Kinh tếĐầu tư

TP. Điện Biên Phủ

Vướng đền bù, giải phóng mặt bằng

08:42 - Thứ Sáu, 22/07/2016 Lượt xem: 6888 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn 2 phường: Noong Bua và Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) có một số dự án đầu tư xây dựng lớn như: Đường vành đai II Noong Bua – Pú Tửu; đường Hoàng Văn Thái; Dự án Đoạn bổ sung từ đường Võ Nguyên Giáp đến khu tái định cư (TĐC) Noong Bua (sau đây gọi tắt là Dự án Đường 60m) cùng thuộc các dự án thành phần Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La và Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung khu trụ sở cơ quan, khu công cộng, khu thương mại dịch vụ dọc trục đường 60m (gọi tắt là Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung). Các dự án này bao gồm các công trình đã đi vào giai đoạn hoàn thiện hoặc mới được triển khai nhưng đều có chung một vướng mắc: Giải phóng mặt bằng (GPMB) – TĐC.

 

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 thi công mặt bằng khu TĐC Khe Chít 1, phường Noong Bua.

Trao đổi về tiến độ các dự án do UBND TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Viết Sáng, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) thành phố, cho biết: Dự án Đường vành đai II Noong Bua – Pú Tửu và Dự án Đường Hoàng Văn Thái đã phải dừng thi công từ sau Tết Nguyên đán Bính Thân đến nay bởi không giải phóng được mặt bằng. Cụ thể, Dự án Đường vành đai II Noong Bua – Pú Tửu còn 4 hộ (thuộc huyện Điện Biên) ở vị trí giáp ranh với TP. Điện Biên Phủ chưa GPMB do người dân không đồng ý với giá trị đền bù; Dự án Đường Hoàng Văn Thái, người dân tại tổ dân phố 23, phường Noong Bua không đồng ý bàn giao đất để di chuyển đến điểm TĐC, thậm chí phản ứng gay gắt với đơn vị thi công vì cho rằng chế độ giao đất TĐC còn bất cập, không công bằng. Đối với Dự án Đường 60m, hiện đơn vị thi công đã thực hiện được khoảng 30% khối lượng, tuy nhiên, công tác GPMB chủ yếu thực hiện được tại các diện tích đất vườn, ao hồ nuôi thủy sản, còn đất ở cơ bản chưa triển khai được. Bên cạnh đó còn một phần lý do cơ bản là tỉnh chưa bố trí được nguồn kinh phí hỗ trợ thuê nhà ở tạm cho các hộ đã bàn giao đất nhưng chưa xây dựng được nhà tại điểm TĐC (theo Quyết định 58 của UBND tỉnh, mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/hộ/tháng và được hỗ trợ trong 6 tháng; tổng kinh phí khoảng 900 triệu đồng). Ban QLDA thành phố đang phải vay các nguồn khác để chi trả cho 30 hộ TĐC.

Xung quanh vướng mắc của các dự án, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ: “Nóng” nhất hiện nay là công tác GPMB, TĐC Dự án đường Hoàng Văn Thái, hiện còn 7 hộ chưa bàn giao mặt bằng và có nhiều thắc mắc, kiến nghị liên quan đến đối trừ đất và giao đất TĐC. Trong số các hộ này có 2 hộ có nhiều đất (nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cần phải thu hồi trong cùng một dự án. Tuy nhiên, theo Quyết định 02/2010 của UBND tỉnh về xử lý chênh lệch trong bồi thường giao đất ở thì phần giá trị chênh lệch nếu dương (+) thì người dân được hưởng, còn âm (-) người có đất TĐC sẽ không phải nộp thêm phí (đây là chính sách đặc thù chỉ Dự án Di dân, TĐC Thủy điện Sơn La mới có). Vấn đề ở đây là giá trị đất thu hồi thường thấp, khoản chênh lệch dương của hộ có nhiều đất chỉ được khoảng mấy chục triệu đồng, trong khi người có ít đất cũng được đối trừ tương tự, vì vậy phát sinh mâu thuẫn, “tị nạnh” giữa 2 nhóm hộ được cấp đất TĐC. Nhóm tiếp theo là các hộ có nhiều thế hệ cùng sinh sống trong một nhà, người dân cho rằng diện tích đất ở vị trí TĐC chật hẹp, cần được giao đất theo hình thức có thu phí. Thành phố đang nghiên cứu xin cơ chế đặc thù để giải quyết theo hướng có lợi cho người dân

Về Dự án đường 60m (UBND TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư) và Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung (Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư), vấn đề nổi lên hiện nay là vướng mắc liên quan đến Dự án đường vành đai II. Theo Quyết định 891/QĐ-UB ngày 24/6/2003 của UBND tỉnh, 104 hộ có đất đã thu hồi để phục vụ dự án nhưng dự án không thực hiện được. Dự án đã “treo” quá lâu, việc xử lý các quyết định thu hồi đất đã ban hành diễn ra chậm, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn (đất, nhà ở không được phép nâng cấp, cơi nới, mua bán, sang nhượng…). Hiện nay, toàn bộ 104 hộ đã bị thu hồi đất của dự án “treo” này tiếp tục thuộc diện giải tỏa (74 hộ thuộc diện giải tỏa của Dự án đường 60m, 30 hộ diện giải tỏa của Dự án Hạ tầng kỹ thuật khung) nhưng theo quy định sẽ không được đền bù khi GPMB, không được cấp đất TĐC, đây là điều khiến người dân rất bức xúc.

Qua khảo sát, lấy ý kiến, phiếu thăm dò người dân về nguyện vọng TĐC, đa phần người dân các tổ dân phố: 12, 16, 17, 18 phường Him Lam không đồng ý di chuyển đến điểm TĐC đã xây dựng là Khe Chít 1, 2; họ đề nghị được TĐC tại chỗ. Thậm chí một số người dân còn nêu quan điểm sẽ “cố thủ” đến khi được giải quyết theo nguyện vọng. 

Đối với Dự án đường vành đai II Noong Bua – Pú Tửu đã hoàn thiện trên 90% khối lượng nhưng còn 4 hộ ở cuối tuyến chưa giải phóng được mặt bằng do chênh lệch về áp giá đất giữa TP. Điện Biên Phủ với huyện Điện Biên (mặc dù giáp ranh nhưng quy định giá đất thuộc huyện Điện Biên thấp hơn khá nhiều). Vừa qua, tỉnh đã cho chủ trương giải quyết về giá đất khu vực liền kề đối với 4 hộ này và được các hộ nhất trí. Tuy nhiên, đơn vị thực hiện đền bù là UBND huyện Điện Biên chưa chi trả được do nguồn kinh phí từ Ngân hàng Phát triển chưa kịp cân đối, vì vậy, việc hoàn thành toàn bộ dự án vẫn phải chờ.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top