Du lịchĐất và người Điện Biên

Sức mạnh hậu cần toàn dân, toàn diện

08:04 - Thứ Sáu, 26/04/2019 Lượt xem: 18631 In bài viết
ĐBP - Thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ ngày 7/5/1954 có sự đóng góp quan trọng của công tác bảo đảm hậu cần. Trong Chiến dịch này, với phương châm của Trung ương Ðảng: Huy động toàn bộ sức người, sức của ở hậu phương, quân và dân ta, mà nòng cốt là ngành Hậu cần quân đội (lúc đó gọi là ngành Cung cấp) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh, giải quyết thành công nhiều vấn đề về tổ chức bảo đảm hậu cần, để lại những bài học kinh nghiệm quý, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Ngày 6/12/1953, tại An toàn khu Thái Nguyên, sau khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thì một vấn đề vô cùng quan trọng được đặt ra, đó là công tác hậu cần cho chiến dịch. Ðể bảo đảm đầy đủ, kịp thời hậu cần cho một chiến dịch quy mô lớn, trên chiến trường xa hậu phương, vận chuyển khó khăn như Ðiện Biên Phủ thì đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định: “Trên mặt trận Ðiện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp lương thực không kém khó khăn về tác chiến.”.  Bởi lẽ, dù quân đội Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm bảo đảm hậu cần (BÐHC) cho nhiều chiến dịch trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành BÐHC cho một chiến dịch quy mô lớn, tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Ðông Dương. Nhất là, Chiến trường Ðiện Biên Phủ là địa bàn rừng núi hiểm trở, đường vận chuyển độc đạo, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, dân cư thưa thớt, xa hậu phương chiến lược 500 - 700km; nhu cầu BÐHC rất lớn, phức tạp... Trong khi đó, phương châm, kế hoạch tác chiến chiến dịch thay đổi linh hoạt, lực lượng phương tiện, vật chất hậu cần của ta còn nhiều hạn chế, địch đánh phá ngăn chặn các tuyến vận tải hết sức khốc liệt...

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ và vai trò của công tác BÐHC, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Ðảng và Chính phủ đã ra chỉ thị cho toàn dân, phát huy cao độ ý chí tự lực tự cường, với tinh thần “Tất cả cho mặt trận, tất cả để chiến thắng”. Trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đồng chí Ðặng Kim Giang với chức danh “Chủ nhiệm cung cấp mặt trận”, một trong bốn thành viên của Bộ Chỉ huy mặt trận Ðiện Biên Phủ được giao nhiệm vụ quan trọng BÐHC cho chiến dịch. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quyết tâm chiến lược, chúng ta đã chủ động đi trước một bước trong chuẩn bị hậu cần cho chiến dịch. Trong điều kiện vô vàn khó khăn, thách thức, để hoàn thành nhiệm vụ, vấn đề tổ chức tạo lập thế trận, chỉ huy, chỉ đạo hoạt động hậu cần được đặc biệt quan tâm. Về quân số bảo đảm: Tổng quân số chủ lực khoảng hơn 40.000 người, nếu tính cả tuyến hai thì quân số lên đến 55.000 người. Về sử dụng lực lượng: Tổng cục cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số 3.168 cán bộ, chiến sĩ và hơn 30.000 dân công) ta đã sử dụng lực lượng công binh, vận tải, quân y các đơn vị tham gia chiến dịch kết hợp huy động tổng số 261.500 dân công, 20.000 thanh niên xung phong, 628 xe ô tô tải, 21.000 xe đạp thồ, 20.000 xe bò, xe trâu, bè mảng...

Ðể tổ chức một bộ máy hậu cần chiến dịch gồm Sở chỉ huy hậu phương, các kho, các tuyến vận tải, các đội điều trị... ta phân chia làm ba tuyến hậu cần: tuyến Sơn La - Tuần Giáo, tuyến Tuần Giáo - Km62 đường vào Ðiện Biên Phủ và tuyến hậu cần hỏa tuyến.

