Du lịchĐất và người Điện Biên

Dấu ấn trí thức trẻ trên vùng cao, biên giới

09:46 - Thứ Hai, 25/03/2019 Lượt xem: 11758 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Dự án 174, tăng cường trí thức trẻ tình nguyện về các vùng khó khăn tại Khu Kinh tế - Quốc phòng tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2018 đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, thay đổi diện mạo các thôn, bản vùng cao.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, 34 trí thức trẻ được phân công về các xã trong vùng dự án đã tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân không di dịch cư tự do, thực hiện các dự án quy hoạch ổn định dân cư. Trí thức trẻ đã trực tiếp hướng dẫn người dân đổi mới phương thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như: Kỹ thuật trồng lúa nước 2 vụ; trồng, chăm sóc cây ăn quả, chăm sóc vật nuôi; xây dựng các mô hình kinh tế trình diễn cho gần 11.000 lượt người dân. Ðồng thời tham gia tu sửa đường liên thôn, liên bản; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn tổ chức quần chúng đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả. Quá trình thực hiện đã tạo môi trường để trí thức trẻ phát huy vai trò xung kích, nhiệt huyết, sáng tạo, vận dụng kiến thức đã được đào tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Từ đó làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm; góp phần củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã triển khai dự án.

Chị Dương Thị Hương, Trưởng ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân và Ðô thị (Tỉnh đoàn) cho biết: Tham gia dự án đều là những trí thức trẻ có trình độ, năng động, sáng tạo đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở những sáng kiến hay để đẩy mạnh phát triển kinh tế, ổn định đời sống người dân. Nhiều trí thức trẻ đã khẳng định năng lực và được bổ nhiệm giữ một số vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền, tham gia thực hiện có hiệu quả nhiều dự án khó thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: Ðề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé; xây dựng nông thôn mới; phòng chống ma túy, HIV/AIDS vùng biên giới.

Với nhiệt huyết của các trí thức trẻ tình nguyện, đến nay nhân dân các dân tộc tại 15 xã thuộc Dự án 174 đều biết trồng lúa nước 2 vụ, 50% số hộ tại các thôn bản biết làm nhà tiêu hợp vệ sinh, biết cách chống rét cho gia súc, gia cầm và trồng trọt theo khoa học. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ phù hợp với điều kiện thực tế địa bàn; nhận thức về pháp luật, khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường của nhân dân các dân tộc từng bước được nâng cao. Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) cho biết: Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đã ghi dấu ấn sâu đậm đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc vùng cao, biên giới. Từ khi có sự tham gia của đội viên trí thức trẻ, kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương có những chuyển biến, người dân tích cực trồng trọt, chăn nuôi theo các mô hình trình diễn do trí thức trẻ xây dựng, có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường… những kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 50%.

Với những kết quả xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ của trí thức trẻ đợt 4, đợt 5, Dự án 174 giai đoạn 2018 - 2020 sẽ tiếp tục tiếp nhận 35 đội viên trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại Khu Kinh tế - Quốc phòng Mường Chà.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top