Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Về Nà Nghè nghe chuyện học và làm theo Bác

10:43 - Thứ Bảy, 12/09/2020 Lượt xem: 12155 In bài viết

ĐBP - Trong không khí rộn ràng của những ngày đầu tháng 9 lịch sử, chúng tôi tìm về bản Nà Nghè, xã Thanh Minh theo giới thiệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Ðiện Biên Phủ. Ðược biết, Chi bộ bản Nà Nghè là một trong ba tập thể có nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Ðẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn thành phố.

Buổi sinh hoạt của Chi bộ bản Nà Nghè.

Theo giới thiệu, chúng tôi biết được rằng việc học và làm theo Bác ở Nà Nghè được Chi bộ bản triển khai bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhất là trong công tác lãnh đạo nhân dân xây dựng nông thôn mới, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn. Thành tích là vậy, thế mà khi liên lạc hẹn lịch từ hôm trước, Bí thư Chi bộ bản Nà Nghè Lò Văn Tuấn một mực xin “hoãn” phỏng vấn với lý do: “Bản vẫn chưa làm được gì nhiều đâu!” khiến chúng tôi phải thuyết phục mãi mới chịu nhận lời.

Sau gần 30 phút di chuyển từ trung tâm thành phố, chúng tôi đã có mặt ở bản Nà Nghè để nghe câu chuyện học và làm theo Bác từ Bí thư Chi bộ Lò Văn Tuấn và những đảng viên nơi đây. Vẫn giữ sự khiêm tốn như cuộc trò chuyện điện thoại trước đó, anh Tuấn phác họa nhanh những nét cơ bản để chúng tôi có cái nhìn khái quát về địa phương. Bản Nà Nghè hiện có 67 hộ, gần 250 nhân khẩu với 5 dân tộc anh em cùng chung sống: Khơ Mú, Thái, Kinh, Mường, Mông với phần đa là người Khơ Mú. Kinh tế của bản chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Chi bộ bản có 7 đảng viên và đây cũng chính là những hạt nhân chính trị nòng cốt để đưa việc học và làm theo Bác trở thành việc làm thường xuyên, hiệu quả. Anh Tuấn chia sẻ: Chi bộ lồng ghép nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác trong các buổi sinh hoạt. Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; nâng cao ý thức tự giác, có trách nhiệm, gương mẫu của đảng viên trong mọi công việc, hết lòng phục vụ nhân dân. Ngoài ra, chi bộ tuyên truyền, vận động đảng viên và người dân khi thực hiện nội dung này phải gắn với nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể và phù hợp với đặc thù địa phương. Chính vì vậy, mỗi đảng viên, nhân dân đã gắn việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới. Bản đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện phong trào này, trong đó, nổi bật nhất là tuyên truyền, huy động sức dân góp công, góp của xây dựng hạ tầng để phục vụ chính người dân. Cụ thể, người dân bản Nà Nghè đã hiến hàng nghìn mét đất làm đường giao thông nội bản, đường ra khu sản xuất, làm kênh mương thủy lợi nội đồng… Nhờ đó mà đến nay, các tuyến đường trong bản hầu hết được bê tông hóa; các tuyến đường ra khu sản xuất đan xen giữa đường bê tông và đường rải cấp phối nhưng cũng đã thuận tiện cho đi lại…

Dẫn chúng tôi đi thăm tuyến đường ra khu Pha I được hoàn thành năm 2017 để phục vụ người dân trong bản sản xuất, Bí thư Chi bộ Lò Văn Tuấn nói: Khu vực này rộng chừng 60 - 70ha, người dân Nà Nghè canh tác từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vốn là đất trồng lúa nương nhưng nay bà con trồng thêm ngô, sắn… để tăng thu nhập. Nhưng ngặt nỗi từ đường chính vào đây phải vượt qua con dốc đứng, nắng thì bụi, mưa thì trơn khiến bà con phải khó khăn lắm mới chở được nông sản về nhà. Thấy vậy, bản đề xuất làm tuyến đường bê tông cho bà con theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm bằng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Người dân sẽ hiến đất, góp công, còn Nhà nước đầu tư kinh phí nguyên vật liệu để làm đường này. Chẳng cần phải tuyên truyền, vận động nhiều, người dân đã phấn khởi, tự giác hiến phần đất của mình, thậm chí còn có hộ chủ động đào, san gạt tạo sẵn nền đường chỉ chờ ngày khởi công… Kết quả là có 23 hộ tình nguyện hiến đất, 37 hộ đóng góp ngày công để cùng hoàn thành tuyến đường bê tông dài gần 2.000m, rộng 4m. Từ ngày có đường bê tông, cảnh chật vật như xưa không còn nữa, xe máy, ô tô dễ dàng chở nông sản của bà con đi khắp nơi tiêu thụ. Có lẽ nhờ vậy mà cuộc sống người dân ngày càng có những chuyển biến tích cực. Toàn bản chỉ còn 3 hộ nghèo nhưng đều do nguyên nhân đặc biệt; 8 hộ cận nghèo cũng đang được Chi bộ tìm cách giúp đỡ để vươn lên…

Niềm vui đến không chỉ từ mỗi tuyến đường về khu sản xuất Pha I mà người dân Nà Nghè còn hiến nhiều diện tích đất khác vào nhiều mục đích nhưng vẫn chung chí hướng là phát triển hạ tầng cơ sở của bản. Thật vậy, nhìn vào danh sách những hộ dân tình nguyện hiến đất của bản Nà Nghè chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi những con số “khủng”. Nào là gia đình ông Lò Văn Săn A hiến 1.500m2, ông Lò Văn Săn B 1.500m2, ông Quàng Văn Khún 1.000m2, ông Quàng Văn Ðôi 800m2… và còn nhiều hộ hiến từ vài chục đến vài trăm mét vuông khó có thể thống kê hết. Nói về vấn đề này, ông Lò Văn Săn A - một trong số những hộ tình nguyện góp đất cười xòa: Cán bộ bản tới vận động gia đình tôi hiến đất làm đường để bà con đi lại sản xuất thuận tiện, từ đó việc phát triển kinh tế sẽ tốt hơn, đời sống cũng dần được nâng cao hơn. Tôi thấy như thế hợp tình, hợp lý mà nhà mình cũng được hưởng lợi từ việc làm đường nên sẵn sàng hiến thôi. Vừa rồi UBND xã còn tặng Giấy khen về việc này, phần thưởng động viên tuy nhỏ nhưng tôi vui lắm!

Nghe chuyện ở Nà Nghè, chúng tôi thấy rằng hiệu quả tích cực của việc học tập và làm theo Bác thời gian qua là đã nâng cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân. Nhờ đó mà mỗi đảng viên, nhân dân ở Nà Nghè dường như đã hiểu nội dung học và làm theo Bác không phải là những điều quá lớn lao mà chính là làm tốt những việc giản dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Trong đó chắc chắn không thể thiếu được việc nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất tích cực giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, từng bước xây dựng quê hương giàu đẹp… Có lẽ vì vậy mà khi rời Nà Nghè, điều đọng lại trong chúng tôi chính là dấu ấn về một địa phương tuy còn nhiều khó khăn về vật chất nhưng mỗi cá nhân đều sẵn sàng hi sinh lợi ích của mình cho lợi ích chung của cả cộng đồng.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top