Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Tấm lòng yêu thương con người của Bác

13:59 - Thứ Năm, 14/07/2016 Lượt xem: 6460 In bài viết
ĐBP - Sinh thời Bác Hồ sống rất giản dị, từ lời nói đến việc làm, tác phong làm việc, từ cách ăn mặc cho đến trong sinh hoạt thường ngày. Tác phong giản dị ấy mang lại sự gần gũi, ấn tượng khó quên với những ai đã được gặp Bác dù chỉ một lần. Vì Bác của chúng ta cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, toả sáng mà không choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu, bình dị, khiêm nhường trong công việc và trong giao tiếp với mọi người.

Bác ăn mặc rất giản dị và tiết kiệm chỉ có hai bộ áo quần ka-ki, một cái khăn tay vải to và hai đôi tất. Có người yêu cầu Bác thay bộ áo quần khác. Bác nói: “Nhiều đồng bào ta, nếu được bộ áo quần như thế này cũng là tốt lắm. Thế thì việc gì tôi phải thay” (Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975; tr: 148). Hay đôi dép cao su Bác đi đã lâu, bộ quần áo ka ki đã sờn Bác vẫn dùng hàng ngày, khi biết các đồng chí phục vụ định thay, Bác không đồng ý. Chiếc bút chì mòn vẹt Bác dùng để theo dõi tin tức trên báo. Những trang bản thảo được Bác viết ở mặt sau của những tờ tin. Trên chiến khu Việt Bắc, Bác ở trong ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị, đến khi cách mạng thành công, trở về Hà Nội, Bác cũng chỉ ở trong ngôi nhà nhỏ của một người thợ điện, sau đó chuyển sang ở nhà sàn, chứ không ở nhà to, sang trọng theo chế độ. Những bữa ăn thanh đạm của Bác "Thường là dưa cà, đôi khi có thịt".

Sự tiết kiệm của Bác không chỉ ở tác phong, lối sống mà còn thể hiện trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ. Là Chủ tịch nước, nhưng những năm tháng sống trên chiến khu Việt Bắc, đi theo Bác là tổ công tác ít người nhưng kiêm đủ công việc. Khi trở về Thủ đô, các đồng chí phục vụ Bác ở Phủ Chủ tịch cũng rất ít. Những khi đi công tác xa, Bác thường tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ được về thăm gia đình, điều này thể hiện sự quan tâm của Bác và cũng là một hình thức tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian.

Bác luôn luôn đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải tin yêu, quý trọng con người, phải kính già yêu trẻ. Bác lo cho cả dân tộc và chăm lo cho từng chiến sĩ bảo vệ, phục vụ. Theo Bác: Yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”. Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Ngay cả với những người phạm phải lỗi lầm Bác cũng độ lượng khoan dung: “Với những nạn nhân của chế độ cũ như: trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì nhà nước phải vừa giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Trước lúc đi xa, trong lời Di chúc, Bác viết: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”, và “Gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”.

Với Bác, đạo đức, tư tưởng tình yêu thương con người là không biên giới. Trước hết, Bác lo cho dân tộc và sau đó, lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh còn bị đoạ đầy, đau khổ, bởi vì: “Họ là thân thích ruột rà, công nông thế giới đều là anh em”. Đó chính là chuẩn mực yêu thương con người và nét đẹp vĩnh hằng của Đạo đức Hồ Chí Minh. Học tập Bác lòng ta càng trong sáng hơn.

Hoàng Nam
Bình luận
Back To Top