Kinh tếĐầu tư

Dự án Bổ sung đường 60m

Bao giờ về đích?

08:53 - Thứ Hai, 20/06/2016 Lượt xem: 4217 In bài viết
ĐBP - Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư (TĐC) Noong Bua, phường Noong Bua, TP. Điện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Bổ sung đường 60m) là dự án quan trọng, giải quyết nhu cầu bức thiết về giao thông trên địa bàn. Đây là một trong những dự án thành phần của Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn thành phố phải hoàn thành trước ngày 31/3/2016, tuy nhiên do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp nhiều khó khăn nên đến nay Dự án vẫn còn dang dở.

Dự án Bổ sung đoạn tuyến nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua có tổng mức đầu tư 350 tỷ đồng, được bổ sung từ tháng 12/2015. UBND TP. Điện Biên Phủ là đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư, trực tiếp tổ chức, quản lý thực hiện Dự án. Tuy nhiên, mãi đến ngày 11/4/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 505/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp giai đoạn I hạng mục bổ sung đoạn tuyến đường nối từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua. Theo đó, liên doanh Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 và Công ty TNHH Trường Thọ là đơn vị trúng thầu với trị giá gói thầu hơn 118 tỷ đồng.

 

Công nhân Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công đường 60m tại tổ dân phố 17, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ.

Đoạn tuyến bổ sung từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua có quy mô xây dựng mới, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật gồm: Nền, mặt đường, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh và an toàn giao thông... phù hợp với quy hoạch xây dựng TP. Điện Biên Phủ. Toàn tuyến có tổng chiều dài là 1,58km, trong đó trục chính dài hơn 1,4km, nền đường rộng 60m; tuyến nhánh dài gần 185m rộng 20,5m. Mục đích của tuyến đường này để kết nối trung tâm hành chính TP. Điện Biên Phủ với trung tâm hành chính tỉnh, khu TĐC Noong Bua và các vùng lân cận, hình thành mạng lưới giao thông trong khu vực theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP. Điện Biên Phủ và quy hoạch khu đô thị mới phía đông thành phố, góp phần ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân TĐC Thủy điện Sơn La trên địa bàn và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của thành phố. Ngay sau khi trúng thầu, các đơn vị thi công đã tập trung phương tiện, máy móc, thiết bị kỹ thuật triển khai thi công phần mở nền đường. Tuy nhiên hiện nay đơn vị này đang gặp khó khăn do chưa được bàn giao hết mặt bằng để thi công liên hoàn.

Theo ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP. Điện Biên Phủ: Tổng diện tích thu hồi đất thi công tuyến đường 60m theo quy hoạch là 10,81ha với 289 thửa đất các loại; tổng số 196 hộ bị thu hồi đất; tiền bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản toàn dự án trên 122,2 tỷ đồng. Đối với Dự án Đầu tư hạ tầng khung khu đô thị thương mại dịch vụ bám dọc trục đường 60m, tổng diện tích thu hồi đất theo quy hoạch 11,65ha, khoảng cách thu hồi đất mỗi bên trung bình 60m; tổng kinh phí bồi thường về đất trên 52,2 tỷ đồng; bồi thường hỗ trợ TĐC gần 118 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay có 79 hộ bàn giao mặt bằng và mới giải phóng được gần 60ha. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân gây chậm trong GPMB là do một số hộ chưa đồng thuận về chính sách đền bù và TĐC chưa phù hợp, người dân yêu cầu được TĐC tại chỗ... Cụ thể, những gia đình có diện tích nuôi ba ba tại tổ dân phố 17, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ chưa đồng thuận, bởi trước đây theo quy định, những hộ có diện tích nuôi ba ba sẽ được bồi thường với đơn giá 480.000 đồng/m2 mặt nước. Thế nhưng sau đó, quyết định này lại được thay đổi chia thành 4 mức bồi thường khác nhau, trong đó mức cao nhất vẫn là 480.000 đồng/m2 (đối với sản lượng ba ba đạt trên 16 tấn/ha) và mức thấp nhất là 80.000 đồng/m2 (đối với sản lượng ba ba đạt dưới 4 tấn/ha). Hay nhiều hộ dân đã đồng ý TĐC nhưng lại không muốn chuyển vào khu TĐC Noong Bua theo quy hoạch mà yêu cầu được TĐC tại chỗ.

Nói về tiến độ dự án, ông Sáng cho hay, Dự án Bổ sung đường 60m được Chính phủ gia hạn kéo dài đến hết ngày 31/3/2016 phải hoàn thành. Tuy nhiên, thực tế Dự án này đến ngày 11/4/2016, UBND tỉnh mới có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp giai đoạn I. Thời gian thực hiện hợp đồng 1,5 tháng, đồng nghĩa với việc hết tháng 5 là sẽ phải hoàn thành. Song do công tác GPMB bằng gặp nhiều khó khăn nên không thể đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, vừa qua UBND thành phố đã có tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét điều chỉnh tiến độ thực hiện một số dự án thành phần, trong đó có Dự án Bổ sung đường 60m thuộc Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La. Cũng theo ông Sáng, sau khi có tờ trình, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, tổ công tác liên ngành về quản lý tiến độ, chất lượng công trình xây dựng và xử lý những vấn đề tồn tại, vướng mắc liên quan đến các dự án thành phần thuộc Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La. Sau đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có giấy mời gửi UBND thành phố, Ban Quản lý Dự án TP. Điện Biên Phủ, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà cuộc họp bị hoãn đến nay. Vì vậy, nhiều khâu vướng mắc liên quan đến việc GPMB còn gặp khó khăn.

Để sớm tháo gỡ khó khăn trong việc GPMB, UBND tỉnh đã có những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về đất đai, TĐC cho các hộ dân, áp dụng theo cơ chế chính sách di dân, và sử dụng nguồn vốn của Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La. Với Dự án Đầu tư hạ tầng khung khu đô thị thương mại, dịch vụ bám dọc trục đường 60m, áp dụng theo cơ chế chính sách hiện hành của Luật Đất đai năm 2013, có xem xét các hỗ trợ khác đảm bảo giá trị bồi thường không thấp hơn chính sách di dân, TĐC thủy điện Sơn La và sử dụng từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi. Bên cạnh đó, phải đảm bảo người dân có chỗ ở mới tại các điểm TĐC phải có điều kiện tốt hơn; vận dụng tối đa các cơ chế, chính sách hiện hành để người dân có lợi nhất; quá trình triển khai các dự án phải đảm bảo sự đồng thuận trong nhân dân. Được biết, đã nhiều lần UBND thành phố và các phòng ban liên quan tổ chức họp bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chính sách, biện pháp giúp đẩy nhanh tiến độ GPMB để giao mặt bằng “sạch” cho đơn vị thi công. Trước tình hình đó, UBND thành phố đã có tờ trình lên UBND tỉnh xin được gia hạn cuối cùng để hoàn thành các dự án đã và đang triển khai trong năm 2016.

Mặc dù chủ đầu tư đang đôn đốc các nhà thầu tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy nhanh tiến độ, thực hiện theo nguyên tắc có mặt bằng tới đâu thi công ngay đến đó để có thể hoàn thành công trình trong năm 2016. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỗi hẹn, một lần nữa dư luận lại đặt ra câu hỏi, liệu dự án nối đường Võ Nguyên Giáp đến khu TĐC Noong Bua có về đích đúng hẹn?.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top