Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

09:12 - Thứ Hai, 17/04/2017 Lượt xem: 4062 In bài viết
ĐBP - Trong hơn 30 năm qua, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa theo như mong ước thiêng liêng của Bác “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đa số cán bộ, đảng viên phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, năng động, sáng tạo trong công tác, rèn luyện phẩm chất, năng lực, đóng vai trò nòng cốt trong công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, trong Đảng và trong xã hội ta hiện nay đã, đang xuất hiện tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhận định: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi. Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến chậm”. Vì vậy “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên là một yêu cầu bức thiết hiện nay.

 

Đại biểu dự Hội nghị Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) do Tỉnh ủy tổ chức. Ảnh: Đức Linh

Cuộc đời Hồ Chí Minh trải qua 79 mùa xuân với 175 tên gọi khác nhau, lênh đênh khắp góc biển chân trời trong 30 năm tìm đường cứu nước, đi qua gần 40 quốc gia để rồi trở về với Pác Bó - Cao Bằng thì cái làm nên tầm vóc vĩ nhân của Người chính là tư tưởng và sự nghiệp. Sự tác động, ảnh hưởng và sức lan tỏa của tư tưởng và sự nghiệp vĩ nhân chính là ở đạo đức, phong cách làm người mà con người mang tầm vóc vĩ nhân đó để lại dấu ấn trong lịch sử. Bác Hồ của chúng ta là một con người có cả trí tuệ uyên bác và nhân cách cao cả. Hồ Chí Minh, tên gọi của Người cũng chính là tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người nhất là kết tinh, hội tụ ở phong cách. Phong cách chính là con người cho nên phong cách Hồ Chí Minh là nơi hội tụ tất cả những giá trị tốt đẹp cả lý luận lẫn thực tiễn trong cuộc đời và sự nghiệp của Người: “Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh”. Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp. Đó là bức họa chân thực và sinh động về phong cách Hồ Chí Minh được vẽ bằng lời, sức khái quát rất cao, tính biểu cảm rất mạnh.

Những cảnh báo của Bác Hồ chỉ ra trước đây về các “căn bệnh” mà cán bộ, đảng viên nhiễm phải so với những biểu hiện về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra hoàn toàn trùng khớp, có chăng chỉ khác nhau về tính chất, mức độ, phạm vi, đối tượng... mà thôi. Bác chỉ rõ: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lầm lỗi mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do so sánh, mà họ biết rõ ràng”; “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Muốn phòng chống và khắc phục suy thoái, cần phải nhận diện đúng sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên hiện nay để “kê đơn”, bốc thuốc cho trúng nhằm chữa khỏi bệnh. Sở dĩ trong thời gian qua, việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái này kém hiệu quả là vì chúng ta chưa nhận diện rõ sự suy thoái đó như thế nào; có lúc nhận định, đánh giá còn thiếu khách quan, chung chung, lờ mờ, thiếu địa chỉ cụ thể, chưa chỉ ra được ai suy thoái, bộ phận nào suy thoái, chưa vạch rõ tính chất và tác hại thực sự của sự suy thoái.

Suy thoái là sự yếu kém, hư hỏng, làm mất dần đi cái tốt, cái tiến bộ, làm tăng dần cái xấu, cái lạc hậu, làm chậm lại quá trình phát triển dẫn đến sự thoái hóa và biến chất của sự vật, hiện tượng, quá trình hay chính bản thân con người và tổ chức xã hội của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: Trong thế giới cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng biến hoá. Có cái thì biến hóa tiến bộ lên, tức là phát triển; có cái thì biến hóa lạc hậu đi, tức là suy thoái. Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là sự giảm sút ý chí chiến đấu, phai nhạt lý tưởng, dao động về chính trị, sa sút phẩm chất đạo đức, xuống cấp về lối sống. Cũng như phát triển, suy thoái bao giờ cũng mang tính bản chất, tính tổng thể của sự vật, hiện tượng, quá trình hay con người và tổ chức của con người. Đối với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, từ suy thoái về mặt này dẫn đến hay tất yếu sẽ kéo theo sự suy thoái mặt khác, làm hư hỏng, làm biến chất cán bộ, đảng viên, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước, đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, đúng như lời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh báo: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Bởi vì tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là nền tảng và động lực tinh thần để phát triển xã hội. Đạo đức là gốc của mỗi con người. Khi những nền tảng đó bị suy thoái thì sẽ dần kéo theo sự băng hoại về mọi mặt của cả xã hội.

Để cuộc đấu tranh phòng, chống sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong tình hình hiện nay đạt hiệu quả, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, cần đặc biệt quán triệt, tập trung giải quyết một số vấn đề sau:

Một là, cần nhìn thẳng vào sự thật để vạch rõ nguyên nhân sâu xa của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nếu không nhận thức sâu sắc căn nguyên này và quyết tâm khắc phục thì mọi giải pháp khác sẽ khó phát huy hiệu quả, hoặc chỉ có tính chất nhất thời, không thể giải quyết được về cơ bản vấn đề. Quyết tâm giải quyết tận gốc rễ vấn đề chính là điều kiện cơ bản nhất, giải pháp chủ yếu nhất để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái.

Hai là, cần tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận, để lý luận thực hiện đúng vai trò dẫn đường cho sự phát triển của thực tiễn. Coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên có niềm tin son sắt vào sự tất thắng của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng của Đảng. Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên gắn với việc kiểm điểm, đánh giá và có biện pháp giải quyết vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng, củng cố niềm tin trong nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí, xuất bản trước yêu cầu mới. Làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền, nêu gương “người tốt, việc tốt”, đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”,... Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình... Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; làm thất bại các thủ đoạn tác động vào tư tưởng trong Đảng; tạo cho cán bộ, đảng viên sức đề kháng cao, đủ sức chống lại “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ba  là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng việc. Nâng cao hiệu quả thực sự công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Có cơ chế đủ mạnh kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền; cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên. Tăng cường cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động của các tổ chức, cơ quan trong hệ thống chính trị. Phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, kể cả nơi công tác và nơi cư trú.

Bốn là, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ trong hệ thống chính trị. Xây dựng và thực thi cơ chế thực sự trọng dụng người có đức, có tài, trong đó đức là gốc. Xây dựng cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài cho đất nước. Thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên bằng việc ban hành và thực thi quy định chặt chẽ hơn về kết nạp đảng viên mới bảo đảm chất lượng, kiên quyết không chạy theo số lượng để ngăn chặn những kẻ cơ hội, thực dụng thâm nhập vào hàng ngũ của Đảng.

Nguyễn Đức Vượng

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Bình luận
Back To Top