Du lịchĐất và người Điện Biên

Sản vật núi rừng

10:22 - Thứ Bảy, 06/02/2021 Lượt xem: 43848 In bài viết

ĐBP - Gia đình em họ tôi từ Pháp về Việt Nam rồi lên Ðiện Biên thăm các bác trước khi xảy ra dịch Covid-19. Ðó là điều may mắn vì chưa phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên các em được đi hết các điểm di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ. Trên đường đi thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch tại Mường Phăng, hai em (nhất là chú em rể họ) rất bất ngờ trước phong cảnh hồ Pá Khoang. Họ bất ngờ vì không nghĩ giữa núi rừng Ðiện Biên cao tít lại có một hồ nước lớn và đẹp như vậy.

Chúng tôi đặt bữa tối ở bản văn hóa Noong Chứn để gia đình em họ thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc Thái đen. Ẩm thực dân tộc rất đặc biệt với mọi người. Em họ tôi theo chồng sang Pháp định cư mới gần chục năm song khi còn trong nước, là người quê chiêm trũng Hà Nam thì cô hoàn toàn lạ lẫm với các món ăn và gia vị của người Thái. Nhưng với Xuân (tên tiếng Việt của chồng em họ tôi) thì lại khác. Xuân là một đầu bếp nên cách thưởng thức các món ăn rất khác biệt. Nếm một miếng rồi hỏi cặn kẽ các loại gia vị pha trộn, cách tẩm ướp, thời gian chế biến. Cứ thế từng món một. “Rất thơm mà lại hơi… rát lưỡi quá!”. Xuân nói bằng thứ tiếng Việt hơi ngọng nghịu sau khi nhấm riêng mắc khén trên món cá nướng. Có lẽ ý chú em rể họ là “tê” lưỡi nhưng do bí từ tiếng Việt nên nói thành “rát”! “Món ăn của người Pháp cũng như người châu Âu nói chung cơ bản chế biến mềm. Thịt, cá được lọc hết xương. Ðộ cay không nhiều. Nhưng món ăn của người Thái rất lạ, hấp dẫn” - Xuân nhận xét.

Mắc khén, hạt dổi là đặc sản của núi rừng Tây Bắc, là gia vị thường xuyên xuất hiện trong các món ăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể dùng tẩm ướp, đặc biệt món nướng, thịt khô của dân tộc Thái không thể thiếu mắc khén. Còn hạt dổi thường sử dụng trong món tiết canh hoặc chế biến nước chấm của nhiều dân tộc. Khi du lịch ngày càng phát triển, các tua tuyến tham quan, khám phá, trải nghiệm ngày càng phong phú đa dạng thì độ mở về văn hóa, ẩm thực giữa các dân tộc ngày càng sâu rộng hơn. Người miền xuôi lên du lịch, thưởng thức trên miền núi và ngược lại, những sản vật núi rừng cũng xuôi theo trải nghiệm của du khách về đồng bằng. Bây giờ thì không chỉ người Tây Bắc mà nhiều người miền xuôi cũng “nghiện” những gia vị mắc khén, hạt dổi, ớt khô. Mùa rét Hà Nội mà ngồi trước miếng thịt bò bít tết sôi xèo xèo trên phiến gang nung thì thú vị lắm. Nhưng không thể hấp dẫn bằng việc xúm xít quanh bếp than nhà sàn nướng xiên thịt được ướp mắc khén, tỏi, ớt. Và nhiều khách du lịch lên Ðiện Biên đã khẳng định rằng món “gà không lối thoát” (gà bọc xôi rồi chiên) dưới xuôi không thể sánh được “gà khỏa thân” trên than củi!

Cuối năm, một người bạn làm truyền thông ở Hà Nội gọi điện cho tôi nhờ mua giúp thịt khô, hạt dổi để làm quà biếu người thân, bạn hữu. Một người khác thì nhờ mua gạo nếp nương. “Ðơn giản thế sao?” Tôi hỏi. “Ờ, đơn giản như… đan rổ ông ạ! Vấn đề là bây giờ còn mấy người đan rổ? Hiếm lắm! Rổ rá công nghiệp hết rồi!” - bạn tôi cười hào sảng. Thế đấy, đặc sản vùng cao Ðiện Biên đã xâm nhập thủ đô. Nhưng chưa đến mức “phủ sóng” rộng rãi, bởi còn được dùng làm quà biếu thì vẫn là của hiếm! Ngẫm mà thấy rằng bạn mình mới thật là “pờ - rồ”, biết thưởng thức và trân quý những thứ dân dã, ngon lành. Trong khi không ít người vùng cao lại thi đua, xoắn xuýt, xun xoe lùng mua và biếu xén những đồ công nghiệp đóng hộp xa xỉ. “Bụt chùa nhà không thiêng” là thế chăng?

DUY BÌNH
Bình luận
Back To Top