trung đội trinh sát, trực tiếp tham gia đánh cầu Sáng. Cầu Sáng được xây lô cốt kiên cố 2 đầu, bố trí hỏa lực đầy đủ, rào bao quanh mố cầu, gác tuần tra 24/24 giờ. Chúng tôi bí mật cắt hàng rào chui vào, đánh cường tập từng lớp hàng rào. Đồng đội thương vong nhiều, tôi nhận lệnh xuống tập hợp lực lượng còn lại trực tiếp chỉ huy trong vai đại đội trưởng, tiếp tục đánh cường tập chiếm bằng được cầu Sáng. Giằng co từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ 30 phút thì chiếm được cầu Sáng. Các đơn vị vượt qua cầu tiến vào giải phóng Sài Gòn”.

Trong khi các đồng đội hừng hực khí thế xông pha trận chiến cuối cùng giải phóng hoàn toàn miền Nam, thì thời điểm ấy, ông Hà Minh Lợi (tổ dân phố 11) cũng đang trải qua những ngày gian khó, ác liệt tại Xiêng Khoảng (Lào). Ông Lợi kể lại: Tháng 9/1970, tôi nhận lệnh sang Xiêng Khoảng, biên chế thuộc Tiểu đoàn 4 của Binh trạm 13, Cục Vận tải Tổng cục Hậu cần làm nhiệm vụ chính là đảm bảo tuyến đường phục vụ hậu cầu cho quân khu Xiêng Khoảng. Ở Việt Nam, ngày 27/1/1973 ký hiệp định Paris, bên Lào thì 28/2/1973 ký hiệp định Viêng Chăn. Sau khi Hiệp định được ký, chúng tôi vẫn tiếp tục đảm bảo sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ cho bạn đấu tranh thực hiện thắng lợi hiệp định. Nhưng trước đó thì lực lượng không quân của địch đánh dồn dập, hàng ngày tất cả các loại máy bay bay lượn trên đầu rải truyền đơn và bom đạn. Chúng tôi vẫn bám dân, bám đất, thông đường đưa hàng về phía trước cho mặt trận. Nhớ nhất là khu ngã ba Noọng Pẹt, buổi sáng không nhìn thấy màu xanh, mà đỏ lừ bởi bom đạn. Cứ chiều tối là địch ném bom xuống đường làm vài hố lồi lõm, sau đó rải bom vướng nổ, rồi rải bom từ trường, cuối cùng bắn phá thêm 1 đợt. Đêm, chúng tôi ra giải quyết từng loại bom, rồi mới tìm cách lấp hố, thì sáng máy bay địch lại đến. Tuy là lực lượng phục vụ chiến đấu và chiến đấu khi địch lấn, nhưng đơn vị tôi hi sinh rất nhiều. Nhiệm vụ mình ở đấy thì chạy đi đâu bây giờ, nó đến ném bom thì mình ẩn nấp. Dù không được trực tiếp tham gia giải phóng miền Nam nhưng chúng tôi đã góp sức đánh đuổi quân Mỹ và sự nghiệp cách mạng chung”.

Rồi ông Lợi dừng vài giây, nghẹn ngào: “Chiều ngày 30/4, đang ở doanh trại, chúng tôi bảo nhau không biết ở nước mình như thế nào, miền Nam như thế nào rồi. Anh em mở đài, nghe được tin chiến thắng. Lúc ấy tôi đang đứng dưới gốc cây, nghe xong ôm gốc cây, lặng đi không nói được câu nào, anh em khác cũng thế, một lúc sau mới cùng nhau hò reo sung sướng”. Ông Hà Minh Lợi cũng tâm sự: “Chúng tôi nhảy lên reo hò khi nghe tin chiến thắng, nhưng rồi lại nhớ đồng đội mình mất trước giờ giải phóng mà xót xa. Chiến tranh kết thúc, đêm đồng đội nằm kể chuyện với nhau, thằng bảo về đi cày, thằng đi học, nhưng buồn vì nhiều anh em, đồng đội đã nằm xuống đất lạnh, không còn cơ hội để thực hiện những dự định giản đơn đó nữa...”.

Chiến tranh lùi xa, đất nước ta ngày này hòa bình, phát triển. Ký ức chiến tranh nhiều đau buồn, chính người trong cuộc không muốn kể lại. Nhưng những cống hiến, hi sinh đó vẫn cần được khắc ghi, bởi cuộc sống tự do, hạnh phúc mà chúng ta đang sống là thành quả từ xương máu của bao thế hệ đi trước.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top