Kinh tếĐầu tư

Dự án thủy điện Nậm Núa:

Phấn đấu “về đích” sớm

00:00 - Thứ Sáu, 03/07/2015 Lượt xem: 1028 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Times New Roman","serif";} Công trình Dự án thuỷ điện Nậm Núa nằm trên địa bàn xã Pa Thơm (huyện Điện Biên), do Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên làm chủ đầu tư đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 21/7/2009. Qua 3 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư mãi đến đầu năm 2015 dự án mới chính thức được khởi công với mục tiêu phấn đấu đưa công trình vào sử dụng trước một năm.

Gian nan tiếp cận nguồn vốn

Theo giấy chứng nhận đầu tư số 62121000025 ngày 21/7/2009, UBND tỉnh cấp 62ha cho Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên để thi công công trình dự án thủy điện Nậm Núa, thời gian thực hiện dự án trong vòng 24 tháng và thời gian khai thác là 40 năm. Vậy nhưng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu đến đầu năm 2015, chủ đầu tư mới thi công được một số hạng mục, như: đường công vụ vào nhà máy, đường tránh ngập, đền bù ruộng nương hoa màu cho người dân… Còn các hạng mục xây lắp hoàn toàn chưa được thực hiện. Nguyên nhân của sự chậm trễ trước hết là do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế cùng với sự bất ổn của thị trường tài chính, giá cả thị trường vật liệu xây dựng tăng khiến chủ đầu tư gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai dự án, kể cả việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Hiện tiến độ san ủi mặt bằng thi công công trình đạt trên 80% khối lượng.

Thiếu vốn, không thể khởi công nên chủ đầu tư phải xin thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần 1 vào giữa năm 2011 với lý do: chờ vốn. Theo đó dự kiến khởi công xây dựng dự án vào quý III/2011 và sẽ hoàn thành trong vòng 36 tháng kể từ khi thay đổi giấy chứng nhận đầu tư. Dự định là thế song chủ đầu tư vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng để tiếp tục triển khai công trình và đã nhiều lần đơn vị đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ông Nguyễn Đặng Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Tài nguyên và Năng lượng Điện Biên, cho biết: Đơn vị đã làm hồ sơ trình Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Điện Biên đề nghị được vay vốn nhưng không được chấp thuận. Năm 2013, đơn vị tiếp tục làm hồ sơ vay vốn Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (hay còn gọi là Ngân hàng Tái thiết Đức, liên kết với ngân hàng Phát triển Việt Nam để cho vay vốn), song không được duyệt. Thiếu vốn chủ đầu tư chỉ thực hiện được một số hạng mục bằng vốn tự có của công ty, như: Đền bù giải phóng mặt bằng, hạ thế điện thi công, nhà điều hành, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, công tác rà phá bom mìn vật liệu nổ...

Trao đổi với ông Trần Văn Vượng, Trưởng phòng tín dụng (Chi nhánh ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Điện Biên) về vấn đề chủ đầu tư chia sẻ, chúng tôi được biết: Ngay sau khi nhận được đề nghị kèm theo hồ sơ vay vốn của dự án thủy điện Nậm Núa, Chi nhánh đã gửi hồ sơ về Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã từ chối thẩm định với nhiều lý do, nhưng chủ yếu là vấn đề hiệu quả và khả năng trả nợ trong thời gian vay vốn của dự án thấp. Bởi theo dự kiến của chủ đầu tư, nguồn vốn chủ sở hữu tham gia đầu tư dự án chiếm 30% tổng mức đầu tư trong tổng mức đầu tư dự án là 362,119 tỷ đồng. Như vậy nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến tham gia đầu tư dự án là 108,64 tỷ đồng. Song tại thời điểm đó, vốn điều lệ do công ty đăng ký mới chỉ có 90 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính đến hết quý II/2012 vốn chủ sở hữu của công ty là 29,5 tỷ đồng, trong đó đã sử dụng cho mục tiêu đầu tư, kinh doanh khác của công ty khoảng 19,2 tỷ đồng, sử dụng đầu tư cho dự án thủy điện Nậm Núa là khoảng 10,3 tỷ đồng. Vì mức vốn điều lệ đã đăng ký, tình hình góp vốn và sử dụng vốn của chủ đầu tư không đảm bảo điều kiện vay vốn theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ quy định về tín dụng đầu tư của Nhà nước nên ngân hàng từ chối đề nghị.

