Bài dự thi Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Nghị quyết thấu lòng dân (bài 2)

12:42 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 4561 In bài viết

Bài 2: Tiếp bước học sinh, sinh viên đến trường

ĐBP - Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới mọi đối tượng, mọi mặt của đời sống xã hội. Trong đó, có nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không mua được đồ dùng, phương tiện học tập trực tuyến dẫn đến nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng, hoặc học tập trong điều kiện thiếu thốn cơ sở vật chất, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ra đời đã “cứu cánh”, giải quyết những khó khăn vướng mắc, nâng cao chất lượng, điều kiện học tập, tiếp bước HSSV trên địa bàn tỉnh đến trường.

Bài 1: Tạo động lực để người dân khôi phục kinh tế

Em Lường Minh Đức, vui mừng, phấn khởi khi có máy vi tính, hỗ trợ việc học tập.

Theo lời giới thiệu của ông Tòng Hữu Yên, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tuần Giáo, chúng tôi tìm đến nhà chị Cà Thị Lan, bản Pom Ban, xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo. Đây là một trong nhiều hộ gia đình được nhận tiền giải ngân từ Chương trình cho vay đối với HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Ngôi nhà xây cấp 4 mộc mạc nằm nép mình ngay ven quốc lộ 279. Trong căn phòng khách rộng 20m2 ngoài 1 cái bàn học và cái ti vi cũ, có lẽ thứ đáng giá và có ý nghĩa nhất với gia chủ là những tấm giấy khen học sinh giỏi của các con treo kín tường. Chị Lan chia sẻ: Là gia đình thuần nông, ngoài trông vào 600m2 ruộng, kết hợp với chăn nuôi lợn, gà những lúc rảnh chồng tôi đi phụ xây theo các tổ thợ ở trong xã, còn tôi tranh thủ làm bánh (bánh rán, bánh bao) bán ăn sáng cho các cháu học sinh trong những ngày đi học. Hai năm đại dịch Covid-19, mọi việc gián đoạn, không có việc làm, mất thu nhập, cuộc sống gia đình vốn đã khó lại càng thêm khó. Bởi gia đình tôi có 2 con đang học phổ thông (cháu lớn học lớp 11, cháu thứ 2 học lớp 5), trong thời gian nghỉ học tập trung, học trực tuyến tại nhà do đại dịch Covid-19, việc phải bỏ ra một số tiền lớn gần 20 triệu đồng để mua máy tính cho các con học tập thực sự nằm ngoài khả năng của gia đình. Nhiều hôm cả 2 con đều học cùng khung giờ, mà cả nhà chỉ có một chiếc điện thoại thông minh, nên đành ưu tiên cho đứa nhỏ, thằng anh lại phải sang học chung cùng với bạn. May mắn có Chương trình cho vay đối với HSSV hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. Gia đình tôi đã đăng ký vay 20 triệu đồng để mua 2 chiếc máy tính cho các con học tập.

Ngồi học bên chiếc máy tính mới, em Lường Minh Đức, vui mừng chia sẻ: Từ khi được mẹ mua máy tính, việc học tập của em thuận lợi hơn hẳn, không còn phải học theo hình thức giao phiếu bài tập hoặc sang học nhờ nhà bạn nữa. Khi trở lại trường học tập trung như hiện nay, máy tính cũng giúp ích cho em rất nhiều trong việc tra cứu tài liệu, tham khảo bài giảng của các thầy cô giáo trên các trang mạng như: VietJack. Com...

Ngay khi biết thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi cho HSSV khó khăn, gia đình chị Lò Thị Cợi, thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa đã nhanh chóng đăng ký xin vay vốn. “Cháu nhà tôi năm nay bước vào năm đầu đại học nên việc chuẩn bị đồ dùng học tập, tư trang cho cháu xuống trường nhập học cũng khiến gia đình phải “đau đầu” bởi với mức thu nhập của bố mẹ thuộc diện trung bình ở nông thôn nên chưa có điều kiện mua máy tính ngay để phục vụ việc học của con. May mắn gia đình tôi đã tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tủa Chùa với lãi suất chỉ 0,1%/tháng. Vay 10 triệu đồng, mỗi tháng gia đình chỉ phả trả 10 nghìn đồng tiền lãi; thời hạn cho vay tối đa 36 tháng nên gia đình cũng không quá áp lực về việc trả nợ. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi đối với người dân có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”- chị Lò Thị Cợi chia sẻ.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Cơ sở giáo dục mầm non Tư thục Đam Mê, thành Phố Điện Biên Phủ đã đầu tư sửa chữa cơ sở vật chất, đón trẻ đến trường học tập, vui chơi trong điều kiện khang trang.

Được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay 80 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 3,3%/năm trong 3 năm, theo Chương trình cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập theo Nghị quyết 11/NQ-CP. Chị Nguyễn Thị Việt Anh, Trưởng nhóm trẻ Tư thục Đam Mê, thành Phố Điện Biên Phủ chia sẻ: Cơ sở hiện có tổng số 7 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 2 lớp học với tổng số 30 trẻ (trẻ từ 12 – 36 tháng tuổi). Hai năm qua do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều lần cơ sở phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố. Tạm dừng hoạt động, không có nguồn thu nhưng cơ sở vẫn phải lo các khoản như: Tiền thuê mặt bằng, tiền hỗ trợ cán bộ giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, đồ dùng học tập xuống cấp… Khi hoạt động trở lại, đơn vị gặp rất nhiều khó về vốn cho công tác đầu tư, sửa chữa, mua sắm lại vật dụng, dụng cụ học tập để mở lớp, nhận trẻ. Nhờ có nguồn vốn vay 80 triệu đồng, đơn vị đã đầu tư mua đồ dùng học tập, sửa chữa lại cơ sở vật chất khang trang để đón trẻ đến trường học tập, vui chơi trong điều kiện tốt nhất; khiến giáo viên, phụ huynh học sinh đều rất vui mừng phấn khởi.

Thực hiện Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn rà soát đối tượng, nhu cầu vay vốn. Ngân hàng tổ chức hội nghị triển khai các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP; phối hợp với chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở, tổ chức triển khai công tác hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt cho vay và giải ngân vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng chính sách. Tính đến 30/9/2022, Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, toàn tỉnh đã giải ngân được 1.280/3.300 triệu đồng.

Hành trình đến với ánh sáng tri thức của các em HSSV miền biên viễn – nơi cực Tây Tổ quốc còn nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng với sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, sự vào cuộc cả hệ thống chính trị; những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước; tin tưởng rằng từ việc tiếp bước các em đến trường, sau này các em HSSV sẽ tự bước tiếp và viết lên những thành công cho riêng mình, đóng góp cho quê hương, đất nước.

Bài 3: Những ngôi nhà an cư

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top