Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Học và làm theo Bác

Người giữ lửa văn hóa truyền thống dân tộc Lào

09:37 - Thứ Năm, 21/01/2021 Lượt xem: 12736 In bài viết

ĐBP - “Ở bản Na Sang 1, mỗi khi đến ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc Lào hay ngày hội đại đoàn kết hoặc chuẩn bị các tiết mục văn nghệ tham gia các hội thi của huyện, giao lưu văn nghệ với các thôn trong xã thì bà con trong bản lại tập trung về nhà bà May để múa hát hoặc nhờ bà dàn dựng các tiết mục và hướng dẫn tập luyện” - Ðó là chia sẻ của chị Vì Thị Việt, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Na Sang về bà Lường Thị Sao May, ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên).

Bà Lường Thị Sao May (cầm micro, ngồi giữa), chủ trì nghi thức, nghi lễ tết Té nước (Bun Huột Nặm) tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc huyện Ðiện Biên.

Việc gìn giữ, trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc Lào đối với bà May như một thói quen sinh hoạt đời thường. Cũng bởi thế mà những lời ca, điệu múa truyền thống mà bà thể hiện, dàn dựng được người dân trong bản, đặc biệt là lớp trẻ dễ tiếp thu, dễ thuộc.

Bà May tâm sự: “Là con út trong gia đình có 9 anh chị em, ngày bé được ông bà, bố mẹ kể chuyện ngày xưa của các cụ, được nghe những bài hát ru, xem điệu múa truyền thống của dân tộc mình, tôi đã cảm thấy tự hào và đam mê. Lúc đi học xa nhà, mỗi khi trường, lớp tổ chức văn nghệ, với mong muốn mọi người cùng biết đến nét đẹp, bản sắc của dân tộc mình, tôi xung phong biểu diễn rồi dạy múa, dàn dựng các tiết mục văn nghệ của dân tộc Lào. May mắn là các tiết mục đi dự thi đều được đánh giá tốt. Ðó là động lực để tôi tiếp tục học hỏi, phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình”.

Bà May sinh năm 1958. Thời trẻ, là nhân tố nổi trội trong số người cùng trang lứa nên bà May được đi tham dự nhiều chương trình, sự kiện văn hóa trong nước, cũng như quốc tế, mỗi chuyến đi lại đầy ắp kỷ niệm. Bà May nhớ lại: “Năm 1992, trong cuộc thi Hát ru con toàn quốc lần thứ nhất tổ chức tại thành phố Huế, tôi đoạt huy chương Vàng. Ðến năm 2012, tôi vinh dự được chọn đi dự hội nghị 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan tổ chức tại Thái Lan. Tại hội nghị tôi đã biểu diễn nhiều bài hát dân ca thể hiện tình hữu nghị của người dân Việt Nam đối với người dân của các nước bạn, đặc biệt là đối với người Lào. Ðến năm 2016, tôi được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú nắm giữ về di sản văn hóa dân tộc Lào, cụ thể là nắm giữ các nghi thức, nghi lễ về tết Té nước (Bun Huột Nặm) của dân tộc Lào ở bản Na Sang 1, xã Núa Ngam”.

Ðến giờ khi đã gần 63 tuổi nhưng những giá trị văn hóa dân tộc, từ ca vũ cho đến các nghi lễ cổ truyền vẫn được bà May tiếp tục duy trì, phát huy thông qua việc phối hợp cùng các tổ chức hội, đoàn thể phục dựng tại các lễ hội truyền thống.

Nói về bà Lường Thị Sao May, ông Lò Văn Xuân, Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Núa Ngam cho biết: Bà May là một “cây đại thụ” gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc Lào. Ðặc biệt, những cống hiến miệt mài của bà May đã góp phần đưa tết Té nước (Bun Huột Nặm) của đồng bào dân tộc Lào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Và bà May là một trong những người dẫn dắt các hoạt động trong lễ hội. Bà May còn tích cực truyền dạy, dàn dựng các bài hát, múa cổ truyền ở nhiều địa bàn có dân tộc Lào sinh sống.

Ðược ví như “quyển sách sống” gìn giữ linh hồn dân tộc, tuy không mở lớp nhưng bà May đã truyền dạy cho hơn 200 người những kiến thức văn hóa dân tộc Lào. Năm 2020, bà được tỉnh đề nghị cấp Trung ương tặng Bằng khen cho cá nhân điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top