Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát chuyên đề tại thành phố Điện Biên Phủ

13:16 - Thứ Năm, 19/05/2022 Lượt xem: 5282 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục Chương trình giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2019 - 2021”, ngày 19/5, đoàn giám sát Ban Pháp chế (HĐND tỉnh) tiến hành giám sát tại phường Nam Thanh, xã Thanh Minh và UBND TP. Điện Biên Phủ.

Đồng chí Lò Thị Bích, Trưởng ban Pháp chế (HĐND tỉnh) phát biểu thống nhất các nội dung làm việc với UBND TP. Điện Biên Phủ.

Tính đến ngày 18/5/2022, trên địa bàn phường Nam Thanh quản lý 1 đối tượng cải tạo không giam giữ và 1 đối tượng hoãn chấp hành án phạt tù. Phường đã lập hồ sơ quản lý, giám sát, giáo dục 27 người chấp hành xong án phạt tù và thường xuyên có biện pháp gọi hỏi, cảm hóa giáo dục để không tái phạm và vi phạm pháp luật. Tại xã Thanh Minh, đang quản lý 1 đối tượng đang chấp hành án treo, 1 trường hợp đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ và đang quản lý, giám sát 39 đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Đoàn giám sát đề nghị các xã, phường có số liệu cụ thể, chi tiết theo từng loại đối tượng, diễn biến số liệu theo từng năm; khó khăn, vướng mắc mà nhóm đối tượng này gặp phải khi tái hòa nhập cộng đồng và những giải pháp địa phương đã triển khai để tháo gỡ. Đồng thời tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.

Theo báo cáo của UBND TP. Điện Biên Phủ, hiện nay công an các xã, phường trên địa bàn thành phố tổ chức giám sát, giáo dục 33 người cải tạo không giam giữ; 29 người hưởng án treo; 5 người hoãn thi hành án phạt tù; 2 người có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Thực hiện các quy định về tái hòa nhập cộng đồng, đến thời điểm hiện tại thành phố đang quản lý 261 trường hợp tái hòa nhập.

Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố tăng cường công tác nắm bắt địa bàn, quản lý chặt chẽ đối tượng; quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; chỉ rõ trách nhiệm của các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng để có giải pháp hiệu quả hơn. Chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù về địa phương. Đồng thời tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ.

Tin, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top