Du lịchĐất và người Điện Biên

Độc đáo hàng rào đá của người Mông Tủa Chùa

10:09 - Thứ Năm, 22/12/2016 Lượt xem: 3787 In bài viết
ĐBP - Trong chuyến du lịch bụi tới các xã phía Bắc của huyện Tủa Chùa, cô bạn Nguyễn Hoàng Thanh Trang (quê ở Hà Nam) của tôi ngỏ ý muốn đoàn dừng xe trên lưng chừng dốc để ngắm những ngôi nhà nhỏ phía dưới chân núi. Đó là những ngôi nhà của người Mông được bao quanh bởi hàng rào làm bằng đá. Sau khi chụp ảnh, Trang hỏi tôi: Người dân ở đây xếp đá như thế nào? Để làm được hàng rào như vậy thì trong bao lâu? Trải qua nhiều năm tại sao hàng rào đá vẫn vững trãi dù không có vật liệu kết dính?… Rồi những câu chuyện về hàng rào đá của người Mông cứ chắp nối, theo chúng tôi vượt cả quãng đường dài.

Giữa trưa, đoàn dừng nghỉ tại xã Sín Chải được ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải cũng là một người con của đồng bào dân tộc Mông kể lại câu chuyện về hàng rào đá. Đó là thời gian lâu lắm, không biết đời nào mà người Mông Tủa Chùa chỉ được nghe kể là khi di cư đồng bào dân tộc Mông chọn nơi đây làm nhà, nhưng vì nhiều đá quá nên bà con bê đá xếp gọn vào một góc vườn. Sau đó, có gia đình nghĩ ra cách khéo léo xếp những hòn đá lởm chởm đủ kích cỡ thành hàng rào bao quanh nhà để phòng kẻ xấu và thú dữ. Thế là nhà này làm giống nhà kia, người này học người kia. Đồng bào Mông nếu là con trai thì khi lên 7 – 8 tuổi đã biết gùi đá về nhà, lớn lên chút nữa lại học cha cách xếp rào đá. Hàng rào đá thường được làm quanh nhà, quanh vườn, nương và nơi chăn thả gia súc. Dù cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, bốn bề đều là đá nhưng để sinh tồn, đồng bào nơi đây đã tìm cách để “chinh phục đá”, đá tạo lối đi, xếp thành hàng rào, canh tác trên núi đá...

 

Những hàng rào bằng đá uốn lượn bao quanh nhà của đồng bào Mông ở xã Sín Chải.
Câu chuyện kể của ông Mùa A Chinh ở đây điều khiến Trang và mọi người trong đoàn vô cùng ngạc nhiên vì hàng rào đá được xếp hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế. Không xi măng, không cát nhưng bao đời nay hàng rào vẫn chắc chắn, vững chãi qua bao mưa nắng, hiên ngang trở thành thành lũy che chở cho ngôi nhà. Những viên đá tưởng chừng vô dụng được lựa chọn sẽ xếp thành hình tháp rộng trên 1m, cao gần 2m, to ở phần chân hàng rào và nhỏ dần về phía trên. Để có một hàng rào chắc chắn, đòi hỏi phải rất kỳ công, có kỹ năng và con mắt tinh tường của người thợ kiến trúc. Hầu hết đàn ông người Mông ở các xã phía Bắc Tủa Chùa đều có thể làm hàng rào đá, nhưng người xếp đẹp, rào đá đạt độ chắc chắn thì phải là những người có tay nghề cao. Chỉ cần nhìn qua là người thợ biết phải đặt viên đá ở vị trí thế nào và “thổi hồn” vào đá, làm không gian trở nên ấm áp, thân thuộc hơn.

 

Những hàng rào đá từ lâu trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống người dân ở Tủa Chùa.

Trở về TP. Điện Biên Phủ, mang theo những ấn tượng về một công trình văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông ở Tủa Chùa, trao đổi với ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi được ông chia sẻ: Nhờ các chương trình, dự án như: Chương trình 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn… nhiều con đường, công trình đã được bê tông hóa để tạo điều kiện đi lại thuận lợi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Vật liệu xây dựng thiết yếu như xi măng, cát cũng được vận chuyển đến tận những thôn bản xa xôi để xây dựng các công trình. Song điều đáng nói là dù thế thì người Mông ở các xã phía Bắc huyện Tủa Chùa vẫn giữ gìn hàng rào đá như giữ gìn một nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Với lịch sử hình thành, chức năng bảo vệ và kỹ thuật dựng, xếp tinh tế, hàng rào đá được các nhà nghiên cứu văn hóa coi là một trong những tri thức dân gian của người Mông. Tuy nhiên, giá trị văn hóa này chưa thực sự phát huy, mới chỉ dừng ở nghiên cứu về văn hóa mà chưa được cộng đồng biết đến rộng rãi. Đặc biệt là chưa kết hợp với công tác bảo vệ và phục vụ phát triển KT-XH nên một số hộ đã phá bỏ tường rào đá để làm vườn, mở rộng nương… Trước thực trạng trên, ngành Văn hóa huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân không phá bỏ hàng rào đá, song đây mới chỉ là giải pháp tạm thời. Còn về lâu dài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, đưa hàng rào đá thành điểm nhấn trong tuor du lịch của huyện Tủa Chùa; chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu, giữ gìn giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào.

Qua khảo sát thực tế tại huyện Tủa Chùa thời gian qua, Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch đã đề xuất cụ thể về hướng khai thác và phát triển loại hình du lịch sinh thái, khám phá và du lịch cộng đồng. Đây là loại hình phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn hiện tại, để tiến tới xây dựng tour du lịch Tủa Chùa và lòng hồ TX. Mường Lay sẽ tạo ra một chùm tour du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng, tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc Thái trắng T.X Mường Lay và dân tộc Mông tại huyện Tủa Chùa.

Được nghe điều ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, chúng tôi có thêm hy vọng, hình ảnh về những hàng rào đá bao quanh ngôi nhà của đồng bào dân tộc Mông Tủa Chùa sẽ được bảo vệ, giữ gìn, trở thành điểm đến của du khách để phát triển du lịch địa phương.

Bài, ảnh: Đỗ Quyên
Bình luận
Back To Top