Kinh tếĐầu tư

Tiếp thêm sức mạnh cho người Cống vươn lên

00:00 - Thứ Sáu, 29/04/2016 Lượt xem: 2005 In bài viết
ĐBP - Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011 - 2020 do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư đã và đang cùng với nhiều chương trình, dự án khác của Đảng và Nhà nước góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc về đời sống cho vùng dân tộc Cống, tạo tiền đề cơ bản về hạ tầng kinh tế, xã hội cho người Cống vươn lên...

Sau bao lần di canh, di cư, người Cống Điện Biên cũng đã chọn được cho mình nơi an cư lạc nghiệp. Thế nhưng, với tập tục canh tác lạc hậu cộng với lối sống dựa hoàn toàn vào tự nhiên nên bao đời nay người Cống vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo đói. Trước nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011 - 2020 do Ban Dân tộc tỉnh triển khai như tiếp thêm sức mạnh giúp người Cống vươn lên ngang bằng với các dân tộc anh em khác.

Người dân bản Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên múa hát, vui chơi trong ngày Tết Hoa - Tết cổ truyền của người dân tộc Cống. Ảnh: Bảo Anh

Bà Chu Thùy Liên, Phó Ban dân tộc tỉnh, cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Tuy nhiên sự phát triển giữa các vùng, các dân tộc chưa thực sự đồng đều. Vẫn còn những dân tộc đặc biệt khó khăn, chậm phát triển có nguy cơ tụt hậu về kinh tế, suy thoái giống nòi; mai một về văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ; trong đó có dân tộc Cống... Để những dân tộc đặc biệt khó khăn thoát khỏi đói nghèo, vươn lên thu hẹp khoảng cách về kinh tế - văn hóa - xã hội với các dân tộc khác là một vấn đề hết sức khó khăn cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng các chương trình, dự án riêng. Chính vì vậy, Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2020 đã ra đời với sứ mệnh xóa đói, giảm nghèo, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào; tăng số lượng và chất lượng dân số, nâng cao năng lực, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống.

Đề án được Ban Dân tộc tỉnh triển khai tại bản 6 bản có người Cống sinh sống, gồm: Púng Bon và Huổi Moi, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên; bản Nậm Kè, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé; bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ và 2 bản dự kiến chia tách là bản Si Văn (xã Pa Thơm), Lả Chà A (xã Pa Tần). Trước khi thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh đã khảo sát cụ thể những nhu cầu thiết thực nhất của người dân hiện nay: Đường giao thông, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở... Từ đó, Ban xây dựng chương trình hỗ trợ phù hợp với khó khăn thực tế của người dân. 3 công trình đường dân sinh, cầu treo tại bản Huổi Moi, Lả Chà đã giúp người dân có điều kiện đi lại giao thương buôn bán, đáp ứng được lòng mong mỏi của người dân. Ngoài ra, còn nhiều chương trình hỗ trợ như: Hỗ trợ các hộ gia đình đảm bảo điều kiện sống; sản xuất nông, lâm nghiệp; phát triển giáo dục và đào tạo, y tế... với kinh phí hàng tỷ đồng đã phần nào giảm những khó khăn trước mắt cho họ. Đặc biệt, năm 2014, 2015, Ban Dân tộc đã tổ chức cho người Cống tại bản Púng Bon, Lả Chà đón tết Hoa với quy mô lớn, đúng với các nghi thức truyền thống để thế hệ trẻ ngày nay hiểu và có ý thức giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình. Tính đến hết năm 2015, tổng kinh phí của các chương trình hỗ trợ cho 6 bản dân tộc Cống ước tính hơn 35 tỷ đồng.

Rời Ban dân tộc tỉnh, chúng tôi tìm đến Púng Bon – 1 trong 6 bản được hưởng lợi từ Đề án. Băng qua cây cầu treo vững chãi bắc qua dòng Nậm Núa, chúng tôi vào Púng Bon khi nắng đã quá đỉnh đầu. Phải ngồi chờ một lúc khá lâu, chúng tôi mới gặp được trưởng bản Lò Văn Tha. Anh Tha, chia sẻ: Dân bản mình trước đây khó khăn lắm. Nằm ở vị trí hiểm trở nên hầu như tách biệt hoàn toàn với bên ngoài. Cuộc sống tự cung, tự cấp nên cảnh nghèo khó, thiếu đói quanh năm. Năm 2005, điện lưới quốc gia về bản đã thay đổi phần nào diện mạo nơi đây nhưng khó khăn vẫn còn chồng chất. May sao, Đảng và Nhà nước quan tâm đến người Cống bằng nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011 - 2020 đã góp phần thay đổi cuộc sống của bà con trong bản. Từ chỗ thiếu đói quanh năm, nay người dân trong bản đã chuyển dần sang canh tác gần 10ha lúa nước, 21ha lúa nương. Đời sống của bà con từng bước được cải thiện, lương thực bình quân đầu người đạt 450kg/năm. Số hộ nghèo không ngừng giảm xuống, 100% hộ có tivi, trẻ em được đến trường đúng độ tuổi, được chăm sóc y tế... Ngoài ra, Đề án đã đầu tư xây dựng cho bản 1 điểm trường với 3 gian phòng học kiên cố; hỗ trợ 60kg gạo/người/năm... khiến bà con phấn khởi lắm, cảm ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước rất nhiều. Vui hơn nữa là năm 2014, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức Tết Hoa cho bản mình. Chưa bao giờ người dân Púng Bon lại được đón tết to và vui đến thế...

Đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2020 do Ban Dân tộc tỉnh triển khai mới đi được già nửa chặng đường nhưng phần nào đã đáp ứng lòng mong mỏi của người dân, giải quyết khó khăn trước mắt về giao thông của vùng dân tộc Cống để họ có điều kiện mở rộng giao lưu với các vùng dân tộc khác. Đồng thời, từng bước nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho người dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc tỉnh nhà. Tuy vậy, giai đoạn 2 của Đề án vẫn còn nhiều phần việc phải làm. Chúng tôi tin rằng với sự cố gắng, nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh cùng sự chung sức, chung lòng của cả hệ thống chính trị, dân tộc Cống sẽ sớm vươn lên ngang bằng với các dân tộc khác.

Sơn Nam
Bình luận
Back To Top