Kinh tếĐầu tư

Xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su:

Vẫn “nằm” trên… giấy

00:00 - Chủ Nhật, 14/06/2015 Lượt xem: 1014 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Mặc dù đã được cơ quan chức năng bàn giao mốc giới quy hoạch xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su từ tháng 5/2014, nhưng đến nay Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên vẫn chưa thể khởi công xây dựng nhà máy theo lộ trình đề ra. Chậm tiến độ thi công, những hộ dân thuộc diện quy hoạch xây dựng nhà máy đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, cây lâu năm không được phép trồng, chăn nuôi bấp bênh...

Loay hoay gỡ vướng

Để đáp ứng nhu cầu sơ chế mủ cao su trên địa bàn tỉnh, giữa năm 2014, UBND tỉnh đã quyết định về việc thỏa thuận quy hoạch khu đất xây dựng Nhà máy sơ chế mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, với tổng diện tích 11,66ha. Trong đó diện tích nhà máy 8,57ha, diện tích còn lại bố trí xây dựng khu xử lý nước thải, và phần dự kiến mở rộng nhà máy khi sản lượng mủ cao su khai thác tăng cao. Theo kế hoạch nhà máy sẽ được khởi công từ quý I/2015 và đến đầu năm 2016 chính thức đưa vào sử dụng; công suất dự kiến 3.000 tấn/năm. Giai đầu chỉ đầu tư công suất 1.000 tấn/năm, giai đoạn tiếp theo căn cứ vào sản lượng mủ chế biến để mở rộng quy mô xây dựng. Để dự án sớm được khởi công, ngày 29/5/2014, Trung tâm Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn (Sở Xây dựng) cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Điện Biên và các bên liên quan đã thực địa, giao 47 mốc giới quy hoạch, mốc tim đường giao thông nội bộ của công trình khu đất xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su cho Công ty Cổ phần cao su Điện Biên. Công ty có trách nhiệm quản lý mốc giới, phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện thủ tục.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh thăm địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy Sơ chế mủ cao su tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn. Ảnh: VĂN TÂM

Tuy nhiên, sau khi bàn giao mốc giới cho Công ty thì lại vướng mắc vào Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2014. Do các phương án, kế hoạch định mức, đơn giá về đền bù giải phóng mặt bằng phải thay đổi so với kế hoạch ban đầu nên việc xây dựng tạm thời hoãn lại. Khi các thủ tục về đất đai hoàn thiện thì lại đúng vào dịp tết nguyên đán 2014 nên dự án tiếp tục bị trì hoãn. Đến nay dự án xây dựng Nhà máy sơ chế mủ cao su vẫn chưa thể triển khai, giải phóng mặt bằng. Tìm hiểu biết rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là vẫn chưa giải quyết được vấn đề liên quan đến mốc giới quy hoạch địa điểm xây dựng trước đó đã bàn giao cho công ty. Ông Đỗ Minh Tú, Trưởng phòng Kế hoạch – Xây dựng cơ bản (Công ty Cổ phần cao su Điện Biên) cho biết: Trong năm 2014, nguồn vốn đã được Tập đoàn Cao su Việt Nam bố trí, song lại gặp khó khăn trong việc xác định mốc giới tọa độ nên không thể giải ngân, có tiền nhưng không thể triển khai. Bởi khi lập dự án với mốc giới giả định trình Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định thì Sở yêu cầu phải xác định mốc giới tọa độ nhà nước. Trên thực tế mốc giới tọa độ giả định ban đầu lại hoàn toàn khác với mốc giới tọa độ nhà nước. Chính vì thế nên chưa thể triển khai các bước tiếp theo. Ông Tú cũng cho  rằng, nếu quy hoạch xây dựng nhà máy dưới 100ha thì có thể sử dụng mốc giới giả định, còn trên 100ha mới cần mốc giới tọa độ nhà nước. Song điều mà lãnh đạo Công ty cao su khó hiểu đó là khi Trung tâm Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn tỉnh cùng với các sở, ban, ngành, trong đó có Sở Tài nguyên và Môi trường đi cùng trong việc bàn giao mốc giới thì lại không có ý kiến. Chính vì vậy, để thẩm định được mốc giới, Công ty phải thuê Trung tâm Quy hoạch xây dựng Đô thị và Nông thôn mua lại mốc giới tọa độ nhà nước rồi bán lại cho công ty. Vì thế mà công ty cũng rất lúng túng chưa biết giải quyết thế nào.

