Du lịchĐất và người Điện Biên

Người nặng tình với đàn môi

09:04 - Thứ Năm, 09/02/2017 Lượt xem: 3320 In bài viết
ĐBP - Mỗi dân tộc có những loại nhạc cụ riêng của mình, tùy từng mục đích mà sử dụng những loại nhạc cụ khác nhau, người Mông ở Tủa Chùa cũng vậy. Để giao duyên, bày tỏ tình cảm, các chàng trai cô gái Mông thường dùng cây đàn môi.

Theo giới thiệu của ông Cứ A Vảng, Phó Chủ tịch UBND xã Sính Phình, chúng tôi tìm đến nhà ông Sùng A Páo, bản Tà Là Cáo xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa. Ông là một trong không nhiều người biết chế tác và sử dụng thành thạo cây đàn môi ở Tủa Chùa hiện nay. Trong ngôi nhà gỗ đơn sơ đã ngả màu thời gian, ông Páo rót chén trà nóng tiếp khách và bắt đầu câu chuyện của mình. Ông Páo tâm sự: Tôi biết đàn môi không phải tình cờ mà ở thời của tôi phải thế, đã là người Mông thì ai cũng biết thổi đàn môi; biết để còn tỏ tình, thổ lộ tình cảm với người mình yêu. Nhưng làm đàn môi thì thật tình cờ, năm 1969 khi đó mới 21 tuổi trong một lần đến nhà ông Vàng Tráng Dê, thấy ông đang làm đàn môi, vì muốn tự tay làm cho mình một cây nên tôi đã xin học. Không chỉ truyền nghề, mà trước khi mất ông Dê đã giao lại cả đồ nghề cho tôi. Cái duyên với đàn môi của tôi cũng bắt đầu từ đấy mà gắn bó đến giờ.

 

Ông Sùng A Páo thổi đàn môi.

Dừng lời, ông Páo đứng dậy lấy ra một cây đàn môi rồi giới thiệu: “Cây đàn này tuy hình thức không đẹp nhưng là tác phẩm đầu tay của tôi, nó gắn bó với tôi hơn 40 năm nay”. Đàn môi của người Mông được làm từ một lá đồng dài khoảng 10cm, rộng gần bằng một đốt ngón tay có hình dạng giống lá tre; gồm 3 phần chính: 1 là phần gốc đàn được cuốn lại làm tay cầm; 2 là phần thân đàn hay còn gọi là lưng đàn gồm có 2 cánh đàn 2 bên và ở chính giữa là lưỡi gà phần tạo ra âm thanh; 3 là phần đầu đàn được vát nhọn để gảy.

Làm đàn môi đòi hỏi sự cầu kì, tỉ mỉ tới từng chi tiết, nếu không kiên trì thì khó có thể thành công. Quy trình làm một cây đàn môi cũng rất công phu và hoàn toàn theo hình thức thủ công. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, để nguội rồi đưa lên đe tán mỏng, đặc biệt là phần giữa lá đồng, đây là khâu quan trọng nhất trong việc tạo lưỡi gà nên phải đập phần này thật mỏng, thật đều (nhưng độ mỏng phải vừa đủ, mỏng quá sẽ dễ gãy) để sau này có độ đàn hồi của âm thanh, tiếng phát ra mới trong. Sau khi tán sẽ cắt lưỡi gà, lưỡi gà phải được căn chỉnh từng li cắt sao cho thật khít; nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh, vì vậy đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao. Làm xong đàn sẽ đến giai đoạn làm ống đựng để bảo vệ; phần gốc đàn buộc một sợi dây để nối đàn với ống tre khi thổi thì rút ra. Muốn trang trí cho đẹp và có tính thẩm mỹ thì đầu sợi dây có thể buộc một đồng bạc còn thân ống tre được quấn bằng lông đuôi ngựa trắng hoặc ngựa đen. 

 

Ông Sùng A Páo tán lá đồng, một trong những công đoạn khó nhất của làm đàn môi.

Theo những bậc cao niên trong bản như: Cụ Sùng A Tủa, Sùng Thị Sang, đàn môi của người Mông chỉ dùng trong một mục đích duy nhất đó là để tự tình, giao duyên, gửi gắm tình yêu của những chàng trai cô gái Mông. Thường ngày, ban đêm các cô gái Mông rất ít khi ra khỏi nhà. Người con gái ngủ trong buồng, các chàng trai thường đến đầu hồi nhà người con gái mình thích để bày tỏ tình cảm thay cho lời nói. Khi chơi đàn, người chơi phải giữ gốc đàn cố định bằng tay trái, đặt đàn cách môi một khoảng đủ không chạm vào răng. Ngón cái của tay phải gảy vào đầu đàn khiến lưỡi gà trong đàn rung lên, truyền rung âm đến miệng và vang lên trong khoang miệng. Người thổi dùng sự khéo léo điều khiển khoang miệng sao cho âm phát ra là giai điệu của một bài hát hoặc theo những lời mình muốn nói. Đây chính là điều đặc biệt của đàn môi, tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, là lời tâm tình thủ thỉ, yêu thương trìu mến mà chỉ hai người yêu nhau mới hiểu.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, thay cho đàn môi là những chiếc điện thoại thông minh, nên người biết sử dụng đàn môi không nhiều, chỉ còn số ít người lớn tuổi. Theo ông Páo, khoảng chục năm trước số người chơi đàn môi còn nhiều, mỗi năm ông thường làm từ 500 cái trở lên; nhưng nay người sử dụng đàn môi ngày càng ít, làm ra không có người mua nên chỉ có ai đặt thì ông làm. Có khi vài tháng mới nhóm lò một lần, nhưng cũng chỉ làm từ 10 - 20 cái. Đàn môi gắn bó với ông từ thời trai trẻ đến giờ khi mái tóc đã nhuốm màu thời gian, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, ông muốn truyền ngọn lửa đam mê cho người trẻ, nhưng không còn mấy người muốn học kể cả con trai cả của ông. Vì thế ông Páo luôn đau đáu với nỗi lo thất truyền. Làm thế nào để những thế hệ tiếp nối cũng biết làm đàn môi và thổi đàn môi như cha, ông ngày trước? Bởi làm đàn môi, thổi đàn môi không chỉ để giao duyên, tỏ tình, tìm gọi người thương mà còn là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông, cần được lưu giữ cho muôn đời sau.

Bài, ảnh: Tuấn Anh
Bình luận
Back To Top