Chính trịTư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Vấn đề hôm nay

Học Bác lòng ta trong sáng hơn

15:27 - Thứ Hai, 10/05/2021 Lượt xem: 14963 In bài viết

ĐBP - Mới đây, Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Chỉ thị 05). Tại hội nghị, nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy khen thưởng vì có thành tích xuất sắc học và làm theo Bác. Điều ấn tượng là, không chỉ có cán bộ, đảng viên mà nhiều nông dân "chân lấm tay bùn" cũng được cấp trên động viên, khen thưởng kịp thời. Điều này thêm một lần nữa khẳng định, việc học và làm theo Bác không phải là những điều cao siêu, lớn lao, khó làm, khó thực hiện. Không phải chỉ có cán bộ lãnh đạo, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... mới có điều kiện học tập và làm theo Bác. Tùy vào chức trách, nhiệm vụ, điều kiện, môi trường công tác, thành phần xuất thân của mình, mỗi người chúng ta đều có thể học Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả nhất.

Căn cứ chuyên đề hàng năm của Chỉ thị 05, mỗi cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng kế hoạch, đăng ký nội dung học tập và làm theo Bác. 5 năm qua (2015 - 2020), đã có 1.052 cơ quan, đơn vị xây dựng chuẩn mực đạo đức, trong đó có hơn 900 cơ quan, đơn vị khái quát thành khẩu hiệu ngắn gọn, nổi bật, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò làm gương và nêu gương trong thực hiện nhiệm vụ học và làm theo Bác, nhờ đó số người xây dựng kế hoạch học tập Chỉ thị 05 ngày càng tăng. Nếu như Chuyên đề năm 2017 có 31.694 cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch học và làm theo Bác thì đến Chuyên đề năm 2020 có 40.264 người đăng ký. Tùy chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác, mỗi cán bộ, đảng viên có kế hoạch học tập, rèn luyện khác nhau. Nhờ đó, mỗi năm đều có hàng nghìn sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học cấp tỉnh, sở, ngành, đơn vị trường học... được áp dụng vào thực tế, mang lại hiệu quả to lớn, đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Trong số nhiều tham luận của đại biểu đại diện cho các cơ quan, tổ chức hay của cá nhân, tôi thực sự ấn tượng với phát biểu của bà Lường Thị May, người dân tộc Lào, bản Na Sang, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Theo bà May thì, nhờ chuyên tâm học tập và làm theo Bác nên xã Na Sang nói riêng, huyện Điện Biên nói chung đã khôi phục được nhiều lễ hội, bản sắc văn hóa, trò chơi dân gian... của dân tộc Lào vốn đã mai một nhiều năm nay.

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, do kinh tế phát triển, văn hóa giao thoa, nhiều người trẻ không tâm huyết, nhiệt tình học tập, tiếp thu, gìn giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Bà May đã phải tự mày mò, học tập, sưu tầm và phục dựng một số lễ hội văn hóa dân tộc Lào, ghi chép vào sách sử để truyền dạy cho thế hệ sau. Do hàng ngày người dân phải lên nương, xuống ruộng sản xuất, không có thời gian học tập, bà May đã tuyên tuyền, vận động bà con học vào ban đêm, vào những lúc nông nhàn. Rảnh rỗi khi nào truyền dạy khi đấy. Dạy đến lúc bà con nói và viết thành thạo, lưu loát; hát xướng, diễn trò trôi chảy thì thôi. Với cách làm đó, đã có khoảng 300 người dân tộc Lào huyện Điện Biên biết hát, múa, lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mình. Nhờ công sưu tầm, phục dựng, biểu diễn của bà May và các thành viên câu lạc bộ mà năm 2019, Lễ hội "Tết té nước" dân tộc Lào, xã Núa Ngam được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tại các huyện vùng cao, biên giới: Nậm Pồ, Mường Nhé hay huyện Điện Biên, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tổng hợp VACR mang lại giá trị kinh tế cao. Điểm chung của những nông dân này là họ học Bác đức tính cần cù, chịu thương chịu khó. Ông Lò Văn Tình - một "triệu phú nông dân" cho rằng: Khi xưa, mỗi lần xuống với dân, Bác Hồ xắn quần lội ruộng cấy lúa, kiểm tra sâu bệnh hại lúa, hoa màu. Bác cùng nông dân tát nước chống hạn cho lúa... Không nề hà việc gì Bác không làm. Miễn là lao động chân chính. Noi gương Bác, chúng tôi biết khai thác tiềm năng lợi thế đất nông nghiệp để làm giàu. Mồ hôi công sức đổ xuống bao năm qua, đến nay đã được đền đáp xứng đáng. Mỗi năm mô hình VACR của gia đình ông Tình có thu nhập cả trăm triệu đồng.

Thực tế cho thấy, 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng 89 mô hình học tập, làm theo Bác trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, mô hình hoạt động thiện nguyện... Nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần vào công cuộc XĐGN, ASHX, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường...

Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã làm chuyển biến nhận thức và hành động trong mỗi cán bộ, viên chức và người dân tỉnh Điện Biên. Bác Hồ như tấm gương soi. Mỗi người dân chúng ta hàng ngày khi đứng trước gương, hãy tự soi xét lại mình đã làm được những việc gì có ích; còn xao nhãng, chưa tâm huyết, nhiệt tình với việc gì? từ đó đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện cho phù hợp. Làm được như vậy, tin rằng, kế hoạch học tập và làm theo Bác chuyên đề các năm tiếp theo sẽ giành kết quả cao hơn, thực chất hơn.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top