Ngược lại về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Bùi Châu Tuấn lại cho rằng: Bị chậm tiến độ là do bên chủ đầu tư. Nguyên nhân do chủ đầu tư chưa lập được dự án đầu tư (trong khi đó dự án đầu tư phải do Tập đoàn phê duyệt chứ công ty không thể phê duyệt). Khi có dự án rồi thì chủ đầu tư mới lập dự án báo cáo tác động môi trường, trên cơ sở đó UBND tỉnh mới triển khai chấp nhận giấy chứng nhận đầu tư.

Mòn mỏi chờ… quy hoạch

Dự án xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su được người dân ủng hộ, nhất là khi cây cao su chuẩn bị cho mùa khai thác đầu tiên. Song nay đã cận thời điểm khai thác thì dự án vẫn còn “nằm” trên giấy, khiến không ít người dân góp đất trồng cao su đứng ngồi không yên. Bởi nếu như nhà máy chậm tiến độ, không đưa vào vận hành đúng thời gian thì buộc phải lui thời gian mở cạo, ảnh hưởng đến đời sống của 18 hộ dân có đất trong quy hoạch xây dựng nhà máy, khiến họ rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Chỉ cho chúng tôi địa điểm quy hoạch xây dựng nhà máy, anh Lò Văn Lương, Trưởng bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cho biết: “Năm 2014, Công ty Cổ phần cao su Điện Biên đã họp những hộ dân thuộc khu quy hoạch xây dựng nhà máy, yêu cầu không được phát triển mô hình kinh tế lâu năm, trồng cây lâu năm trong phạm vi quy hoạch để đầu năm 2015 sẽ khởi công xây dựng”.

Để minh chứng, anh Lương dẫn chúng tôi đến gia đình chị Quàng Thị Hòa, cũng là hộ nằm trong diện quy hoạch. Chị Hòa tỏ ra khá băn khoăn, lo lắng, bởi gia đình chị mới làm lại ngôi nhà trên nền đất quy hoạch. Chị Hòa cho biết: “Đợi mãi không thấy đơn vị nào triển khai đo đạc, xây dựng nhà máy, trong khi nhà cũ của gia đình thì hư hỏng nặng không thể ở. Lo lắng nhưng tôi vẫn phải làm nhà mới vì mùa mưa bão đang đến gần. Mong cơ quan chức năng sớm có quyết định về diện tích quy hoạch để bà con còn có hướng phát triển kinh tế”. Gia đình chị Hòa có hơn 4.000m2 đất sản xuất, thế nhưng từ khi có quy hoạch xây dựng nhà máy, chị chỉ trồng những cây ngắn ngày, chăn nuôi cầm chừng. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, gia đình anh Cà Văn Thành trước đây với diện tích ao cá lên đến gần 2.000m2, mỗi vụ cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Thế nhưng từ khi quy hoạch khu đất, gia đình không dám thả cá, diện tích ao giờ bỏ không. “So với trước kia, bây giờ thu nhập giảm, cuộc sống khó khăn hơn nhiều. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm có câu trả lời, có quy hoạch hay không, chứ cứ chờ đợi thế này khổ lắm”. Anh Hờ A Chư – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: “Trước mắt về phía UBND xã chỉ tạm thời tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế theo hướng nhỏ lẻ, chứ không nên đầu tư phát triển theo hướng lâu dài. Cũng đã nhiều lần UBND xã có ý kiến nhưng chỉ nhận được câu trả lời dự án đang vướng mắc, chưa thể triển khai”. Thiết nghĩ xây dựng nhà máy sơ chế mủ cao su là rất cấp thiết, cần giải quyết nhanh chóng các thủ tục pháp lý xây dựng nhà máy để người dân trong vùng quy hoạch ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top