Về chuẩn bị đường sá: Ta đã mở mới 4.500km đường, các con đường thuộc tuyến chiến dịch đều phải bảo đảm vận chuyển bằng ô tô, tu sửa con đường 13 từ Yên Bái lên Tạ Khoa, sửa chữa đường từ Mộc Châu đi Lai Châu. Phân công cho Bộ Giao thông công chính phụ trách đường 13 lên tới Cò Nòi và đường 41 từ Mộc Châu lên Sơn La, bộ đội phụ trách quãng đường 41 còn lại từ Sơn La đi Tuần Giáo, và từ Tuần Giáo đi Ðiện Biên Phủ (sau này gọi là đường 42). Thời gian tiến hành từ tháng 12/1953. Trong một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm một việc đồ sộ. Con đường Tuần Giáo - Ðiện Biên Phủ dài 82km, trước đây chỉ rộng 1m, đã được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Ðiện Biên Phủ 15km. Từ đây, các khẩu pháo được kéo bằng tay vào trận địa trên quãng đường dài 15km. Ðường kéo pháo rộng 3m, chạy từ cửa rừng Nà Nhạn, qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m, xuống Bản Tấu, đường Ðiện Biên Phủ - Lai Châu, tới Bản Nghễu, mở mới hoàn toàn. Ðể bảo đảm bí mật, đường được ngụy trang toàn bộ, máy bay trinh sát Pháp khó có thể phát hiện.

Về bảo đảm vật chất: Lường trước khó khăn trong BÐHC cho chiến dịch, nhất là về lương thực, đạn dược, ta đã thực hiện chủ trương phát huy sức mạnh tổng hợp của hậu cần nhân dân (HCND), kết hợp mọi nguồn, mọi phương thức BÐHC cho chiến dịch, với phương châm: huy động tại chỗ là chính và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến. Thực hiện chủ trương này, chúng ta đã phát huy cao nhất việc khai thác nguồn tại chỗ, trước hết trên địa bàn chiến dịch, kết hợp với huy động đưa từ hậu phương lên bằng mọi hình thức; đồng thời, đề cao ý thức tự khai thác, cải thiện sinh hoạt của bộ đội và triệt để thu chiến lợi phẩm, nhất là đoạt dù tiếp tế của địch. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các địa phương ở: Tây Bắc, Việt Bắc, Liên khu 3, Thanh Hóa đã huy động được 23.126 tấn gạo; 922 tấn thịt; 800 tấn rau; 226 tấn muối; 917 tấn thực phẩm khác... trên 261.000 lượt dân công với 12 triệu ngày công phục vụ chiến dịch; huy động được hơn 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa, hàng chục ngàn xe đạp thồ... để phục vụ hậu cần chiến dịch; trong đó, riêng nhân dân Tây Bắc cung cấp đến gần 50% nhu cầu gạo, thực phẩm cho chiến dịch.

Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cầu cho chiến dịch là đội xe đạp thồ trên 2 vạn người, với năng suất mỗi xe chở được 200 - 300kg, kỷ lục lên đến 352kg. Xe đạp được cải tiến có thể thồ cao gấp hơn 10 lần dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra xe thồ còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển này đã gây nên bất ngờ lớn ngoài tầm dự tính của các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn những tính toán trước đây khi cho rằng Việt Minh không thể BÐHC cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.

Thắng lợi của công tác BÐHC trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ là tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết là kết quả của đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Ðảng, với việc xây dựng hậu phương kháng chiến rộng lớn; kết quả của việc huy động, sử dụng HCND, hậu cần toàn dân và phát huy vai trò nòng cốt của hậu cần quân đội trong BÐHC cho chiến dịch... Thắng lợi đó cũng đánh dấu bước phát triển vượt bậc của ngành Hậu cần, công tác hậu cần quân đội. Mặc dù còn non trẻ, song ngành Hậu cần đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về chỉ đạo, chỉ huy tổ chức BÐHC; nhiều nội dung đã được nâng lên thành nghệ thuật, cơ bản đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược. Trong chiến dịch này, HCND đã khẳng định vai trò hết sức to lớn và có bước phát triển nhảy vọt về nội dung, hình thức bảo đảm. Với nhu cầu vật chất gấp gần 3 lần so với dự kiến ban đầu và gấp hàng chục lần nhu cầu bảo đảm theo phương án “Ðánh nhanh, giải quyết nhanh”, nếu không dựa vào HCND, huy động sức mạnh toàn dân, thì không có cách nào có thể thực hiện được.

Thời gian đã lùi xa nhưng những bài học về công tác BÐHC trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đặc biệt đối với cán bộ, nhân viên ngành Hậu cần về đường lối chiến tranh nhân dân, HCND, toàn dân, toàn diện, tạo sức mạnh vô cùng to lớn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

 Trung tá Nguyễn Tiến Dũng

                    (Bộ CHQS tỉnh)

Bình luận
Back To Top