Mừng, lo chuyện tăng lương

15:47 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 4240 In bài viết

Thông tin về việc tăng lương cơ sở đối với lực lượng công chức, viên chức khu vực công đã vừa mang đến niềm vui nhưng cũng đi liền với nỗi lo của không ít người lao động. Nghe thì có vẻ nghịch lý, nhưng thực tế cho thấy, mỗi lần có thông tin về việc tăng lương thì gần như ngay lập tức, mặt bằng giá cả thị trường lại leo thang và số tiền lương được tăng nhiều khi không đủ bù trượt giá.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra tại Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu...  để trình Quốc hội. Cụ thể, lương cơ sở sẽ được đề xuất tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Đón nhận tin này, cô giáo Lê Thị Hạnh, một giáo viên ở huyện miền núi Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cho rằng, đề xuất tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng từ 01/7/2023 là việc làm hợp tình, hợp lý. Bởi, hơn 3 năm qua, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên Nhà nước chưa tăng lương cơ sở. Hơn nữa, việc chậm tăng lương khiến đời sống cán bộ, công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, do lạm phát kinh tế, giá cả tăng cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hàng loạt thời gian qua. Riêng viên chức ngành Giáo dục, việc tăng lương giúp giáo viên ổn định tâm lý, có thêm động lực để gắn bó với nghề, nâng cao chất lượng công tác chuyên môn. “Hiện tại, đồng lương giáo viên quá thấp. Ngoài giờ lên lớp, giáo viên phải làm nhiều nghề tay trái để mưu sinh... nên khó toàn tâm toàn ý cho việc dạy học. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng giáo dục”, cô giáo Lê Thị Hạnh chia sẻ thêm.

 Đại biểu Trần Văn Khải. Ảnh: Bích Lan

Theo đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam), do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của người lao động rất khó khăn. Do đó, việc tăng lương là hết sức cần thiết, phù hợp với nhu cầu của người lao động và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, điều này cũng góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Từ đó, thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng lương cho người lao động sẽ tạo sự kích thích rất lớn, giúp họ hăng hái, nâng cao tinh thần làm việc, đem lại hiệu quả lao động cao hơn.

Việc trình Quốc hội phương án điều chỉnh tiền lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người có công với cách mạng, người nghỉ hưu... là tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng trong đề xuất, tính toán các điều kiện cần thiết; đồng thời, cũng là sự cố gắng của Chính phủ trong cân đối ngân sách để có nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc tăng lương cơ sở đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khu vực công.

Tuy nhiên, ở góc tiếp cận khác, thông tin về việc tăng lương từ ngày 01/7/2023 cũng mang đến cho nhiều người được hưởng lương những cảm xúc buồn vui xen lẫn. Bởi thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng vọt.

Tăng lương cơ sở đối với công chức, viên chức khu vực công cần gắn với các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Ảnh: Duy Linh

Khách quan nhìn nhận, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã chỉ đạo ban hành nhiều văn bản điều chỉnh, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách tiền lương; thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và ban hành chính sách, chế độ mới đối với khu vực công khi đã bố trí đủ nguồn lực... Tuy nhiên, dù chính sách tiền lương đã trải qua nhiều lần cải cách, nhưng vẫn còn không ít bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, nhất là thực trạng “bão giá”, tình trạng người bán hàng “té nước theo mưa” lợi dụng việc tăng lương để đẩy giá hàng hóa lên cao.

Đối với lần tăng lương cơ sở sắp tới (nếu được Quốc hội thông qua), nhiều chuyên gia nhìn nhận, trước đây, mỗi lần điều chỉnh, lương cơ sở thường tăng 7 - 10%; trong lần đề xuất này, sau hơn 3 năm không được điều chỉnh, mức tăng lương cơ sở đề xuất là từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng, tương đương khoảng 20,8% là tương đối phù hợp. Đặt trong bối cảnh nước ta vừa trải qua quãng thời gian dài tập trung mọi nguồn lực để chống dịch COVID-19, chủ trương tăng lương thể hiện quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước trong quan tâm chăm lo bảo đảm đời sống người lao động, cán bộ, công chức, viên chức..., tạo động lực quan trọng phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế, xã hội và thực hiện tốt hơn công bằng, tiến bộ xã hội…

Và để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động hăng say công tác thì cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đi kèm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát chặt về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Qua đó, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, “lương tăng 1 đồng giá tăng 2 đồng”. Mục tiêu trước hết của việc tăng lương cơ sở đó là tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động. Mục tiêu này sẽ không thể đạt được nếu lạm phát không được kiềm chế có hiệu quả, chỉ số tiêu dùng, giá các mặt hàng thiết yếu tăng song song hoặc tăng nhanh hơn mức tăng của lương.

Cùng với việc tăng lương cơ sở, còn có những chính sách xã hội khác để thu nhập của người lao động đảm bảo cuộc sống, đảm bảo tái tạo sức lao động, đảm bảo tích cực cống hiến. Đồng thời, tiếp tục thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Quốc hội, Chính phủ nên nghiên cứu về thời gian tăng lương cơ sở càng sớm càng tốt, có thể là tăng luôn từ ngày 01/01/2023, nếu bảo đảm được nguồn lực tài chính. Vì theo phương án được đưa ra là tăng lương cơ sở từ ngày 01/7/2023; như vậy, phải sau 4 năm, mức lương cơ sở của lực lượng công chức, viên chức khu vực công mới được tăng, trong khi chỉ số giá tiêu dùng đều tăng qua các năm. Việc tăng lương cơ sở từ ngày 01/01/2023 sẽ sớm giúp giảm bớt những khó khăn trong đời sống, sinh hoạt của người lao động khu vực công, người hưởng lương hưu…

Đối với cán bộ, công chức, viên chức khu vực công, người nghỉ hưu...  cần thấu suốt quan điểm, chủ trương đúng đắn cùng những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong thực thi chính sách tiền lương, bảo đảm cân đối các nguồn lực để thực hiện lộ trình tăng lương. Từ đó, tiếp tục đồng hành, sẻ chia với những khó khăn chung; tích cực trong công tác, chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top