Du lịchĐất và người Điện Biên

Chiếc áo lụa ở Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ

09:18 - Thứ Hai, 22/04/2019 Lượt xem: 4511 In bài viết

ĐBP - Trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ hiện đang trưng bày chiếc áo lụa do Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung, Ðội trưởng Ðội phá bom M83, có nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phá bom, mở đường chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954.

Ðây là chiếc áo lụa do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Kiến An (Hải Phòng) dệt tặng Bác Hồ nhân dịp ngày Thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (ngày 20/10/1946). Bác cảm động trước những tình cảm nhân dân Hải Phòng nói chung và chị em phụ nữ huyện Kiến An nói riêng. Áo được dệt từ lụa tơ tằm vừa nhẹ, mát nên được Bác mặc trong những dịp quan trọng.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Ðông Xuân 1953 - 1954, Trung ương Ðảng và Chính phủ đã phát động một “chiến dịch cầu đường”, huy động hàng chục vạn dân công cùng bộ đội công binh, thanh niên xung phong mở mới và sửa chữa các con đường từ Việt Bắc xuống đồng bằng Khu 3, Khu 4 và lên Tây Bắc. Từ tháng 6/1953, Trung ương Ðảng đã ra chỉ thị cho các liên khu nhanh chóng thực hiện kế hoạch làm đường và sửa sang lại mạng lưới giao thông, chuẩn bị phương tiện vận tải, huy động hàng ngàn xe thồ, thuyền nan, bè mảng… Trên chiến trường Tây Bắc, Tiểu đoàn công binh 106 thuộc Trung đoàn Công binh 152 cùng với hàng nghìn dân công, thanh niên xung phong, tập trung mở 87km đường 13, qua các đèo Lũng Lô, Phiềng Ban, qua suối sâu, đèo cao nối liền đường 13 với đường 41. Ðây là đường huyết mạch nối liền từ hậu phương Việt Bắc với tiền tuyến Tây Bắc được hình thành. Thực dân Pháp cho máy bay trinh sát ngày đêm thả bom xuống những tuyến đường ta mới mở hòng cắt đứt con đường chi viện của ta. Nhiều lần dân công cùng công binh làm đường, sửa đường bị bom nổ chậm của Pháp án ngữ ngay trước mặt, gây khó khăn cho ta. Trước tình hình trên, Bộ Chỉ huy Chiến dịch cử một đội công binh đã được huấn luyện về bom nổ chậm đến để tháo gỡ bom, lấy thuốc nổ phục vụ chiến dịch. Ðội công binh này do Ðội trưởng Ðội nghiên cứu phá và tháo bom nổ chậm Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy.

Ðội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung là một trong những người có kinh nghiệm và đã trải qua các lớp tập huấn về bom, mìn. Trên đường làm nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng đơn vị đã gặp phải những loại bom nguy hiểm và khó tháo gỡ có tính chất bẫy như: Bom nổ chậm, bom bươm bướm, bom dù… đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng anh em trong đội nghiên cứu, theo dõi kết quả, khám phá ra nguyên lý vận chuyển và hoạt động của các ngòi nổ của các loại bom từ đó nghiên cứu áp dụng thành công những biện pháp tháo, gỡ bom an toàn. Ðồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung là một trong những người trực tiếp gây dựng được 2 đội phá bom đầu tiên của công binh và 1 đội nghiên cứu các loại bom lấy tên là M83. Ðây là tên của quả bom bướm mà Ðảng ủy Trung đoàn công binh 151 tặng cho đội để ghi nhớ thành công về nghiên cứu loại bom này.

Ðội công binh M83 trong thời gian ngắn đã tháo gỡ nhiều quả bom chưa nổ, thu được trên 20 tấn thuốc nổ TNT để dùng vào việc mở đường và công đồn trong chiến dịch Thượng Lào và Ðiện Biên Phủ. Trong một lần làm nhiệm vụ, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung một mình dùng tay không chiến đấu và bắt sống 2 tên biệt kích nhảy dù lạc vào trận địa của ta, thu được 2 súng tiểu liên tuyn và 7 lựu đạn, đồng chí đã được đơn vị tặng giấy khen. Với thành tích vượt trội trong công tác phá bom, mở đường, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã được Trung đoàn 151 tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” vào ngày 18/6/1953, cùng với danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp trung đoàn, đồng chí còn được Bác Hồ tặng chiếc áo lụa - kỉ vật Hội Liên hiệp Phụ nữ Kiến An, Hải Phòng tặng Bác.

