Bài dự thi “Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất”

Để xứng đáng là những “viên gạch hồng” (bài 3)

07:47 - Thứ Hai, 17/04/2023 Lượt xem: 5833 In bài viết

Bài 3: Níu giữ lòng dân

ĐBP - Với chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân, Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp không những phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động mà mỗi đại biểu cũng cần gìn giữ đạo đức, lối sống, là cá nhân tiêu biểu của địa phương, đơn vị nơi công tác, sinh sống và hoạt động...

Bài 1: Cuộc “đàm phán” trên đỉnh Pu Cai

Bài 2: Hiểu đúng giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm

Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tại huyện Mường Chà.

Bài học về gương mẫu

Thực tiễn cho thấy, những nhiệm kỳ gần đây trong phạm vi cả nước, không ít đại biểu HĐND các cấp giữ các vị trí quan trọng trong Đảng, chính quyền do vi phạm các quy định pháp luật đã bị xử lý nghiêm minh. Điều này vô hình trung làm giảm sút niềm tin của cử tri và Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đối với tỉnh Điện Biên, tình trạng này không nhiều, song không phải là không có.

Điển hình như trường hợp của ông Vàng A Dia, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Háng Lìa (đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026), huyện Điện Biên Đông tháng 11/2022 vừa qua đã bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách do vi phạm quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cũng cùng thời gian trên, ông Vàng A Dia phải chịu quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách của Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông do các lỗi vi phạm trên.

Nhận các quyết định thi hành kỷ luật, ông Vàng A Dia đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân. Ông Dia cho biết, trên cương vị Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, đồng thời là đại biểu HĐND xã nhưng để con mình tảo hôn là sự việc không mong muốn. Điều này đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và tổ chức Đảng nơi sinh hoạt. Ông mong rằng, đồng chí, cử tri và Nhân dân cảm thông để ông có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục được cống hiến cho Đảng, phục vụ Nhân dân.

Đại biểu HĐND tỉnh trao đổi thông tin với cử tri xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Cũng trong năm 2022, do những vi phạm trong lĩnh vực đất đai, ông Lường Văn Thoạn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở (đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026), huyện Mường Ảng cũng đã bị miễn nhiệm toàn bộ các chức vụ liên quan. Theo đó, trong quá trình kiểm tra, xem xét, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng xác định ông Lường Văn Thoạn có nhiều vi phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai tại địa phương trong thời gian dài. Việc cho từ chức, miễn nhiệm đối với ông Lường Văn Thoạn thể hiện sự nghiêm minh trong Đảng cũng như nhất quán về tư tưởng, hành động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Mường Ảng theo tinh thần Quy định 41-QĐ/TW, ngày 13/11/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mường Ảng, cho biết: Đối với người cán bộ, đảng viên, người đại biểu dân cử, việc vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật là điều không mong muốn. Song, để bộ máy trong sạch, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Điều này không những góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh mà còn gìn giữ sự nghiêm minh trong Đảng, lấy lại hình ảnh người cán bộ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” trong trái tim Nhân dân.

Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định pháp luật, trong đó có những người là đại biểu HĐND các cấp là điều không ai mong muốn. Dẫu vậy, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Và những trường hợp đã bị xử lý, đây thực sự là bài học sâu sắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, đại biểu dân cử nói riêng về tính gương mẫu.

Khắc phục tình trạng hình thức

Với vai trò, trách nhiệm là đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân, có thể nói, tiếp xúc cử tri là hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND. Và với HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Điện Biên, những năm qua đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường giám sát, lắng nghe, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết, phối hợp giải quyết những ý kiến, kiến nghị, phản ánh từ cơ sở, giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hoạt động tiếp xúc cử tri, nhất là ở cấp huyện, cấp xã ở một số nơi vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức.

Cử tri xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng) kiến nghị với đại biểu HĐND huyện tại buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri Trớ Chờ Hồ, người có uy tín ở xã Sa Lông, huyện Mường Chà bộc bạch: Thường xuyên tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, qua theo dõi, tôi nhận thấy các điểm tiếp xúc cử tri của đại biểu còn ít; thậm chí mỗi đợt tiếp xúc đại biểu chỉ đi đến được một hai điểm của xã nơi ứng cử, chưa tiếp xúc được hết cử tri của đơn vị bầu cử mà mình trúng cử nên đại biểu khó nắm bắt, thu thập hết ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân.

Còn đối với cử tri Lò Thị Miền, xã Lay Nưa, thị xã Mường Lay thì cho biết, bản thân luôn tin tưởng vào những đại biểu dân cử, song bà mong muốn hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu cần phong phú, đa dạng hơn. Nhất là việc thực hiện các cuộc tiếp xúc mang tính chuyên đề để người dân cũng như đại biểu cùng nhau tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị một cách tập trung nhất. Hoặc đóng góp, đề xuất các giải pháp hữu hiệu trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...

Quy chế hoạt động của HĐND đã quy định: Đại biểu HĐND có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc hoặc theo chuyên đề; hoặc cũng có thể trực tiếp gặp gỡ cử tri để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và những vấn đề mà đại biểu quan tâm; chuyển những ý kiến của cử tri đến tổ đại biểu HĐND và thường trực HĐND để tổng hợp báo cáo HĐND, gửi tới cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết…

Do vậy, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri, theo ông Giàng Trọng Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND các cấp cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm đang còn tồn đọng, chưa được giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cử tri thường quan tâm; thường xuyên nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri; mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, linh hoạt, bảo đảm để đại biểu HĐND tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác; thông tin đầy đủ, kịp thời việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đến cử tri đã có ý kiến, kiến nghị. Việc quyết liệt theo đuổi đến cùng kiến nghị cử tri sẽ đẩy nhanh tiến độ giải quyết kiến nghị cử tri, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan... làm như vậy, lòng dân sẽ được níu giữ; niềm tin giữa cử tri với những đại biểu, với Đảng, chính quyền sở tại sẽ được củng cố.

Bài 4: Từ lời hứa đến hành động

Văn Quyết – Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top