Du lịchĐất và người Điện Biên

Duy trì và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở Sính Phình

08:48 - Thứ Tư, 11/04/2018 Lượt xem: 4624 In bài viết
ĐBP - Nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa có từ lâu đời, được duy trì và phát triển, phục vụ nhu cầu may mặc trang phục truyền thống dân tộc. Ðặc biệt, trang phục phụ nữ gồm khăn, áo, váy... có nơi, có vùng còn làm chăn, đệm tùy theo nhu cầu đời sống của người dân. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, do ảnh hưởng của kinh tế thị trường, hàng hóa đa dạng phong phú, giá cạnh tranh nên số người dùng sản phẩm thêu dệt thổ cẩm đã giảm đáng kể. Nghề thêu dệt thổ cẩm dân tộc Mông có nguy cơ bị mai một. Duy trì, phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm ở xã Sính Phình đang được khôi phục mở rộng góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Tranh thủ thời gian nông nhàn, phụ nữ dân tộc Mông xã Sính Phình tự may trang phục.

Chị Giàng Thị Mảy, Trưởng nhóm thêu xã Sính Phình, cho biết: Nhóm thêu được thành lập từ năm 2003 và hoạt động từ đó đến nay. Hiện nhóm thêu có hơn 100 thành viên của 5 thôn, bản: Ðề Dê Hu 1, 2; Dê Dàng 1, 2; Tà Là Cáo. Trong đó bản Tà Là Cáo có số thành viên đông nhất. Trong những năm qua, hoạt động của nhóm thêu đã góp phần duy trì bảo tồn và phát triển nghề thêu dệt thổ cẩm của đồng bào Mông nói chung, giúp hội viên phụ nữ xã Sính Phình có thêm việc làm, thu nhập lúc nông nhàn. Năm 2017, tổng sản phẩm của nhóm thêu bán ra thị trường được 160 triệu đồng với hơn 50 nghìn sản phẩm thêu thổ cẩm gồm các loại hàng: Vòng cổ, khăn mùi xoa, khăn trải bàn, mũ, áo, túi, bao đựng điện thoại, dây đeo chìa khóa ô tô, xe máy, vòng đeo tay. Các mặt hàng này được khách hàng ở thành phố Hà Nội đặt hàng và tiêu thụ ổn định từ nhiều năm nay. Những thành viên có lượng sản phẩm và thu nhập nhiều từ thêu hàng thổ cẩm là chị Thào Thị Dinh, bản Ðề Dê Hu 1; Vàng Thị Dinh, bản Dê Dàng 1... với mức bình quân 3 triệu đồng/tháng. Cũng theo chị Mảy, với thu nhập thêm từ thêu thổ cẩm như trên đã cải thiện đời sống của gia đình họ rất nhiều. Chị Sùng Thị Mày, bản Tà Là Cáo, thành viên nhóm thêu, tâm sự: Hàng ngày ngoài công việc ruộng nương, nuôi dạy con, những lúc rảnh rỗi tôi thêu dệt vải thổ cẩm phục vụ may trang phục truyền thống cho bản thân, con cháu, người thân gia đình. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, Hội Phụ nữ xã Sính Phình phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội kết nối với với doanh nghiệp đặt hàng sản phẩm thêu thổ cẩm, bao tiêu sản phẩm cho nhóm thêu. Cán bộ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền vận động hội viên tham gia vào nhóm thêu, cam kết sản xuất đảm bảo số lượng và chất lượng theo đơn đặt hàng của khách. Theo đó, sản phẩm thêu của nhóm có nơi tiêu thụ, giá ổn định, chị em có thêm việc làm và thu nhập. Bản thân tôi không thêu được nhiều sản phẩm, nhưng thu nhập bình quân vẫn đạt 1,5 triệu đồng/tháng; khoản này giúp gia đình cải thiện đời sống, có thêm tiền nuôi con ăn học. Tổ thêu của tôi có hơn 10 thành viên, là chị em hội viên và hàng xóm trong bản Tà Là Cáo, lúc nông nhàn mọi người tập trung tại một gia đình cùng làm, trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, gom sản phẩm cùng giao cho khách hàng.

Số lượng thành viên nhóm thêu xã Sính Phình chưa nhiều so với tổng số hội viên phụ nữ trong xã, tổng số tiền thu được từ bán sản phẩm thêu thổ cẩm của các thành viên trong nhóm cũng chưa lớn. Nhưng lao động nghề nghiệp có tổ chức, sản xuất ổn định theo hướng hàng hóa, kinh tế thị trường. Trong nhiều năm qua, sản phẩm thêu của hội viên phụ nữ xã Sính Phình đã góp phần duy trì bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo việc làm và thu nhập cho hội viên là kết quả đáng ghi nhận, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc chủ động phát triển kinh tế hộ, chăm lo xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top