Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tư tưởng “Nói thì phải làm” của Bác Hồ

00:00 - Thứ Sáu, 03/06/2016 Lượt xem: 3992 In bài viết
ĐBP - Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng Bác đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản tinh thần vô giá, đó là hệ thống tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong nguyên tắc đạo đức: “Nói thì phải làm”, Bác nêu lên những đức tính cần phải có của một người cán bộ cách mạng. Đó là: đối với mình, đối với người và đối với công việc; trong đó “đối với mình” được Bác đặt lên hàng đầu, bởi cái khó nhất của con người là phải đấu tranh với chính bản thân mình trong việc rèn luyện tư cách đạo đức, phong cách, lối sống và công việc. Bác viết: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hoà mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật” (HCM Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2000, t.2, tr.260).

Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958. Ảnh tư liệu

 “Nói thì phải làm”, chỉ với bốn từ đơn giản tưởng chừng như rất dễ thực hiện ấy, nhưng suốt cả cuộc đời mình Bác đã không ngừng phấn đấu làm gương cho sự thống nhất giữa tư tưởng, lời nói với hành động có hiệu quả. Lời nói đi đôi với việc làm, nói được làm được, sẽ mang lại những hiệu quả lớn, được nhiều người hưởng ứng và làm theo. Ngược lại nói nhiều làm ít hoặc nói mà không làm thì sẽ chỉ mang lại những kết quả phản tác dụng. Bác đã chỉ ra rằng: “Nhân dân chỉ quý mến những người có phẩm chất và tư cách đạo đức tốt, vì vậy muốn hướng dẫn họ thì mình phải làm mực thước “Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh... Phải thật thà nhúng tay vào việc” (Sdd, t.5, tr. 699). Với cán bộ và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, Bác căn dặn “Các đồng chí cán bộ của Đảng ở các cấp phải cố gắng tiến bộ hơn, để lãnh đạo bộ đội. Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu. Giữ gìn kỷ luật, học tập kỹ thuật, luyện quân lập công, xung phong hãm trận, thân ái đoàn kết, nói tóm lại, mỗi việc trong bộ đội, cán bộ đều phải làm gương. Như thế thì quân đội ta sẽ là một quân đội vô địch, và kháng chiến nhất định thành công” (Sdd, t.5, tr. 394). Đối với thanh niên bác căn dặn: “...Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được...”. Đối với nhà giáo Bác nhấn mạnh “Giáo viên phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hoá, chuyên môn, đức là chính trị. Muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu, nhất là đối với trẻ con” (Sdd, t.9, tr. 492).

Cả cuộc đời mình Bác rất quan tâm đến việc rèn luyện tư cách đạo đức, tác phong của các cán bộ, đảng viên, đến lời nói phải đi đôi với việc làm và bản thân Bác là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về cần, kiệm, liêm, chính để chúng ta học tập và noi theo. Nay Bác của chúng ta đã đi xa nhưng bài giảng về “Nói thì phải làm” của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Trong kháng chiến cũng như trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay, nhiều cán bộ, đảng viên, đã làm tốt những lời Bác dạy, có rất nhiều tấm gương tiêu biểu về sự hy sinh, lòng nhân ái, về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư... Song bên cạnh đó chúng ta cũng nhận thấy rằng: Một bộ phận cán bộ, đảng viên sa sút về tư tưởng, chính trị và đạo đức, bị tha hoá về lối sống. Tình trạng đạo đức giả, nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Tình trạng đó đã gây nên sự giảm sút lòng tin và uy tín của Đảng và Nhà nước trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để có một xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân dân thực sự được hưởng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng mạnh giàu, hơn lúc nào hết với phương châm và nguyên tắc sống “Nói thì phải làm” cần phải được thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Làm được như vậy là chúng ta đã làm tốt những điều mà lúc còn sống Bác Hồ luôn mong muốn và căn dặn.

Bích Hà
Bình luận
Back To Top