Còn với Ngân hàng Tái thiết Đức thì lý do từ chối yêu cầu vay vốn của dự án cũng tương tự. Một số chỉ tiêu kỹ thuật của dự án thủy điện Nậm Núa không phù hợp với tiêu chí áp dụng hạn mức tín dụng nhằm giảm thiểu tác động thay đổi khí hậu của Ngân hàng, như: Chiều cao đập lớn nhất của dự án thủy điện Nậm Núa là 31m, trong khi theo tiêu chí là 15m; dung tích hồ chứa của dự án là gần 5,5 triệu m3, còn tiêu chí của Ngân hàng là 3 triệu m3. Do vậy, dự án không thuộc đối tượng tài trợ của hạn mức tín dụng chống biến đổi khí hậu. Dự án thêm một lần nữa chưa thể khởi công và chủ đầu tư lại đề nghị thay đổi giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2014 với thời gian thực hiện trong vòng 36 tháng, khởi công từ quý I/2015, hoàn thành vào quý I/2018.

Công nhân khoan cắt đá, tập trung hoàn thiện mặt bằng.

Phấn đấu về đích sớm 1 năm

Sau 6 năm liên tục (từ 2009 -  2014) không thể tiếp cận nguồn vốn và qua nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, thì đến đầu năm 2015 chủ đầu tư Dự án thủy điện Nậm Núa mới ký được hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Nam Thăng Long (Hà Nội). Ông Tuấn cho biết: Hiện tại đơn vị không gặp khó khăn, vướng mắc gì. Sau khi tiếp cận được nguồn vốn vay, Công ty đã tiến hành khởi công xây dựng dự án thủy điện đúng kế hoạch tiến độ đã đề ra. Những ngày tháng 6 nắng nóng là vậy, nhưng trên công trường thi công thủy điện Nậm Núa công nhân vẫn miệt mài làm việc.

Nguyên vật liệu, máy móc được nhà thầu tập kết để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Khuôn mặt lấm tấm mồ hôi song khóe mắt ánh lên niềm vui, Giám đốc Nguyễn Đặng Tuấn phấn khởi chia sẻ: lộ trình đề ra đến quý I/2018 Dự án Nhà máy thủy điện Nậm Núa sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng, song đơn vị đang phấn đấu về đích trước thời hạn 1 năm, chính thức phát điện vào quý I/2017. Để đạt mục tiêu đó cả chủ đầu tư và các nhà thầu đều chung quyết tâm cố gắng để đạt tiến độ thi công đã đề ra. Biểu đồ theo dõi tiến độ được đánh dấu từng ngày. Bên cạnh việc khắc phục khó khăn về thời tiết, các nhà thầu đã tổ chức lại sản xuất, tranh thủ thi công cả ban đêm; thực hiện chế độ khen thưởng kịp thời. Hiện nay tiến độ thi công của dự án đã hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc. Trong đó nhiều hạng mục quan trọng đã cơ bản hoàn thành, như: đào hố móng, đào vai đập của nhà máy dẫn dòng thi công dự án; hoàn thiện lắp đặt dây chuyền nghiền đá tại bãi tập kết; dây chuyền lắp trạm trộn bê tông 60m3/h... Để đảm bảo tiến độ đề ra, ngoài các nhà thầu thi công thì Ban giám đốc Công ty trực tiếp có mặt trên công trường, hàng ngày tổ chức giao ban tại hiện trường để xử lý vướng mắc phát sinh; kiểm điểm về tiến độ thực hiện từng gói thầu; đôn đốc, nhắc nhở các nhà thầu tập kết đầy đủ máy móc thiết bị, nhân lực, vật tư kịp thời đẩy nhanh tiến độ đã cam kết.

Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhà máy thủy điện Nậm Núa sẽ phát điện với công suất thiết kế 10,8MW hòa vào điện lưới quốc gia 110KV, điện lượng trung bình hàng năm đạt 42,11 triệu kWh góp phần vào việc phát triển chung của tỉnh, đồng thời đem lại sự đổi thay cho cuộc sống người dân nơi đây.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top