Kinh tếĐầu tư

Cần cơ chế kiểm soát tốt để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài

16:12 - Thứ Năm, 07/07/2016 Lượt xem: 2969 In bài viết

Việc dòng vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2016 có xu hướng tăng khá mạnh là do niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài được củng cố. Theo đó, nhà đầu tư kỳ vọng việc Chính phủ tiếp tục thể hiện quyết tâm cao độ trong cải thiện, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chuyên gia Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) nêu vấn đề trên khi phân tích về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 và những điểm cần khắc phục trong công tác quản lý lĩnh vực nhằm tránh xảy ra những hệ quả tiêu cực đến môi trường, xã hội.

 
  Ông Phan Hữu Thắng.
Niềm tin vào môi trường kinh doanh thân thiện

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 20/6/2016 cả nước có 1.145 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 7,497 tỷ USD, tăng 95,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đồng thời, có 535 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 3,787 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2016, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 11,284 tỷ USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Cũng trong 6 tháng, ước tính các dự án FDI đã được giải ngân với số vốn 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Đáng chú ý là nửa đầu năm 2016, lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ đứng thứ 3 với 562,3 triệu USD, chiếm 4,9% tổng vốn đầu tư, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (thứ nhất) và hoạt động kinh doanh bất động sản (thứ hai).

Có khá nhiều dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao được triển khai.

Cụ thể, một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng đầu năm 2016 là: Dự án LG Display Hải Phòng, có tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD do LG Display Co., Ltd (Hàn Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất và gia công sản phẩm màn hình OLED nhựa cho các thiết bị di động như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy tính bảng... Dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung, tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD do Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đầu tư với mục tiêu tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm điện, điện tử và viễn thông công nghệ cao (CPC851) tại Hà Nội. Dự án nhà máy điện gió Hàn Quốc tại Trà Vinh (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư đăng ký 247,6 triệu USD với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng gió cung cấp vào lưới điện quốc gia; góp phần ổn định việc cung cấp điện cho nền kinh tế…

Theo ông Phan Hữu Thắng, việc dòng vốn FDI 6 tháng đầu năm 2016 có xu hướng tăng khá mạnh trong những tháng vừa qua là điều bình thường. Điều đáng mừng là niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài được củng cố, trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục thể hiện quyết tâm cao độ trong cải thiện, cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ đã quyết tâm hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hỗ trợ cộng đồng DN. Ngoài ra, hệ thống luật pháp liên quan cũng đang cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam tốt hơn rất nhiều. Cơ sở hạ tầng dù còn khó khăn nhưng đã được cải thiện.

Việt Nam cũng đang tham gia mạnh mẽ vào tiến trình hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới, điều này khiến các nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội lớn trong đầu tư…

Phải kiểm soát chặt hơn tác động môi trường, xã hội

Chuyên gia Phan Hữu Thắng cho rằng việc lượng vốn FDI tăng cao không có gì đáng lo ngại, thậm chí cần khích lệ vì có thêm đầu tư tức là có thể có cơ hội tăng việc làm và thu nhập cho người lao động.

Vấn đề ở đây là phải làm thế nào để song hành với thu hút đầu tư là vấn đề quản lý cho tốt.

Theo ông Phan Hữu Thắng, để quản lý, chọn lọc các dự án FDI tốt hơn, cần có cơ chế phối hợp giữa địa phương, các cơ quan liên quan như kế hoạch và đầu tư, tài nguyên môi trường, công thương, công an… Vì thế, theo ông Phan Hữu Thắng, chúng ta cần gấp rút xây dụng hoàn thiện trung tâm dữ liệu về FDI, tránh tình trạng chia cắt giữa Trung ương và địa phương, khắc phục tình trạng thiếu cập nhật trong báo cáo quản lý dự án (đặc biệt các dự án có vốn lớn, sử dụng nhiều đất đai).

Các dự án đầu tư vẫn phân cấp cho địa phương quản lý nhưng phải có cơ chế báo cáo đầy đủ tới các cơ quan Trung ương và phải xác định tránh nhiệm rõ ràng. Đồng thời với đó, nên duy trì cơ chế giao ban về đầu tư nước ngoài giữa các bộ, ngành, địa phương theo định kỳ. Cần lưu ý trong bối cảnh hội nhập sâu, Việt Nam cũng phải nâng cấp các tiêu chuẩn này lên theo tiêu chuẩn quốc tế,  giữ bền vững môi trường của mình cũng là của khu vực và toàn cầu.

Các dự án lớn, cần có sự kiểm tra, giám sát, đánh giá tác động môi trường chặt chẽ, quản lý chặt hơn, bao gồm cả từ khâu nhập nguyên vật liệu từ cửa khẩu. Sau khi kiểm tra, với các dự án đầu tư có tác động hoặc nguy cơ tác động lớn đến môi trường lớn và cho thấy rõ các DN đó có vi phạm thì hoàn toàn có thể tạm dừng, dừng hoặc thậm chí rút giấy phép.

Ngoài ra, việc nắm được sơ bộ lịch sử của các nhà đầu tư đang muốn vào triển khai dự án (bên cạnh nội dung họ tự giới thiệu về mình) cũng rất quan trọng, giúp sàng lọc tốt hơn trong lựa chọn dự án đầu tư.

Đã đến lúc chúng ta phải rà soát một cách thực chất toàn bộ quy định về giám sát đầu tư cũng như công tác thực thi. Nếu cơ chế quy trách nhiệm chưa rõ ràng, đến khi xảy ra hậu quả thì rất khó quy trách nhiệm hoặc đẩy trách nhiệm xuống các khâu thẩm định ở cấp dưới.

Theo baochinhphu
Bình luận
Back To Top