Chiếc áo lụa Bác Hồ tặng là phần thưởng ý nghĩa không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung mà đó còn là vinh dự chung cho toàn đội công binh M83. Trong phong trào thi đua lập thành tích phá bom của chiến dịch Ðiện Biên Phủ, áo lụa Bác Hồ được treo ở đội để khuyến khích,động viên anh em trong khi làm nhiệm vụ, đồng thời nhắc nhở mọi người dẫu có khó khăn, nguy hiểm cũng không sờn lòng bởi sau lưng các anh là cả một hậu phương vững chắc, nhân dân cả nước đang hướng về Ðiện Biên Phủ, Ðảng và Bác Hồ cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho các cán bộ và chiến sĩ ngoài mặt trận. Ðó cũng chính là niềm tin, là động lực cho anh em trong toàn đội quyết tâm thi đua vượt mức kế hoạch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Bước sang đợt tấn công thứ hai, quân ta đánh mạnh vào các cao điểm phía đông của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Trong khi tại các điểm khác quân ta đã đánh chiếm và giành thế thượng phong thì tại đồi A1, thế trận vẫn giằng co, A1 trở thành “thành lũy cuối cùng” của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tin tưởng cử đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung cùng đội công binh gồm 20 người tiến vào cứ điểm A1 để đào hầm, tấn công bằng thuốc nổ. Việc đào đường hầm ngầm rất khó khăn, vất vả, đất đồi cứng và rắn. Càng đào vào sâu càng thiếu dưỡng khí, các chiến sĩ đội công binh M83 chai sần cả tay, mồ hôi đầm đìa, có nhiều chiến sĩ hi sinh, đào hầm xuyên qua trận địa của địch, các chiến sĩ nghe rõ từng tiếng giày đinh, mỗi khi pháo bắn vào, cả đội cùng bị sức ép lồng ngực, ù hai tai, thế nên, cứ một người đào, 3 người còn lại hỗ trợ nguồn khí bằng cách thay nhau quạt. Ðịch nhiều lần oanh tạc dữ dội, ta và địch giằng co ác liệt chỉ cách 25m địch ném lựu đạn xuống trận địa của ta khắp nơi.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung đã mặc chiếc áo lụa của Bác tặng để động viên tinh thần và chỉ đạo anh em hoàn thành việc đào đường hầm. Chiếc áo lụa như một kỷ vật thiêng liêng có sức lan tỏa đến các chiến sĩ, là nguồn cổ vũ, khích lệ các chiến sĩ công binh quyết tâm hoàn thành đường hầm ngầm tiêu diệt kẻ thù. Sau 15 ngày đêm (từ ngày 20/4 đến 4/5/1954) thiếu ăn, thiếu nước uống, thiếu không khí thở cuối cùng anh em đội công binh cũng hoàn thành nhiệm vụ. Sau Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đội công binh M83 có 20 người thì 19 người được tặng thưởng huân chương, 1 đồng chí được nhiều giấy khen.

Áo lụa màu nâu, có hai vết rách, theo lời kể của bà Nguyễn Thị Toàn, vợ của đồng chí Nguyễn Phú Xuyên Khung thì đó là vết rách do đạn bắn xuyên, đồng chí bị thương khi chỉ đạo anh em đào đường hầm tại cứ điểm A1. Ban đầu áo có màu vàng nhạt, sau Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, áo lụa được bố đồng chí Xuyên Khung mặc trong sinh hoạt thường ngày, áo ngả màu và được gia đình đồng chí dùng củ nâu nhuộm lại. Hiện nay, áo lụa được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ nhằm giới thiệu đến đông đảo cho du khách trong và ngoài nước hiểu về giá trị của chiếc áo cùng với những câu chuyện về người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Phú Xuyên Khung.

Nguyễn Thúy

(Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ)

Bình luận
Back To Top