Kinh tếĐầu tư

Thay đổi tư duy sử dụng vốn vay nước ngoài

00:00 - Thứ Ba, 05/01/2016 Lượt xem: 1965 In bài viết
Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phát triển chính thức (ODA) và vay ưu đãi luôn là một vấn đề trọng tâm trong quản lý nợ công, nhất là trong điều kiện năm 2017 Việt Nam sẽ không còn được nhận nguồn vốn ODA do đã chuyển thành nước thu nhập trung bình. Để thích ứng được với thực tế, việc thay đổi tư duy quản lý, sử dụng vốn vay phù hợp với trình độ, khả năng hấp thụ vốn được xác định là bước đi đầu tiên. Bước đi này giúp giảm áp lực về vốn đối ứng trong nước cũng như áp lực về nợ công của Chính phủ, song vẫn đáp ứng được nhu cầu về vốn đầu tư phát triển.

Nâng cấp hệ thống thoát nước cho thành phố Huế từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Vốn ODA giảm dần

Với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển trong thời kỳ 2011-2015, định hướng thu hút quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015 do Chính phủ ban hành dự kiến sẽ thực hiện khoảng 16 tỷ USD vốn ODA và vay ưu đãi, đáp ứng khoảng 6% vốn đầu tư toàn xã hội. Với dự kiến nguồn vốn này, có thể thấy nhu cầu thì rất lớn, nhưng việc tìm kiếm nguồn vay ngày càng khó khăn. Những năm gần đây, một số nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vấp phải tình trạng suy thoái, dẫn đến ngân sách dành cho viện trợ ở các nước này bị cắt giảm. Theo đó, sẽ có những thay đổi, điều chỉnh nhất định về chính sách vay nợ, và sự thay đổi đầu tiên dễ nhận thấy là quy mô vốn ODA, vốn ưu đãi bắt đầu giảm dần vào năm 2010.

Về cơ cấu nguồn viện trợ, nguồn vốn ODA cung cấp cho Việt Nam đã theo hướng giảm nguồn vốn viện trợ không hoàn lại và các khoản vốn vay ưu đãi, mở các kênh tín dụng mới có các điều kiện cho vay kém ưu đãi hơn với lãi suất sát với lãi suất thị trường vốn, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ ngắn hơn. Về phương thức hợp tác phát triển, một số nhà tài trợ chuyển đổi từ hình thức quan hệ hợp tác chính thức với Chính phủ Việt Nam sang hỗ trợ trực tiếp, phát triển quan hệ hợp tác giữa các đối tác của hai bên. Ngoài ra, còn có sự thay đổi cách tiếp cận và mô hình tài trợ phát triển.

Như vậy, nét đặc trưng trong hoạt động thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trong thời gian tới chính là xu thế nguồn vốn ODA giảm dần, vốn vay ưu đãi tăng lên, do đó, sự gia tăng quy mô vốn vay kém ưu đãi sẽ tùy thuộc vào năng lực hấp thụ nguồn vốn này của các đối tác Việt Nam. Đây là một thách thức đòi hỏi các cơ quan thụ hưởng của Việt Nam phải tăng cường năng lực và cải tiến mạnh mẽ quá trình thực hiện dự án để thúc đẩy giải ngân.

Cần một tầm nhìn mới

Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc sử dụng nguồn vốn ODA trong thời gian tới sẽ tiếp tục được xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên cũng như phương thức sử dụng. Các nhà nghiên cứu, quản lý đã thống nhất đề xuất xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương với các nhà tài trợ trong việc xây dựng dự án, cũng như cơ chế vận động thu hút ODA, cơ chế điều phối, theo dõi và quy trình thực hiện giám sát… Trong đó, việc phân bổ lại cơ cấu cấp phát - cho vay lại vốn ODA được đánh giá là giải pháp căn bản, có tính chất nền tảng, quyết định.

