Du lịchĐất và người Điện Biên

Vui lòng khách đến!

09:10 - Thứ Sáu, 15/03/2019 Lượt xem: 10451 In bài viết

ĐBP - Trong hành trình vươn lên để thoát khỏi sự trùng lặp, na ná các sản phẩm du lịch giữa các tỉnh Tây Bắc, nhất là liền kề Sơn La, Lai Châu; du lịch Ðiện Biên đã và đang tập trung để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn nhằm tạo sự hài lòng, tăng số ngày lưu trú của du khách khi tới tham quan, thưởng ngoạn ở Ðiện Biên.

 

Du khách được giới thiệu về ý nghĩa tục buộc chỉ cổ tay của dân tộc Thái.

Sản phẩm du lịch của Ðiện Biên ngày càng đa dạng và phong phú hơn khi không chỉ dừng lại ở chiếc khăn piêu, manh áo cóm hay các món ăn dân tộc Thái, vòng xòe đoàn kết… mà được dày công tạo dựng bởi nhiều sản phẩm ngày càng hấp dẫn hơn, tạo ấn tượng sâu đậm hơn với du khách gần xa. Có thể kể đến là việc “trình làng” thành công sự kiện hoa anh đào được tổ chức thường niên vào đầu tháng 1 hàng năm. Ðặc biệt trong không khí rộn ràng của những ngày trung tuần tháng 3 này, Ðiện Biên ngập trong sắc trắng hoa ban và Lễ hội Hoa Ban như một lời mời gọi thôi thúc đưa du khách tới miền đất lịch sử hào hùng này để cùng tham quan, trải nghiệm… Tuy nhiên, khai thác tốt các sản phẩm đó thì cũng chỉ mang tính thời vụ. Bởi lễ hội có mùa mà du lịch thì không thể theo… vụ. Song hành với việc duy trì và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, Ðiện Biên đã và đang tập trung phát huy giá trị sản phẩm du lịch bền vững gắn với điểm đến là di tích trong quần thể di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Hay việc phát triển mới sản phẩm đó là du lịch dựa vào việc khai thác sở thích chinh phục, trải nghiệm của du khách tới cột mốc A Pa Chải đã và đang được chú trọng trong thời gian gần đây.

Chị Lò Thị Kim Tuyến, Giám đốc Công ty Du lịch Tada tours cho biết: Ðiện Biên vẫn luôn là điểm đến thu hút du khách gần xa trong cung đường du lịch Tây Bắc. Chính vì vậy, trong sản phẩm tour của công ty luôn đặc biệt quan tâm tới việc giới thiệu các điểm đến cũng như sản phẩm dịch vụ song hành. Tuy nhiên, rất khó xây dựng hành trình du lịch cụ thể để níu chân du khách tại mỗi điểm đến ở Ðiện Biên bởi lẽ các dịch vụ đi kèm thường nghèo nàn, giản đơn. Ðơn cử, điểm đến là cột mốc A Pa Chải vô cùng thú vị. Du khách có thể đứng thưởng ngoạn cảnh núi non hùng vĩ, thiêng liêng miền biên ải. Tuy nhiên đổi lại vài giờ leo dốc toát mồ hôi, đến được cột mốc thì chỉ trong chốc lát thưởng ngoạn mấy chục người lững thững đi xuống rồi lại vượt vài trăm cây số để quay lại trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. Nói như vậy là để thấy rằng, dù đã tạo được sản phẩm du lịch nhưng thiếu các dịch vụ đi kèm thì khó để níu chân du khách hay nói cách khác là khó có thế lấy được tiền từ du khách. Hoặc ngay như tới sự kiện hoa anh đào, du khách cũng mới chỉ dừng lại ở việc ngắm hoa và thưởng ngoạn phong cảnh hồ Pá Khoang, chứ để công ty bố trí thành nơi dừng nghỉ qua đêm trong hành trình tour là cực khó. Bởi qua đêm tại đó không thể bố trí được ăn nghỉ hợp lý, chưa kể tới việc buổi tối không có điểm để lang thang, trải nghiệm du khách cũng chẳng thể… tiêu tiền!

“Sau nhiều lần tới Ðiện Biên, tôi chỉ thấy bộ mặt đô thị TP. Ðiện Biên Phủ có sự thay đổi, phát triển chút ít. Còn du lịch Ðiện Biên vẫn chủ yếu là du lịch lịch sử. Vì thế, ban ngày có thể tham quan một vòng Hầm Ðờ cát, đồi A1, tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ… nhưng ban đêm - thời gian để thư giãn thì Ðiện Biên lại thiếu chỗ vui chơi, giải trí; các dịch vụ giản đơn, khó tìm nơi thăm thú, mua sắm”. - Anh Nguyễn Thanh Tùng, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ.

Phát triển sản phẩm du lịch là vấn đề được quan tâm tại các hội thảo bàn về phát triển du lịch Ðiện Biên nói chung và không ít hội thảo chuyên đề do các cấp, ngành chức năng tổ chức. Và tựu trung sau các cuộc họp, hội thảo ấy đều thừa nhận điểm yếu nhất của du lịch Ðiện Biên là việc xây dựng sản phẩm. Việc xây dựng sản phẩm có đặc trưng, độc đáo, hấp dẫn sẽ là yếu tố quyết định thời gian lưu trú của du khách, đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập của ngành du lịch, đồng nghĩa với điều đó là liên quan tới vấn đề giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người làm du lịch.

Nói về vấn đề này, ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững vì hiện tại và tương lai, sản phẩm du lịch luôn là vấn đề quan tâm được bàn thảo, tập trung nghiên cứu để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với tiềm năng của địa phương và thu hút, tạo dấu ấn trong lòng du khách. Ngành Du lịch Ðiện Biên đã và đang tập trung đầu tư xây dựng sản phẩm đặc thù gắn với cụm, khu, điểm du lịch. Ðiển hình như hướng xây dựng cụm du lịch TP. Ðiện Biên Phủ - huyện Ðiện Biên nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch lịch sử; nghiên cứu lịch sử, văn hóa của các dân tộc; vui chơi giải trí; nghỉ dưỡng, mua sắm, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện. Xây dựng và thực hiện Ðề án bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Ðiện Biên Phủ gắn với phát triển du lịch tỉnh Ðiện Biên đến năm 2025, định hướng đến 2030. Triển khai xây dựng Khu lưu niệm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Mường Phăng; phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái tại Ðền thờ Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ, Thành Sam Mứn, các điểm du lịch tâm linh. Ngành cũng lựa chọn địa điểm quy hoạch và hình thức tổ chức một số tuyến phố thương mại, phố đêm, chợ đêm, phố ẩm thực trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và một số phường, thị trấn của TX. Mường Lay và các huyện... Tin rằng, với những nỗ lực trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo khơi gợi được tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh, du khách sẽ được tham quan, trải nghiệm nhiều hơn, hấp dẫn hơn khi tới Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top