Kinh tếĐầu tư

Xây dựng NTM ở huyện Mường Chà

Còn xa mục tiêu

08:22 - Thứ Tư, 27/07/2016 Lượt xem: 3569 In bài viết
ĐBP - Từ năm 2011, với sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh, cán bộ và nhân dân huyện Mường Chà triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM). Sau 5 năm, diện mạo nông thôn của huyện đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân dần được cải thiện. Tuy nhiên, Mường Chà là một trong những huyện nghèo của tỉnh, xuất phát điểm thấp về mọi mặt nên việc xây dựng NTM gặp rất nhiều khó khăn.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Mường Chà đã huy động được hơn 360 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM (trong đó: vốn chương trình xây dựng NTM 18,8 tỷ đồng; vốn lồng ghép 313,2 tỷ đồng; ngân sách địa phương 10 tỷ đồng; vốn tín dụng 8,6 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa 10,2 tỷ đồng). Đến nay, huyện Mường Chà đã nhựa hóa, bê tông hóa 116km đường giao thông nông thôn; đầu tư xây mới, nâng cấp 36,6km kênh mương thủy lợi; kiên cố hóa 254 phòng học; xây mới 1 trạm y tế xã, 6 nhà văn hóa thôn, bản… Năm 2015, thu nhập bình quân của huyện Mường Chà đạt 10 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo từ 73,87% năm 2010 giảm xuống 50,73% năm 2015; giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực.

 

Đường bản Háng Lìa, xã Sa Lông, huyện Mường Chà được bê tông hóa bằng nguồn vốn NTM.

Mặc dù đã đạt một số kết quả tích cực, song việc thực hiện các tiêu chí NTM ở Mường Chà còn gặp nhiều khó khăn, rất nhiều tiêu chí gần như “quá sức” đối với huyện, như: Tiêu chí số 2 về giao thông; tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa; tiêu chí số 10 về thu nhập, tiêu chí số 11 về tỷ lệ hộ nghèo, tiêu chí số 17 về môi trường… Đến tháng 4/2016, xã Sa Lông đạt 9 tiêu chí; xã Mường Mươn đạt 8 tiêu chí; các xã: Ma Thì Hồ, Nậm Nèn, Hừa Ngài đạt 7 tiêu chí; các xã còn lại đạt dưới 6 tiêu chí.

Ông Đinh Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết: Khó thực hiện các tiêu chí “cứng” trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, như: Giao thông nông thôn, thủy lợi, chợ, điện, nhà văn hóa… trên địa bàn huyện. Bởi vì, các tiêu chí này cần nguồn lực đầu tư rất lớn và sự đồng thuận, thống nhất cao của người dân. Hiện nay, nguồn vốn xây dựng NTM cấp cho các xã khoảng 1 tỷ đồng/năm, bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Hơn nữa, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cao, đời sống người dân khó khăn nên ngoài việc đồng thuận về mặt chủ trương, góp ngày công thì việc vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền xây dựng NTM còn khó khăn, ở một số xã thì việc này gần như là không thể. Các tiêu chí “cứng” không thực hiện được kéo theo các tiêu chí “mềm” như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, văn hóa… cũng khó thực hiện. Tiêu chí số 17 về môi trường cũng là tiêu chí rất khó, bởi tiêu chí này liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán lâu đời của các dân tộc nên để hoàn thành theo đúng yêu cầu của bộ tiêu chí NTM cần có nhiều thời gian tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức người dân. Như vậy, với điều kiện thực tế hiện nay, đến năm 2020, các xã trên địa bàn huyện Mường Chà khó đạt chuẩn NTM.

Sa Lông tuy không phải là xã điểm của huyện Mường Chà trong thực hiện xây dựng NTM nhưng đến nay đã đạt 9/19 tiêu chí. Năm 2015, xã Sa Lông đạt chuẩn tiêu chí số 15 về y tế, trở thành xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn về y tế. Ông Hạng A Lù, Chủ tịch UBND xã Sa Lông, cho biết: Tuy không phải là xã điểm về xây dựng NTM của huyện, nguồn vốn thực hiện xây dựng NTM cũng rất hạn hẹp nhưng những năm qua, xã Sa Lông đã tích cực vận động người dân phát huy nội lực để xây dựng NTM. Xã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, từ đó đóng góp xây dựng NTM. Cùng với đó, xã lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để xây dựng NTM. Điển hình như tiêu chí về y tế, xã lồng ghép và tích cực phối hợp với dự án “Tầm nhìn thế giơi” để thực hiện. Mặc dù vậy, quá trình xây dựng NTM của xã còn nhiều khó khăn, thử thách nhất là những tiêu chí: Giao thông, chợ nông thôn, nhà văn hóa… nên “đích” chuẩn NTM còn khá xa.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top