Đề xuất thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu

15:36 - Thứ Ba, 24/05/2022 Lượt xem: 3351 In bài viết

Sáng 24-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

 

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày dự kiến chương trình.

Sớm sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Trình bày dự kiến chương trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về chương trình năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh, đổi tên dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật; bổ sung dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) vào chương trình, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ tư theo quy trình tại một kỳ họp. Đồng thời bổ sung 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư.

“Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật này từ kỳ họp thứ ba sang kỳ họp thứ tư và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại ba kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và thứ năm, thông qua tại kỳ họp thứ sáu)”, ông Hoàng Thanh Tùng nói.

Về chương trình năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, gồm: Thông qua tại kỳ họp thứ năm đối với 7 dự án, dự thảo, trong đó 6 luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư. Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm, thông qua tại kỳ họp thứ sáu đối với 6 dự án luật, bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư và 3 dự án là Luật Viễn thông (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự như tiến độ do Chính phủ đề xuất.

Ngoài ra, về 2 dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy nhiều chính sách trong 2 dự án luật này có nội dung liên quan chặt chẽ đến các chính sách trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Do đó, để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, đề nghị bổ sung 2 dự án luật này vào chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm và thông qua tại kỳ họp thứ sáu cùng thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh phiên họp.

Ngoài các dự án nêu trên, Chính phủ còn đề nghị bổ sung 5 dự án luật vào chương trình năm 2022, 1 dự án luật đưa vào chương trình năm 2023. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng các dự án luật, sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.

Tiếp tục tăng cường kỷ cương lập pháp

Thảo luận tại hội trường, đa số các đại biểu Quốc hội tán thành với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; đồng thời đánh giá cao trong thời gian qua, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác xây dựng pháp luật vẫn được bảo đảm; các chính sách pháp luật được kịp thời ban hành đã tạo đà cho đất nước thích ứng an toàn với dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Đoàn Long An) nhìn nhận, những bất cập, tồn tại nhiều năm trong công tác xây dựng pháp luật như việc xây dựng văn bản chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định; chương trình phải điều chỉnh nhiều lần... Từ đó, đại biểu đề nghị cần tăng cường tính dự báo, sự chủ động của các cơ quan đề xuất các dự án luật; hạn chế xây dựng chính sách, cơ chế quy định bằng các Nghị quyết thí điểm.

Đặt ra vấn đề kỷ cương lập pháp, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị cần sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà trước hết phải luật hóa được sáng kiến của Đảng đoàn Quốc hội là đưa chiến lược lập pháp trở thành quy định cho mỗi khóa Quốc hội…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị nguyên tắc xuyên suốt trong công tác lập pháp là khi chấp thuận đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp, sửa đổi bổ sung pháp luật nào, trước khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội phải buộc cơ quan đề xuất đối chiếu, đánh giá chi phí và lợi ích của dự án đó.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) đề nghị cần thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị sớm hoàn thành, xem xét sửa đổi Luật Khám, chữa bệnh; Luật Bảo hiểm y tế; Luật Hiến, ghép mô tạng...

Tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận, một số tồn tại kéo dài nhiều năm trong công tác xây dựng pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ cố gắng hạn chế nhưng chưa thể dứt điểm khi không phải lúc nào cũng có thể nhìn nhận được tổng thể thực tế cuộc sống, sự phát triển của xã hội để thể chế hóa trong pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 14 ý kiến đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận với tâm huyết, trách nhiệm cao; cơ bản đồng tình với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ và các cơ quan liên quan báo cáo tiếp thu giải trình, trình Quốc hội thông qua Nghị quyết trong kỳ họp thứ ba.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top