Du lịchĐất và người Điện Biên

Ðiện Biên trong tôi

08:31 - Thứ Sáu, 17/05/2019 Lượt xem: 5336 In bài viết

ĐBP - Tôi đã từng ao ước một lần đến Ðiện Biên để được ngắm nhìn hoa ban nở, tay trong tay điệu xòe đoàn kết bên bếp lửa bập bùng của đồng bào dân tộc Thái. Và hơn thế, được thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, đồi A1, cánh đồng Mường Thanh... nơi đã ghi dấu bao chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta. Và rồi ước mơ đó của tôi đã được toại nguyện; mảnh đất, con người Ðiện Biên đã cho tôi bao ấn tượng và những cảm xúc đong đầy…

 

Nhìn từ trên cao, Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ lọt thỏm giữa đại ngàn.

Từ Hà Nội, đến Hòa Bình, qua Sơn La là đến đất Ðiện Biên. Khi đến gần cửa ngõ thành phố Ðiện Biên Phủ, chúng tôi theo biển chỉ dẫn giao thông và chọn Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên là điểm tham quan đầu tiên. Tính từ quốc lộ 279, đoạn đường dẫn vào Sở Chỉ huy được rải nhựa phẳng lỳ, xa xa hình ảnh những ngôi nhà sàn của người dân tộc Thái quần tụ dưới chân núi, những làn khói bếp bay lên từ một vài nếp nhà, hòa quyện với núi non trùng điệp, tạo cảm giác tĩnh mịch, yên bình.

Dừng xe dưới chân núi Pú Ðồn, chúng tôi bắt đầu rảo bước theo cô gái Thái có dáng người mảnh mai - một hướng dẫn viên du lịch tại điểm di tích. Hầm Ðại tướng nằm tít trong rừng sâu, con đường dẫn vào hầm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo, lọt thỏm giữa rừng già. Tôi bước chậm lại để ngầm khẳng định là mình đã đến nơi đây thật chứ không còn là “mơ” nữa. Bỗng một cậu bé chừng 8 tuổi tiến lại gần chúng tôi bắt chuyện: “Cô chú cứ đi đi ạ, từ đây vào hầm Ðại tướng còn khoảng 800m”. Tôi hỏi: “Sao cháu biết?”. Cậu bé lễ phép “Dạ cháu thường đi theo đoàn, nghe các cô hướng dẫn viên giới thiệu nên cháu nhớ ạ!”. Nói rồi cậu bé giải thích: Vào những ngày nghỉ cuối tuần, cháu thường đến đây cùng mẹ; mẹ cháu bán củ mài, củ sắn ở cổng di tích. Với lại chuyện về cụ Giáp ở đây ai cũng biết, ai cũng tự hào ạ!

Muốn thử tài cậu bé nên tôi quyết định mời em tham gia hành trình. Một người bạn của tôi đùa bảo: “Cháu dẫn đường, cô chú có phải trả tiền không?”. Vẫn với giọng nói lễ phép, pha lẫn âm điệu của người địa phương: “Dạ không ạ, nếu không làm phiền thì cháu sẵn sàng ạ!”. Nói rồi, cậu bé thoăn thoắt bước đi. Ðến đâu cậu cũng thuyết minh rõ ràng, mạch lạc như một hướng dẫn viên thực thụ: “Ðây là nơi làm việc của cụ Hoàng Ðạo Thuý, Trưởng ban Thông tin chiến dịch; kia là bếp Hoàng Cầm, có công dụng làm loãng khói, khi nấu ăn khói bếp tỏa ra như một làn sương mờ ảo, tránh bị địch phát hiện; kia nữa là hầm Ðại tướng Võ Nguyên Giáp; đây là cây bưởi do Ðại tướng trồng. Hầm của Ðại tướng dài 69m, rộng 1,3m, cao 1,8m… Năm 2004, cụ Võ Nguyên Giáp lúc ấy 93 tuổi đã quay trở lại thăm nơi này. Máy bay chở cụ đỗ ngoài ruộng đằng kia ạ;  lần ấy, bà con ở đây đã tặng cụ 8 cái chăn, 8 cái chiếu và 16 chai mật ong…”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với cậu bé càng thêm sôi nổi và hào hứng khi em tiết lộ: Cháu tên là Quàng Văn Quyn, 10 tuổi, đang học lớp 4 và là người dân tộc Thái,  nhà ở vạt đồi kia, ước mơ lớn nhất của cháu là sau này trở thành hướng dẫn viên du lịch, thành thạo cả tiếng Việt và tiếng Anh”. Theo Quyn thì tại điểm di tích Mường Phăng này chưa có hướng dẫn viên tiếng Anh, mà hàng ngày người nước ngoài đến tham quan rất đông. Cũng vì thế mà mỗi lần có cơ hội đến đây là em lại theo đoàn để học cách giới thiệu theo các cô hướng dẫn viên; nếu gặp đoàn khách là người nước ngoài Quyn cũng mạnh dạn chào hỏi để rèn luyện khả năng nghe, nói tiếng Anh, và bày tỏ lòng mến khách…

Tạm biệt “hướng dẫn viên nhí”, tôi không quên cảm ơn em bằng một món quà nhỏ và thầm cảm phục, em mới 10 tuổi mà đã thuộc, nhớ từng chi tiết, giá trị lịch sử tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ước mơ của em thật là đẹp. Tôi thầm nghĩ một ngày nào đó, có thể lúc ấy tóc đã bạc, tôi quay trở lại nơi này và sẽ gặp một chàng trai hướng dẫn viên du lịch song ngữ, mà đó chính là cậu bé Quyn, đen đúa, nhỏ thó ngày nào…

Hôm sau, chúng tôi đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ A1, nơi yên nghỉ của hơn 600 anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, đồi A1, đồi D1 - nơi có Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Từ nơi này chúng tôi có thể nhìn thấy Nghĩa trang, đồi A1, cánh đồng Mường Thanh, sân bay… Những địa danh ấy, những cái tên sẽ trường tồn với lịch sử của dân tộc.

Tạm biệt Ðiện Biên, hình ảnh những ngôi nhà sàn thấp thoáng dưới chân núi, bữa cơm giao lưu cùng điệu xòe đoàn kết nơi bản văn hóa Phiêng Lơi; những dấu tích lịch sử vẻ vang của thế hệ cha ông nơi Chiến trường Ðiện Biên Phủ, và đặc biệt là cậu bé ở Mường Phăng cứ hiện hữu trong tôi như một kỷ niệm đẹp, khiến tôi không thể nào quên mảnh đất, con người nơi cuối trời Tây Bắc - Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top