Kinh tếĐầu tư

Thực hiện Đề án 79

Cần bổ sung, điều chỉnh nhiều mục tiêu

00:00 - Thứ Sáu, 27/05/2016 Lượt xem: 2970 In bài viết
ĐBP - Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 12/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79). Sau 3 năm thực hiện, mặc dù đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung tiến độ Đề án rất chậm. Có nhiều khó khăn, vướng mắc khó giải quyết khiến dư luận đã bắt đầu đặt câu hỏi: Nên hay không việc tiếp tục kéo dài Đề án?

Trao đổi về tiến độ cũng như những vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 79, đại diện cơ quan thường trực thực hiện Đề án, ông Phan Mạnh Kha, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án 79, các đơn vị chủ đầu tư đã thực hiện di chuyển, bố trí, sắp xếp ổn định cho 665 hộ để thành lập 20 bản mới, bố trí xen ghép và ổn định tại chỗ cho 6 bản (đạt 34,58% số hộ, 42,55% số bản so với mục tiêu được duyệt).

Cuộc sống người dân bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé sau tái định cư theoĐề án 79 vẫn chưa ổn định bởi thiếu nước sinh hoạt và đất sản xuất. Trong ảnh: Người dân bản Nậm Kè 2 gùi nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, do đối tượng được thụ hưởng các chính sách của Đề án 79 chủ yếu là dân di cư tự do vào huyện Mường Nhé nhận thức còn hạn chế, việc tuyên truyền, vận động đăng ký di chuyển vào các điểm bố trí dân cư để thành lập bản mới gặp rất nhiều khó khăn. Việc tuyên truyền, vận động các hộ dân sở tại ở các điểm bố trí dân cư nhường đất sản xuất, đất ở (có bồi thường, hỗ trợ theo quy định) cho các hộ dân di chuyển đến cũng rất phức tạp. Việc di chuyển dân triển khai trên diện rộng, khối lượng công việc lớn, chế độ chính sách liên quan có nhiều thay đổi. Để đảm bảo tính hiệu quả đầu tư thì các dự án thành phần thuộc các phương án sắp xếp, ổn định dân cư tại các điểm bản mới thành lập chỉ được triển khai thực hiện khi đã có tối thiểu 70% số hộ dân đồng ý đăng ký di chuyển để thành lập bản mới theo quy hoạch. 

Thực hiện Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Vì vậy, một số chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có sự thay đổi dẫn đến không đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để bố trí sắp xếp dân cư thực hiện Đề án. Mặt khác, do những khó khăn trong việc bố trí đất nên phải điều chỉnh vị trí một số điểm bản quy hoạch mới, bổ sung một số hạng mục đầu tư và điều chỉnh quy mô đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu. Khối lượng kết cấu hạ tầng thiết yếu được lập trong Đề án 79 chỉ được ước lượng tạm tính, vì vậy, khi triển khai thực hiện, phát sinh tăng khối lượng một số công trình (đặc biệt là đường giao thông) dẫn đến tăng tổng mức đầu tư so với Đề án được duyệt.

Về nguồn vốn, theo đề nghị của Bộ Tài chính (tại Công văn số 12988/BTC-NSNN ngày 25/9/2012 và Công văn số 838/BTC-NSNN ngày 25/10/2013) đề nghị Chính phủ không cân đối bố trí kinh phí đo đạc quy chủ hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí hỗ trợ người dân làm nhà, kinh phí hỗ trợ phát triển rừng vào nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Đề án. Do đó, tỉnh Điện Biên phải tạm thời cho các chủ đầu tư ứng từ nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện các nội dung này. Một số chính sách hỗ trợ đặc thù giúp người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất như: Mua giống cây trồng, phân bón trồng cà phê, cao su và chính sách hỗ trợ gạo cho phát triển cây cao su, hỗ trợ gạo cho những hộ di chuyển trong thời gian đầu chưa tự túc được lương thực... chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mặc dù tỉnh Điện Biên đã đề xuất trong tổng nguồn vốn Đề án. Do vậy việc bố trí quy hoạch 23 điểm bản thực hiện chuyển đổi tập quán sản xuất từ cây lương thực trên đất dốc sang trồng các loài cây công nghiệp của Đề án không có nguồn lực để thực hiện.

