Tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí lớn

15:01 - Thứ Hai, 31/10/2022 Lượt xem: 5436 In bài viết

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, sáng 31/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe báo cáo của Đoàn giám sát và thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tham dự phiên họp có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cần khắc phục 3.085 dự án gây thất thoát, lãng phí

Thay mặt Đoàn giám sát của Quốc hội trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn. Cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ mức 22,9% tổng chi ngân sách nhà nước năm 2016 lên khoảng 29% năm 2020. Đáng chú ý, một số địa phương đã tiết giảm mạnh dự toán chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, như Hà Nội với tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 là 47,2%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo giám sát.

Tổng số tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước giai đoạn 2016-2021 là 350,54 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,37% GDP. Nợ công giảm mạnh từ 63,7% GDP vào đầu nhiệm kỳ xuống còn 55,9% GDP cuối năm 2020 và được cơ cấu lại bền vững, an toàn.

Sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021. Tính đến cuối năm 2021, đã giảm 13,85% số đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường; từng bước khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực.

Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.

Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương năm 2016, có 1.448 dự án chậm tiến độ, đến năm năm 2021 là 1.962 dự án, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm đều chậm tiến độ. Ngoài ra, hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó, năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.

Quang cảnh phiên thảo luận sáng 31-10.

Trong số những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên, Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ ra còn có hiện tượng buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương; một số nơi chưa đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cơ quan tham mưu trong tổ chức thực hiện, chưa quyết liệt, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Từ năm 2023, Đoàn giám sát đề nghị phát động trong toàn quốc cuộc vận động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả.

Đoàn giám sát cũng đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí tại 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả; 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ; 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn, vướng mắc; 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng.

Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật...

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu.

Pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ

Thảo luận tại hội trường, bày tỏ nhất trí với báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) băn khoăn về hiện tượng lãng phí trong lĩnh vực công đang nhiều hơn và trầm trọng hơn ở khu vực tư.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, tại khu vực công, vẫn còn nhiều thất thoát, lãng phí từ việc nợ đọng thuế, thất thu thuế cho đến tại hàng nghìn dự án chậm tiến độ. Đại biểu cho rằng, nguyên nhân căn bản khiến việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế, đó là do ý thức cá nhân chỉ chú trọng đến lợi ích của bản thân, không vì cái chung, không vì tập thể.

“Việc tiết kiệm, chống lãng phí trong khu vực công đòi hỏi mỗi người phải đặt lợi ích của cộng đồng, của tập thể, của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) tranh luận.

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, một trong những nguyên nhân chủ yếu và xuyên suốt của những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra đó là thể chế liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều bất cập.

Kết quả giám sát cho thấy, công tác tham mưu xây dựng, ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ. Có trường hợp còn sơ hở dẫn đến lãng phí, thất thoát lớn về nguồn vốn, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai, khoáng sản, nguồn nhân lực.

Nhận định nguyên nhân lãng phí do chủ quan là chính, đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) đề nghị Chính phủ chỉ đạo thường xuyên tổ chức rà soát các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách trong lĩnh vực mình phụ trách để kịp thời đề nghị sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm có cơ sở khoa học phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, không để nhanh bị lạc hậu; có giải pháp nâng cao trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tham mưu lập định mức, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách, lập dự án, thẩm định dự án, tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí lớn.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh).

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho rằng sự lãng phí “hữu hình” đã gây ra tổn thất rất lớn, rất nghiêm trọng, nhưng đằng sau đó còn nhiều lãng phí “vô hình” ảnh hưởng lớn đến sự phát triển.

Đại biểu phân tích, lãng phí “vô hình” sẽ làm mất đi cơ hội phát triển, làm lãng phí nguồn lực quý giá, làm suy yếu bộ máy, như những câu chuyện đang xảy ra thực tế hiện nay như không thể thực hiện tự chủ bệnh viện, bất cập trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế; cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc.

Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường công tác hậu giám sát đối với các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án chậm tiến độ, đất đai còn để hoang hóa, việc đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm tài sản công công sở sử dụng chưa đúng mục đích; kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, đã có 20 đại biểu phát biểu, trong đó có 1 ý kiến tranh luận. Tại phiên thảo luận buổi chiều về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Chính phủ có ý kiến với những nội dung mà đại biểu đề nghị giải trình, làm rõ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top