Sinh hoạt tư tưởng

Đừng “cưỡi ngựa xem hoa”

08:23 - Thứ Tư, 28/12/2022 Lượt xem: 5768 In bài viết

ĐBP - Ông D., Bí thư chi bộ bản N. than thở:

- Tôi không hiểu, kiểm tra giám sát mà chỉ nghe báo cáo rồi về thì lấy đâu ra hiệu quả? Làm sao mà biết thực tế người dân cần gì, muốn gì, báo cáo có đảm bảo phản ánh đúng thực tế hay không? Kiểm tra, giám sát như thế thì bức xúc của người dân mãi vẫn chỉ nằm ở những tờ đơn kiến nghị mà thôi!

Băn khoăn của ông D. bắt nguồn từ vụ việc mới đây, đoàn cán bộ về xã kiểm tra tình hình phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cây con giống; giải quyết các chế độ chính sách cho nhân dân... Tuy nhiên, đoàn kiểm tra chỉ ngồi nghe báo cáo ở hội trường, xong rồi quay về huyện luôn.

Thực tiễn, không riêng gì câu chuyện của bí thư D. mà hiện nay việc kiểm tra, giám sát theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” đã để lại nhiều băn khoăn, thậm chí gây mất lòng tin trong nhân dân. Có những nơi mỗi năm tiếp tới 3 - 4 đoàn kiểm tra, giám sát mà không đoàn nào phát hiện ra thiếu sót, khuyết điểm, thậm chí cả vi phạm nghiêm trọng. Có những cán bộ, lãnh đạo hăng hái đi kiểm tra, nhưng làm việc chưa quyết liệt, nghiêm túc. Người trực tiếp lao động, sản xuất, thụ hưởng, đặc biệt là nhân dân có vấn đề cần ý kiến, đề xuất hoặc bức xúc cần phản ánh thì rất hiếm khi được gặp đoàn kiểm tra; hoặc gặp khi đã có sự bố trí, hiện diện của cả lãnh đạo đơn vị, địa phương ở đó; dẫn đến e ngại, sợ phản ánh.

Yêu cầu quan trọng nhất đối với công tác kiểm tra giám sát là phải thực chất, kịp thời phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm để chấn chỉnh, khắc phục. Nếu kiểm tra theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì chắc chắn không đem lại hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng, gây “nhờn” kiểm tra giám sát. Thực tiễn chỉ ra rằng, để nâng cao chất lượng kiểm tra giám sát trước nhất cần lựa chọn vấn đề “đúng” và “trúng”, chuẩn bị kỹ lưỡng, xác định mục tiêu, mục đích rõ ràng với kế hoạch triển khai cụ thể, sát thực tế. Đặc biệt, cần coi trọng vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, nghiêm khắc, công tâm; đi sâu đi sát cơ sở, “mắt thấy, tai nghe”, gặp gỡ, hỏi chuyện, chứng kiến cuộc sống nhân dân nhằm phát hiện khó khăn, tiêu cực, những vấn đề bức xúc, nổi cộm của họ để kịp thời giải quyết... Rồi từ đó có hướng xử lý, rút kinh nghiệm, kiểm điểm, thậm chí là kỷ luật cán bộ, góp phần thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Phương Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top