Kinh tếĐầu tư

Xây dựng cầu treo dân sinh

Cần sự chung tay của chính quyền và người dân

09:06 - Thứ Tư, 06/07/2016 Lượt xem: 2816 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, với sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng cấp, tạo thuận tiện cho người dân đi lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu tiếp tục có các công trình cầu, đường nông thôn vẫn rất lớn khi thực tế hiện nay tỉnh ta còn hàng trăm điểm qua sông, suối (phần lớn tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn) không có cầu hoặc có nhưng là cầu tạm.

Trao đổi với chúng tôi về hiện trạng, nhu cầu và kế hoạch xây dựng cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Điện Biên vốn có địa hình hiểm trở, phức tạp thuộc hàng đầu cả nước, giao thông đi lại, nhất là địa bàn vùng sâu bị chia cắt bởi nhiều sông, suối, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu vận tải, thông thương, sinh hoạt của người dân; tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, nhiều thôn, bản bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày. Nhu cầu xây dựng cầu (chủ yếu là cầu treo dân sinh) là rất lớn nhưng với nguồn kinh phí địa phương hạn hẹp, trong khi địa bàn cần làm cầu thường hiểm trở. Thậm chí, có trường hợp, đã có quyết định phê duyệt dự án, nguồn kinh phí đầu tư làm cầu đã được cấp nhưng đến khi khảo sát thiết kế, bố trí nhà thầu thì đơn vị thi công e ngại, lý do đơn giản là: không có đường vào địa điểm làm cầu. Muốn đưa máy móc, vật liệu… vào vị trí cần thi công cầu, nhà thầu buộc phải mở đường, có nơi dài hàng chục kilômét. Tổng kinh phí thi công 1 cây cầu treo dân sinh khoảng 3,5 tỷ đồng, nếu làm đường, rồi đền bù giải phóng mặt bằng, kinh phí bổ sung không có… thì làm khó cho đơn vị thi công. Từ đó dẫn đến việc chậm trễ tiến độ, cầu treo Na Su (xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông) thuộc Đề án 186 cầu treo là một ví dụ điển hình.

 

Cầu treo Na Tông, xã Na Tông, huyện Điện Biên được xây dựng và hoàn thành năm 2015.

Theo khảo sát của Sở Giao thông – Vận tải, mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có 125 cầu treo nhưng vẫn cần ít nhất trên 70 cầu treo nữa mới tạm đáp ứng nhu cầu. Vừa qua, theo Quyết định số 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 về phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương của Bộ Giao thông – Vận tải, căn cứ đề nghị của tỉnh, Bộ đã phê duyệt cho Điện Biên xây dựng 63 cây cầu treo mới. Mặc dù đã có Quyết định phê duyệt nhưng hiện còn một số vướng mắc, tồn tại cần sự vào cuộc tháo gỡ của cả ngành Trung ương lẫn chính quyền các cấp, người dân địa phương. Cụ thể, tại huyện Mường Nhé, 3 cây cầu dự kiến xây dựng là: Nậm Là, Pứ Ma, Phiêng Kham thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, theo tiêu chí của Quyết định thì không được phép xây dựng; cầu Pá Cha 1 chưa thể đầu tư do chưa có quy hoạch; cầu bản Sẳng, vướng đường điện 110Kv (cùng thuộc huyện Mường Ảng). Và đặc biệt, vẫn là nguyên nhân “đường chưa có” khiến chủ đầu tư, nhà thầu không thể cân đối nguồn vốn thi công. Điển hình là vị trí thi công các cầu: Vàng Chua (huyện Tủa Chùa), Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) đều không có đường giao thông đến vị trí xây dựng; hay các cây cầu Pa Soan 1, 2 (huyện Mường Chà), địa điểm xây dựng nằm quá xa đường ô tô, việc vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn…

Để khẩn trương triển khai xây dựng theo Quyết định 622 và nhất là nhu cầu cấp thiết của nhân dân địa phương, Sở Giao thông – Vận tải đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị dự kiến có các công trình xây dựng cầu, cử cán bộ chuyên môn, cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại toàn bộ vị trí; loại bỏ, thay thế các vị trí bất khả thi; đồng thời thống nhất giải pháp như: Huyện cam kết tự lo kinh phí, huy động sức dân làm đường vào vị trí dự kiến làm cầu hoặc điều tra, bổ sung vị trí thay thế phù hợp. Cùng với đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với đơn vị chuyên môn điều tra mực nước lũ lịch sử (mực nước cao nhất)…

Mặc dù Nhà nước đã cho chủ trương, bộ, ngành chuyên môn đã phê duyệt Quyết định đầu tư xây dựng nhưng quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, để hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cụ thể là nhanh chóng thi công, hoàn thành những cây cầu treo, cần sự linh hoạt trong chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự ủng hộ, chung tay của người dân thì cầu mới sớm bắc, đường mới sớm thông.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top