Du lịchĐất và người Điện Biên

Có một Khu Bảo tồn thiên nhiên nơi biên viễn

08:56 - Thứ Hai, 24/06/2019 Lượt xem: 28486 In bài viết

ĐBP - Nằm ở cực Tây của Tổ quốc, huyện Mường Nhé từ lâu được biết đến là nơi “thâm sơn cùng cốc” của tỉnh Ðiện Biên, với những địa điểm tham quan nổi tiếng như: Mốc giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Chợ lối mở A Pa Chải… Ngoài ra, Mường Nhé còn có một Khu Bảo tồn thiên nhiên rộng trên 45,5 nghìn héc ta, với hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú và nhiều loại động, thực vật nằm trong sách đỏ Việt Nam.

 

Cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé thả 2 cá thể rùa về rừng.

Ðến thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé vào một ngày tháng 6, ấn tượng ban đầu đối với chúng tôi là tiếng chim hót líu lo trong những cánh rừng xanh thẳm, bạt ngàn.

Dẫn chúng tôi tham quan khu phục hồi sinh thái rừng, anh Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, cho biết: “Rừng bảo tồn mà Ban đang quản lý, bảo vệ trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè; có đường biên giới dài hàng trăm kilômét với thảm thực vật đa dạng, phong phú, nhiều cánh rừng nguyên sinh nằm trong khu phục hồi sinh thái rừng và khu bảo vệ nghiêm ngặt. Hệ sinh thái rừng ở đây nằm trong thảm thực vật nhiệt đới, á nhiệt đới với 742 loài thực vật, 257 loài chim, 130 loài thú và bò sát... Trong đó, có 27 loài thực vật, như: Pơ mu, dổi, trầm hương, de, lát hoa... và 67 loài động vật, như: Voi, bò tót, gấu ngựa, gấu chó, nai, linh trưởng, voọc xám, tê tê, công, diệc cổ hung, trăn mốc... nằm trong Sách đỏ Việt Nam”.

Khu phục hồi sinh thái rừng có những cây gỗ to từ 2 - 3 người lớn ôm mới xuể, thảm thực vật dưới tán rừng được giữ gần như nguyên vẹn, không có dấu vết xâm hại hay chặt phá. “Nếu đi vào sâu cận kề khu bảo vệ nghiêm ngặt có thể nghe tiếng voọc kêu gọi bầy, nhìn thấy lũ khỉ chuyền cành, lợn rừng, nai, hoẵng đi kiếm thức ăn... Nhưng vì sự an toàn cho những loài động vật hoang dã nên chúng tôi chỉ đưa khách du lịch thăm thú phía ngoài Khu phục hồi sinh thái và tham quan các vật trưng bày tại khuôn viên Khu bảo tồn”- anh Diệp Văn Chính cho biết.

Tham quan chuồng nuôi động vật tại Khu Bảo tồn, chúng tôi thấy 3 cá thể động vật, gồm 2 con rùa núi viền và 1 chú khỉ mặt đỏ đang được cán bộ ở đây chăm sóc nuôi dưỡng. Anh Nguyễn Hữu Lợi, cán bộ kỹ thuật Khu Bảo tồn cho biết: “Những động vật này đơn vị mới tiếp nhận vào đầu năm nay từ các cơ quan chức năng và người dân tự nguyện giao nộp. Chúng tôi đang nuôi dưỡng chúng với chế độ chăm sóc đặc biệt, theo loài; sau đó sẽ phối hợp với Trạm Thú y huyện Mường Nhé đánh giá sức khỏe, nếu đảm bảo sẽ mang thả về rừng”.

Sống và làm việc ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các cán bộ nơi đây đều yêu rừng, yêu thiên nhiên và động vật hoang dã. Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ Khu Bảo tồn mong mỏi trong thời gian tới sẽ được sự quan tâm của các cấp ngành, đơn vị liên quan trong việc phát triển Khu Bảo tồn thành điểm tham quan, du lịch, để du khách thập phương khi đến Mường Nhé có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của rừng nguyên sinh, rừng già và các loài động vật hoang dã nơi đây; đồng thời, cũng cho người dân trên địa bàn hiểu giá trị của rừng Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé để chung tay bảo vệ, giữ gìn.

Nói về việc phát triển Khu Bảo tồn thành điểm tham quan cho du khách, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé nhận định: Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là điểm tham quan tiềm năng. Do đó, chính quyền huyện đang có kế hoạch phát triển Khu Bảo tồn thành điểm tham quan du lịch. Hy vọng rằng, trong tương lai gần, kế hoạch sẽ được cấp trên phê duyệt, triển khai và có hiệu quả, vừa giữ được rừng, bảo vệ được động thực vật, vừa trở thành nơi thăm thú cho con người, giúp họ tăng thêm sự hiểu biết về lợi ích từ rừng mà giữ rừng, giữ màu xanh của sự sống.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top