Theo đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trước đây, nguồn vốn vay ODA không được đưa hết vào dự toán NSNN, và đã có hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ được phân cấp cho địa phương theo hình thức cấp phát. Chính vì thế, địa phương vẫn coi đây là khoản "cho không", dẫn tới tình trạng các địa phương đăng ký vốn nhiều, nhưng đầu tư dàn trải, hiệu quả chưa cao, có tới 90% số dự án phải gia hạn ít nhất một lần, trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất từ 10 đến 12 năm mới hoàn thành. Phó Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Nguyễn Xuân Thảo cho biết, với đặc điểm là ngân sách lồng ghép, trong thực tiễn, ngoài việc bảo đảm các khoản chi khác, nhu cầu đầu tư của địa phương rất lớn nhưng rất thiếu nguồn. Ngay cả nguồn vốn vay ODA cũng chỉ có thể dành cho phát triển địa phương được 30%, đại đa số là cấp phát nguồn vốn ODA. Do cơ chế này (cùng với các tiêu chí phân bố chưa thật sự hoàn thiện), nguồn vốn ODA chưa được đưa đầy đủ vào ngân sách địa phương cho nên chưa có sự đồng đều giữa các địa phương trong việc phân bổ nguồn vốn. Các địa phương nhỏ thiệt thòi hơn, có địa phương chưa từng tiếp cận được nguồn vốn này như: Hậu Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long…

Rõ ràng, việc có cơ chế thống nhất sẽ nâng cao được khả năng vận động, thu hút và sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn ODA. Với việc trở thành nước có thu nhập trung bình, cần tiếp tục đẩy mạnh bổ sung và sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với cách tiếp cận và mô hình viện trợ mới, nhằm bảo đảm một mặt bằng chung cho việc áp dụng các phương thức viện trợ. Việc giảm dần vai trò trực tiếp của Chính phủ trong vay vốn ODA, chuyển giao sang đối tượng thụ hưởng ODA trực tiếp (chính quyền địa phương, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường học...) là giải pháp quan trọng, không chỉ giúp giảm thiểu những bất cập trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng ODA mà còn tạo điều kiện cho chính quyền địa phương, doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân) được tiếp cận bình đẳng với khu vực công trong tiếp cận ODA trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro cùng với Chính phủ trong sử dụng nguồn vốn này.

Trong điều kiện nợ công đang tăng cao, thông điệp rất rõ của Chính phủ là phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay nước ngoài. Theo các nhà tài trợ, muốn đạt được các mục đích đó, trước hết cần xây dựng cơ chế để các đối tượng hưởng lợi hiểu rõ về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia vào các dự án ODA, chứ không đặt gánh nặng lên vai Chính phủ. Việc cho vay lại đối với chính quyền địa phương là một bước chuyển đổi phương thức sử dụng, từ cấp phát là chủ yếu sang cho vay. Một khi nguồn vốn đầu tư phải đi vay, tỷ trọng vay cao thì chắc chắn chủ đầu tư dự án phải cân nhắc ngay từ khâu phê duyệt đầu tư, đánh giá cụ thể hiệu quả dự án và tính toán khả năng trả nợ.

Chính vì vậy, rất cần thiết phải đổi mới quản lý nợ theo hướng Chính phủ cho địa phương vay lại vốn vay nước ngoài thay vì cấp phát “cho không” như hiện nay. Việc thể chế hóa sự tiếp cận của các địa phương, doanh nghiệp với nguồn vốn vay nước ngoài sẽ giúp bảo đảm được sự an toàn vốn vay, giảm rủi ro. Chỉ có như vậy, mới xử lý tận gốc tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và gia tăng nợ công, và chỉ có như vậy mới có thể chủ động giám sát được giới hạn nợ công, bảo đảm khả năng trả nợ cũng như chủ động tính toán được phương án tài chính và hiệu quả dự án. Đương nhiên, đây là bước chuyển có lộ trình để tránh gây sốc cho địa phương, sao cho vừa cải cách, vừa đánh giá tình hình để vừa có giải pháp phù hợp, vừa hoàn thiện cơ chế về vay nợ công.

Trong đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Luật Ngân sách sửa đổi là một bước tiến rất lớn, là một sự chuẩn bị tích cực cho việc thay đổi phương thức huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài. Chúng tôi đánh giá cao nhất là sự thay đổi tư duy về vay nợ của địa phương khi công nhận có bội chi địa phương, tức là bỏ tư duy ứng vốn của năm sau để đầu tư. Thứ hai, đó là thay đổi cách xác định trần vay nợ công của địa phương sang cách tính theo khả năng trả nợ trên nguồn thu đã được phân cấp của địa phương. Việc cân nhắc chuyển từ cấp phát sang kết hợp giữa cấp phát và cho vay lại là sự thay đổi rất lớn. Khả năng chi trả nợ, cả vốn lẫn lãi trong tương lai là tư duy mới của cấp địa phương về việc sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, bởi dù là ưu đãi nhưng vẫn là vay nợ.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top