Để tiếp tục thực hiện và hoàn thành Đề án, với vai trò là đại diện thường trực thực hiện Đề án 79, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu với UBND tỉnh lập Tờ trình: Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Qua đó, tỉnh đề nghị Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến năm 2020 (thời gian thực hiện hỗ trợ đời sống và xây dựng cơ sở hạ tầng đến năm 2018, hỗ trợ phát triển sản xuất đến năm 2020); điều chỉnh mục tiêu cụ thể thực hiện Đề án như: Do tăng dân số tự nhiên so với thời điểm lập Đề án 79 (tăng 1.541 hộ, 7.138 khẩu) vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy mô số hộ thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định tại chỗ cho những hộ đã có đất ở và đất sản xuất trên toàn vùng Đề án (10.494 hộ với 57.856 nhân khẩu thuộc 159 bản). Trong đó, 127 bản giữ nguyên số hộ đã ổn định và 32 bản thực hiện bố trí, sắp xếp xen ghép trên địa bàn 11 xã của huyện Mường Nhé và 10 xã thuộc huyện Nậm Pồ. Theo dự toán ban đầu của Đề án, UBND tỉnh đề xuất tổng vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở trên 51,1 tỷ đồng (mức hỗ trợ 26,4 triệu đồng/hộ), đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tổng vốn đầu tư tại Điểm a, Khoản 7, Điều 1, Quyết định số 79/QĐ-TTg. Nhưng tại Điểm c, Khoản 8, Điều 1, Quyết định số 79/QĐ-TTg quy định ngân sách Trung ương hỗ trợ 16,4 triệu đồng/hộ, 10 triệu đồng còn lại huy động từ doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng. Tuy nhiên, do Điện Biên là tỉnh nghèo, việc kêu gọi, huy động từ doanh nghiệp, hộ gia đình và cộng đồng trong giai đoạn hiện nay rất khó thực hiện. Vì vậy, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi chính sách hỗ trợ nhà ở của Đề án thành ngân sách Trung ương hỗ trợ chi phí tạo mặt bằng nền nhà ở và xây dựng nhà ở, với mức hỗ trợ 26,4 triệu đồng/hộ; điều chỉnh về tổng vốn đầu tư và nguồn vốn phân kỳ vốn đầu tư... Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, hiện nay Ban Nội chính Tỉnh ủy đang thực hiện kiểm tra thực tế tại tất cả các địa bàn thuộc Đề án, từ đó đánh giá cụ thể những thuận lợi khó khăn, báo cáo Tỉnh ủy để đề ra phương án tối ưu nhất trong thực hiện Đề án thời gian tới.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh là một trong những đơn vị chủ đầu tư thực hiện Đề án 79 tại các bản Mường Toong 4, 5, 6, 7, 8 (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé). Đến nay, công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, làm nhà cho người dân tái định cư cơ bản hoàn thiện tại tất cả các bản mà đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất là đất sản xuất cho người dân bản Mường Toong 7, 8 đến thời điểm này cũng đã bàn giao xong; trong thời gian tới, tiền đền bù sẽ được chuyển đến người dân sở tại. Chia sẻ quan điểm về việc nên hay không nên tiếp tục kéo dài Đề án, Đại tá Mùa A Lồng, Phó Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 79 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: Việc tiếp tục thực hiện Đề án 79 là cần thiết để giúp nhân dân vùng Đề án ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Tuy nhiên, cần phải có sự điều chỉnh, bổ sung phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc hiện nay.

Bài, ảnh: Đức Duy
Bình luận
Back To Top