Kinh tếĐầu tư

Vấn đề hôm nay

Kịp thời phân bổ vốn đầu tư

00:00 - Thứ Hai, 29/06/2015 Lượt xem: 1359 In bài viết
ĐBP - Không nói thì nhiều người dân trong tỉnh đều biết, Điện Biên hiện vẫn là tỉnh nghèo. Do là nghèo nên nguồn ngân sách chi tiêu hàng năm chủ yếu do Trung ương hỗ trợ, địa phương chỉ cân đối được chưa đầy 10%. Lẽ thường, đã đi xin thì người ta chỉ cho đủ sống, nói gì đến chuyện tích trữ, làm giàu. Điều đáng nói ở đây, phải bằng nhiều mối quan hệ, bằng nhiều cách thức mới xin được ngân sách để đầu tư cho các chương trình, dự án phục vụ lợi ích nhân dân. Nhưng khi được Trung ương, các bộ, ngành... giao, phân bổ nguồn vốn rồi, về đến địa phương lại... mắc kẹt. Không riêng năm 2015 này mà nhiều năm trước đó, việc phân bổ, giao nguồn vốn đầu tư cho các đơn vị đều gặp khó khăn, giao chậm so với kế hoạch.

Thông tin có được, kế hoạch vốn ngân sách do địa phương quản lý năm 2015 là 1.843,8 tỷ đồng, đã giao chi tiết 1.575,7 tỷ đồng, vốn chưa giao chi tiết còn 279,6 tỷ đồng. Trong đó các nguồn vốn chưa giao chi tiết hoặc mới giao được một phần là: hỗ trợ doanh nghiệp công ích 900 triệu đồng; phát triển và bảo vệ rừng bền vững 14,27 tỷ đồng; chương trình bố trí sắp xếp dân cư nơi cần thiết theo Quyết định 1776 là 7 tỷ đồng; chương trình di dân định canh, định cư theo Quyết định 33 là 17,86 tỷ đồng; hỗ trợ huyện nghèo theo Quyết định 293 là 18 tỷ đồng; vốn Đề án 79 còn 189,7 tỷ đồng...

Nguyên nhân của sự chậm trễ trên là do các sở, ngành, các huyện và các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ theo quy định để phân bổ, cấp vốn. Đúng ra, khi được thông báo có nguồn, các đơn vị liên quan đến các chương trình, dự án phải ngồi lại với nhau, bàn bạc, tính toán một cách chính xác, khoa học chi tiết từng đồng để hoàn thiện hồ sơ, thủ tục giải ngân. Đằng này mỗi người một phách, năm người mười ý, thiếu tinh thần hợp tác, kiên nhẫn trong bàn bạc nên đã dẫn tới việc có nguồn mà không thể phân bổ.

Luồng ý kiến khác cho rằng, nguồn vốn có nhưng chưa thể phân bổ, nguyên nhân sâu xa vẫn ở năng lực cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ trên. Do năng lực yếu, lại được giao nhiệm vụ quá khả năng của mình, việc làm không đúng chuyên môn được đào tạo, nên khi vào thực tế vướng như "gà mắc tóc". Không loại trừ nguyên nhân, đang đợi cơ chế "bôi trơn" hay phải "đi cửa sau" thì mới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục dự án.

Trước những bất cập đó, vào trung tần tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để phân bổ vốn đầu tư năm 2015 đảm bảo kịp thời. Trên cơ sở ý kiến của các sở, ban ngành, các chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư... Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn đã kết luận và yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc. Chủ tịch UBND tỉnh giao cụ thể đầu việc đến các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan; gia hạn mốc thời gian phải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để phân bổ kế hoạch vốn. Kiên quyết điều chuyển vốn đối với các dự án, công trình không có khả năng giải ngân, thanh toán sang các công trình, dự án đang thực sự cần vốn. Với các công trình, dự án vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải xin chủ trương và được chấp thận của cơ quan có thẩm quyền mới được thực hiện các bước tiếp theo để điều chỉnh dự án...

Biện pháp, cách thức nhằm tháo gỡ khó khăn đã có. Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi, tỉnh nên quy trách nhiệm cho các đơn vị liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan đó vì để công việc tồn tại quá lâu. Chúng ta đang trên lộ trình thực hiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, rèn luyện phẩm chất, đạo đức người cán bộ, công chức, tinh giản biên chế... thì việc đánh giá, nhận xét năng lực cán bộ qua thực tiễn công việc càng phải thực hiện nghiêm minh. Nếu những người được giao nhiệm vụ thực thi công việc hết mình, làm ngày không xong thì làm đêm, giờ hành chính không xong thì làm ngoài giờ; người đứng đầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ; chủ động phối hợp với các bên liên quan tháo gỡ khó khăn thì sẽ "đầu xuôi đuôi lọt".

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top