Du lịchĐất và người Điện Biên

Ðậm đà bản sắc văn hóa người Dao đỏ

09:12 - Thứ Tư, 04/04/2018 Lượt xem: 3699 In bài viết
ĐBP - Người Dao đỏ ở Nậm Pồ chỉ chiếm hơn 4% dân số toàn huyện, họ sinh sống ở các bản: Huổi Sâu (xã Pa Tần); Huổi Cơ Dạo, Sín Chải 1, Sín Chải 2 (xã Nà Hỳ) và Vàng Ðán (xã Vàng Ðán), với 352 hộ, trên 2.100 nhân khẩu. Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế được cải thiện và ngày càng phát triển, người Dao đỏ đã sinh sống hội nhập cùng các dân tộc khác trên địa bàn, như: Mông, Thái, Khơ Mú... Tuy nhiên, không vì thế mà nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc của họ bị mai một.

Ðến thăm và chứng kiến cuộc sống của người Dao đỏ ở Nậm Pồ, chúng tôi cảm nhận được cái hồn văn hóa dân tộc đang được bà con chung tay giữ gìn. Ðưa chúng tôi vào thăm nhà trên con đường bê tông của bản, anh Tẩn Kim Sơn, Trưởng bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ phấn khởi cho biết: “Bản tôi có 113 hộ người dân tộc Dao đỏ. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền mà đời sống người Dao đỏ được nâng cao; nhà nào kinh tế cũng phát triển hơn trước, bà con được tiếp cận văn hóa văn minh; nhiều nhà đã mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán nông sản... Mặc dù vậy, bà con vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống như: Lễ cúng, cưới hỏi, ma chay, trang phục, tiếng nói và nếp ăn ở...”.

 

Lễ cúng tổ tiên của người Dao đỏ ở Nậm Pồ.

Chúng tôi đến thăm bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ vào đúng ngày rằm nên được chứng kiến lễ thờ cúng tổ tiên của các gia đình ở đây. Theo chia sẻ của Trưởng bản Tẩn Kim Sơn, mỗi gia đình người Dao đỏ đều có một bàn thờ theo phong tục truyền thống làm bằng gỗ, có 4 chân, dựng ở bên trái nhà. Vào ngày mùng 1 và 15 (âm lịch) hàng tháng, bà con thường làm những món ăn ngon để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Người Dao đỏ cúng bằng giấy chứ không thắp hương như một số dân tộc khác. Người cúng thường là nam giới trong gia đình. Khi cúng, nam giới phải mặc trang phục dân tộc, đội mũ truyền thống (màu đen hoặc xanh) và đứng để cúng. Chứng kiến lễ cúng tổ tiên tại nhà trưởng bản, chúng tôi thấy anh Tẩn Kim Sơn cầm tờ giấy cúng trong tay, sau đó đọc lời cúng bằng tiếng dân tộc Dao và kính cẩn đặt giấy lên bàn thờ. Lễ tục này rất quan trọng với người dân tộc Dao nên từ ngày còn nhỏ anh Sơn đã được cha truyền dạy nghi lễ thờ cúng. Rồi đến nay, anh Sơn truyền dạy lại cho các con trai mình, để giúp chúng thực hiện đầy đủ và đúng theo nghi thức thờ cúng của dân tộc.

Nét văn hóa chúng tôi dễ dàng nhìn thấy chính là trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Từ người già đến thanh niên trẻ tuổi, nam giới hay nữ giới, ai cũng mặc trang phục truyền thống dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày. Phụ nữ Dao đỏ mặc trang phục khá cầu kỳ, áo, váy nền màu đen chủ đạo, kèm theo những họa tiết bằng chỉ đỏ, trắng, vàng, xanh được thêu tinh tế và trang sức bằng bạc, khiến bộ trang phục trở nên nổi bật, độc đáo, nhưng vẫn tiện lợi trong lao động hàng ngày. Riêng trang phục của nam giới thì đơn giản hơn, chỉ là quần, áo màu đen với hàng cúc cài bằng vải cuốn. “Các trang phục truyền thống này đều do phụ nữ trong bản tự may cho mọi người trong gia đình. Ngoài công việc làm nương, bếp núc hàng ngày, mỗi khi rảnh rỗi là những người phụ nữ lại ngồi may vá, thêu thùa trang phục truyền thống” - Trưởng bản Tẩn Kim Sơn cho biết thêm.

Theo chỉ dẫn của trưởng bản, chúng tôi tới nhà nghệ nhân Chảo Mùi Phẩy, bà đã gần 70 tuổi nhưng đôi mắt vẫn còn tinh tường, đôi tay còn linh hoạt; bà Phẩy cũng là người dạy múa truyền thống cho nhiều thế hệ phụ nữ trong bản Sín Chải 1. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phẩy kể: “Phụ nữ dân tộc Dao đỏ từ nhiều đời nay không chỉ biết thêu thùa, may vá trang phục truyền thống, mà ai cũng biết hát, múa những bài dân ca dân tộc Dao đỏ. Thường ngày khi nhàn rỗi chúng tôi đều tụ họp về đây cùng nhau hát đối dân gian, hát ca dao, tục ngữ của dân tộc, múa các điệu múa truyền thống...”. Bà Phẩy không nhớ được tên các bài hát của dân tộc Dao, nhưng có thể hát trên 20 bài khác nhau; và cứ mỗi khi cất tiếng hát, tất cả phụ nữ trong bản lại cùng hát theo không sai một từ nào. Các bài hát đều nói về cuộc sống, công việc lao động, tình yêu đôi lứa, ca ngợi bản làng, quê hương của người dân tộc Dao đỏ...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Bình, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nậm Pồ, cho biết: “Không riêng Nà Hỳ, mà người Dao đỏ ở xã Pa Tần và Vàng Ðán vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Trong thời đại văn hóa hội nhập hiện nay, đây là điều hết sức đáng quý. Ðáng quý hơn là việc họ có ý thức truyền dạy lại văn hóa, phong tục cho các thế hệ sau để lưu giữ được nét độc đáo truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta thờ ơ với việc lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đó”.

Ngày nay, một số tục lệ lâu đời của người Dao đỏ đang có dấu hiệu mai một, do thế hệ trẻ chưa mặn mà trong việc lưu giữ. Chính vì thế, ngành Văn hóa và các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao công tác tuyên truyền về bảo tồn văn hóa phi vật thể; tổ chức nhiều chương trình văn hóa, thể thao liên quan tới lễ hội hoặc trò chơi dân gian để văn hóa dân tộc Dao đỏ được cả cộng đồng chung tay lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc ở Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top