Đề xuất quy định nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường

14:18 - Thứ Ba, 01/11/2022 Lượt xem: 4257 In bài viết

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tư, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày tờ trình.

Loại bỏ quy định khung giá đất

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Dự thảo luật gồm 16 chương, 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều; sửa đổi, bổ sung 184 điều; bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều. Dự thảo luật hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất. Bên cạnh các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn, quyền được bồi thường khi nhà nước thu hồi đất theo quy định hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định quyền được thế chấp, cho thuê lại quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm, bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với đất; quyền và nghĩa vụ sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, trên không; quyền tự đầu tư trên đất và các quy định về góp quyền sử dụng đất để xây dựng, chỉnh trang đô thị phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sử dụng. Giải quyết vướng mắc liên quan đến công nhận quyền đối với hộ gia đình, cá nhân không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất.

Về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo luật đã quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để công khai, minh bạch trong thực thi và giám sát. Đa dạng các hình thức bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở; giá đất bồi thường theo giá thị trường; tách bạch các khoản bồi thường, các khoản hỗ trợ; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước khi quyết định thu hồi đất. Quy định trách nhiệm, cách thức lấy ý kiến người có đất, tài sản trên đất bị thu hồi để bảo đảm khách quan, minh bạch; tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án riêng thực hiện trước, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư.

Về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất, dự thảo luật bỏ quy định khung giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá trị thị trường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan; bảng giá đất được xây dựng định kỳ hằng năm. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì bảng giá đất được xây dựng theo vùng giá trị, thửa đất chuẩn. Quy định các trường hợp áp dụng bảng giá đất, trong đó áp dụng bảng giá để để tính thuế thu nhập khi chuyển quyền sử dụng đất.

Trong quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa; quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hằng năm”.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra.

Quy định rõ các tiêu chí trong việc xây dựng bảng giá đất

Báo cáo thẩm tra về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai, đề nghị rà soát bảo đảm phân biệt rõ giữa quyền và trách nhiệm của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai với quyền và nghĩa vụ của nhà nước với tư cách là cơ quan quản lý, trong đó cần quan tâm đến trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định rõ hơn nội hàm các quyền và cơ chế để công dân thực hiện quyền đối với đất đai.

Đối với quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, đề nghị rà soát điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, trong đó có quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất và thời điểm có hiệu lực của việc chuyển quyền, thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và quy định của các luật có liên quan.

Về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị quy định rõ tiêu chí, điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất và đối với các dự án đầu tư vào khu vực hạn chế sử dụng đất; đồng thời có cơ chế và chế tài để kiểm soát việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp này.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị rà soát, bảo đảm phân biệt rõ giữa trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, xác định thứ tự ưu tiên áp dụng đấu giá hay đấu thầu trong trường hợp có dự án vừa đáp ứng điều kiện đấu giá và đấu thầu; tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến về các điều kiện đối với đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, bảo đảm phù hợp, khả thi.

Quang cảnh phiên họp.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên tắc định giá đất “phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường”; quy định rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất; đánh giá tính khả thi của quy định xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm; làm rõ nội hàm của việc xây dựng bảng giá đất theo vị trí để phân biệt với giá đất cụ thể; cách xác định cụ thể “vùng giá trị”, “thửa đất chuẩn”; quy định rõ về việc áp dụng các phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật. “Có ý kiến đề nghị có thể áp dụng nhiều phương pháp định giá đất khác nhau nhưng phải chọn phương pháp có kết quả cao nhất, không làm thất thoát ngân sách nhà nước”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

Về những vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa và giao HĐND cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương là cần thiết, đồng thời đề nghị bổ sung quy định cơ chế giám sát để quản lý việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng chuyển sang mục đích khác.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top