Nguồn lực mới để Lào Cai "cất cánh"

18:15 - Thứ Năm, 30/03/2023 Lượt xem: 5621 In bài viết

Có thể nói, Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “thời cơ vàng” để Lào Cai cất cánh bởi trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (từ 1-1-2019), quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu được thực hiện theo nhiều quy định khác nhau nên có nhiều bất cập, chất lượng hạn chế, thiếu tính gắn kết liên vùng, liên ngành.

Công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch cũng chưa được quy định rõ ràng, chế tài xử phạt các vi phạm trong công tác quy hoạch chưa nghiêm, việc huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch hạn chế dẫn đến tình trạng quy hoạch ‘treo” kéo dài, gây lãng phí nguồn lực phát triển.

Nhận thức rõ vấn đề này, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bởi vậy tỉnh luôn ưu tiên dành nguồn lực tài chính cũng như con người làm công tác quy hoạch. Trong quá trình xây dựng, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đảm bảo quy hoạch sát với thực tế, có tầm nhìn chiến lược và mang tư duy đột phá.

Ngày 13-12-2019, tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ thông qua Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh. Quá trình lập quy hoạch diễn ra từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021... Sau nhiều nhiều lần được tiếp thu, điều chỉnh dựa trên các kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương (20 bộ, ngành), các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc, Lào Cai đã hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt.

Nhìn vào quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thấy rõ được ý chí, khát vọng vươn lên của tỉnh Lào Cai với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo. Đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và Châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.

Tỉnh Lào Cai xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trở thành một trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam - Trung Quốc, châu Âu; phát triển công nghiệp theo hướng gia công, chế biến sâu, mở rộng vị thế, vai trò của tỉnh trong chuỗi sản xuất công nghiệp của cả nước; tập trung chuyển đổi nông nghiệp sang sản xuất hàng hóa, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, thông tin truyền thông, khoa học công nghệ…được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc.

Tranh thủ tối đa ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhân dân, tỉnh Lào Cai đã xây dựng được bức tranh tương lai sát với thực tế, có tầm nhìn chiến lược và mang tư duy đột phá.

Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chọn 3 khâu đột phá: Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng số. Phát triển, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số. Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao: Kinh tế cửa khẩu, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế.

Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Phát triển nguồn nhân lực, nguồn lao động; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trọng tâm là hạ tầng giao thông và hạ tầng số; Phát triển nông nghiệp, nông thôn và sắp xếp, ổn định dân cư; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa con người Lào Cai.

Các ưu tiên phát triển: Trên cơ sở phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như dự báo xu hướng phát triển, Quy hoạch tỉnh đã xác định các ưu tiên phát triển, gồm một trục động lực, hai cực phát triển, ba vùng kinh tế, bốn trụ cột phát triển kinh tế.

Một trục động lực: Hình thành một trục kinh tế động lực dọc sông Hồng, trong đó phát triển trục đô thị: Thị trấn Bát Xát mở rộng, thành phố Lào Cai, thị trấn Tằng Loỏng, thị trấn Phố Lu mở rộng (bao gồm: Sơn Hà, Sơn Hải), các đô thị mới Bảo Hà - Tân An, Trịnh Tường, Võ Lao; phát triển công nghiệp gia công, chế biến chế tạo, công nghiệp chế biến sâu khoáng sản, công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến sâu nông sản; thu hút đầu tư xây dựng các khu logistics, cảng cạn, hạ tầng thương mại phục vụ kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển các khu dịch vụ du lịch, du lịch văn hóa - tâm linh và vui chơi giải trí. Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng có vai trò liên kết không gian phát triển hai cực phát triển, ba vùng kinh tế của tỉnh, kết nối liên tỉnh và kết nối cả nước với vùng Tây Nam - Trung Quốc trên ba nền tảng kết nối là hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa lịch sử và doanh nghiệp.

Hai cực phát triển: Cực phía Bắc gồm thành phố Lào Cai, huyện Bát Xát, thị xã Sa Pa, huyện Bắc Hà và một phần huyện Bảo Thắng: Phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, đô thị, du lịch, công nghiệp, nông nghiệp, là khu vực kết nối trực tiếp với vùng Tây Nam Trung Quốc; Cực phía Nam gồm huyện Bảo Yên, huyện Văn Bàn: Phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, nông lâm nghiệp, là khu vực kết nối tỉnh với các tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, đồng bằng Bắc Bộ với khu vực ASEAN. Cực phát triển phía Nam, gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn, Bảo Thắng và khu vực phía Nam của thành phố Lào Cai: Có vai trò liên kết, kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam - Trung Quốc, đường giao thông kết nối ngang sang các tỉnh phía Đông (Hà Giang, Tuyên Quang), phía Tây (Lai Châu, Điện Biên Sơn La), phía Nam (Yên Bái, Phú Thọ, các tỉnh phía Bắc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh).

Ba vùng kinh tế: Vùng thấp gồm các huyện Văn Bàn, Bảo Yên; Vùng cao gồm các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, thị xã Sa Pa, phần phía Tây huyện Bát Xát; Vùng trung tâm gồm thành phố Lào Cai, huyện Bảo Thắng, phần hạ huyện Bát Xát theo dọc sông Hồng.

Bốn trụ cột phát triển kinh tế: Phát triển kinh tế cửa khẩu, dịch vụ; Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo; Phát triển du lịch;  Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Để thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030,  tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ 6 nhóm giải pháp căn cơ. Trước hết, đó là nhóm giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực: Nhu cầu vốn đầu tư trong thời kỳ 2021-2030 khoảng 774 nghìn tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 260 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 khoảng 514 nghìn tỷ đồng. Dự kiến quy mô vốn huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước khoảng 80 nghìn tỷ đồng, vốn ODA khoảng 6 nghìn tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 6 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khoảng 290 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp khoảng 122 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư khu vực dân cư khoảng 270 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, các nhóm giải pháp sẽ được triển khai, gồm phát triển nguồn nhân lực; bảo vệ môi trường; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; cơ chế, chính sách liên kết phát triển; quản lý, kiểm soát phát triển đô thị, nông thôn.

 

Theo baolaocai.vn
Bình luận

Tin khác

Back To Top