Bài dự thi Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân

Khẳng định vai trò đại biểu người dân tộc thiểu số (bài 2)

14:11 - Thứ Ba, 25/04/2023 Lượt xem: 3851 In bài viết

Bài 2: Củng cố, phát huy truyền thống văn hóa các dân tộc

ĐBP - Cùng với việc lắng nghe, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực đầu tư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đại biểu HĐND người dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên còn góp phần quan trọng trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu sổ trên địa bàn. Đây là một trong những nền tảng để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, chung sức đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Bài 1: Vì quyền lợi của dân mà hành động

Ông Lò Văn Liên, bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), nguyên đại biểu HĐND huyện và đại biểu HĐND xã góp công lớn bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Cống.

Tháng tư, trời nắng như đổ lửa, từng đợt gió Lào bỏng rát cuốn theo tàn tro sau những đợt đốt nương của người dân vùng cao thốc thẳng vào mặt, khiến chặng đường từ TP. Điện Biên Phủ đến xã Pa Thơm, huyện Điện Biên như dài hơn. Sau hơn nửa giờ đồng hồ di chuyển bằng xe máy, vượt qua cây cầu treo ngang dòng Nậm Núa, chúng tôi có mặt tại bản Púng Bon với những nếp nhà khang trang mái ngói đỏ tươi – nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Cống.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh bản để mục sở thị những thay đổi, ông  Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ, nguyên Chủ tịch HĐND xã Pa Thơm nhiệm kỳ 2004 – 2011 và nhiệm kỳ 2011 – 2016; đại biểu HĐND huyện Điện Biên các nhiệm kỳ 1999 – 2004, 2004 – 2011, tâm sự: Những năm đầu của thập niên 90 thế kỷ trước, cuộc sống của dân bản khó khăn vất vả lắm! “Cuộc chiến” được cấp ủy, chính quyền lúc đó đặt ra là chiến thắng “giặc đói, giặc dốt”. Mấy chục hộ dân nhưng người biết chữ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi ấy tôi làm giáo viên, ban ngày tôi lên lớp dạy học sinh lớp 1, lớp 2; ban đêm lại đốt đèn, vận động người dân trong bản đến học lớp xóa mù chữ. Ngày nào cũng vậy, trời nắng cũng như trời mưa, lớp xóa mù chữ học từ 19 giờ đến 21 giờ. Trời không phụ lòng người, dần dần học viên đã biết đọc, biết viết. Trong lớp xóa mù chữ ấy sau này có 2 người trở thành trưởng bản, được chính quyền và Nhân dân rất tín nhiệm.

Trong quá trình công tác với vai trò đại biểu HĐND xã, ông Liên luôn sâu sát lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng cử tri để kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết kịp thời. Đặc biệt với tư cách là đại biểu đại diện cho dân tộc Cống - 1 trong 16 dân tộc rất ít người của Việt Nam, ông Liên luôn quan tâm, trăn trở đến vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với nỗ lực của cá nhân ông Liên, cùng với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, đến nay lễ hội truyền thống Tết hoa (Mền Loóng Phạt Ái) của người dân tộc Cống đã được phục dựng và tổ chức vào tháng 11, 12 dương lịch hàng năm; bản đã được chính quyền đầu tư 2 bộ cồng chiêng, trống, loa đài phục vụ các dịp lễ tết.

Hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có trên 200 hộ dân tộc Cống với hơn 1.000 nhân khẩu. Đồng bào Cống sống rải rác tại 5 bản của 3 xã trên địa bàn 3 huyện gồm: Bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), bản Huổi Moi, Si Văn, Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Điện Biên). Năm 2012, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” giai đoạn 2013 – 2020 với tổng kinh phí hơn 187 tỷ đồng. Nhờ đó đến nay các bản người Cống trên địa bàn tỉnh đang từng bước “thay da đổi thịt”; nhiều cán bộ trong bộ máy chính quyền xã, huyện là con em đồng bào dân tộc Cống.

Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người Xinh Mun trên địa bàn tỉnh Điện Biên tập trung định cư sinh sống ở xã Chiềng Sơ (huyện Điện Biên Đông) với 472 hộ 2.248 nhân khẩu. Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của người Xinh Mun được lưu truyền từ nhiều đời nay. Lễ mừng cơm mới nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh nảy sinh trong cuộc sống, lao động sản xuất, là chỗ dựa tinh thần bà con Xinh Mun hướng về tổ tiên, dòng tộc, các vị thần để gửi gắm niềm tin, cầu mong cuộc sống bình an, khỏe mạnh, sung túc, củng cố sự đoàn kết trong cộng đồng. Mới đây Lễ mừng cơm mới của dân tộc Xinh Mun xã Chiềng Sơ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, theo Quyết định số 64/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022.

Lễ mừng cơm mới của người Xinh Mun được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là sự nỗ lực của cả cộng đồng người Xinh Mun, của cấp ủy chính quyền địa phương. Song sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến đóng góp của các cán bộ người bản địa tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong đó có Lò Thị Hiền, đại biểu HĐND tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016 – 2021; đại biểu HĐND xã Chiềng Sơ, HĐND huyện Điện Biên Đông nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đại biểu Lò Thị Hiền chia sẻ: Được tín nhiệm tham gia đại biểu HĐND, tôi là đại biểu trẻ tuổi nên phải không ngừng học hỏi nâng cao trình độ bản thân, nhất là học hỏi từ những đại biểu tiền nhiệm. Đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân tôi cho rằng gìn giữ và phát huy được truyền thống văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cùng với những hoạt động trên các lĩnh vực khác, tôi rất chú trọng tìm hiểu, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri về bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa các dân tộc nói chung, truyền thống văn hóa Xinh Mun nói riêng. Từ đó kịp thời kiến nghị đến các cấp, cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Còn đại biểu Cà Thị Sẹn, dân tộc Kháng, xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo có rất nhiều thành tích trong công tác bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Với cương vị là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chị Sẹn luôn sâu sát cơ sở, tìm hiểu rõ hoàn cảnh của các gia đình. Đồng thời luôn là người gương mẫu đi đầu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa. Giai đoạn 2016 – 2020 tại các bản vùng cao, vùng xa trên địa bàn xã vẫn còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống (trung bình 3 – 4 trường hợp/năm). Đến nay tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã đã chấm dứt. Phụ nữ người dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Kháng đã quan tâm đến công tác kế hoạch hóa gia đình; tỷ lệ phụ nữ sinh tại trạm y tế và được chăm sóc y tế sau sinh đạt trên 80%. Chị em phụ nữ đã nhận thức và tham gia ngày càng nhiều các phong trào, câu lạc bộ “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “gia đình văn hóa”, “5 không 3 sạch”; xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc.

Bài 3: “Cầu nối” người dân với chính quyền

Bài, ảnh: Văn Tâm – Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top