Kinh tếĐầu tư

Nâng cao hiệu quả vốn phát triển “tam nông”

09:02 - Thứ Sáu, 29/07/2016 Lượt xem: 3153 In bài viết
ĐBP - Cuối tháng 5/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 726/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tỉnh Điện Biên. Qua đó, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay đầu tư vào “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), đồng thời, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” của ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

 

Từ nguồn vốn vay tam nông, người dân đội 7, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên mở rộng phát triển sản xuất với mô hình nuôi cá.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Trưởng phòng Kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Điện Biên (Agribank Điện Biên), cho biết: Tổng kết 5 năm thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Agribank với Trung ương Hội Nông dân, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; triển khai Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã đã được tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, mở rộng sản xuất, góp phần thu hẹp khoảng cách về điều kiện kinh tế giữa nông thôn và thành thị. Từ đó, cộng đồng dân cư mạnh dạn chung tay đóng góp cùng Nhà nước trong xây dựng đường bê tông nông thôn, nước sinh hoạt… trong phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 112 tổ vay vốn được thành lập, với tổng số 2.013 thành viên, tổng doanh số cho vay đạt trên 116,7 tỷ đồng. Các thành viên vay vốn đều thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết, trả gốc, lãi vay đúng hạn và ít để phát sinh nợ xấu. Tín dụng cho phát triển “tam nông” cao hơn gần 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng chung của Agribank.

Trong quá trình cho vay vốn, Agribank luôn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn vay; thực hiện và triển khai tốt chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41 của Chính phủ. Agribank thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, hộ kinh doanh, hộ sản xuất ngành nghề, chủ trang trại hợp tác xã với 3 mức: 50 triệu đồng, 200 triệu đồng và 500 triệu đồng. Điều này đã làm đơn giản hóa thủ tục cho vay, tiết kiệm thời gian cho khách hàng và ngân hàng, tăng hiệu quả đồng vốn.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác tín dụng ưu tiên cho tam nông; lộ trình tái cơ cấu lại dư nợ theo hướng tăng dần tỷ trọng dư nợ cho vay hộ sản xuất cá nhân tiếp tục được Chi nhánh đặc biệt quan tâm. Dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân đã đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 288 tỷ đồng (13,4%) so với đầu năm, trong đó tỷ lệ dư nợ hộ sản xuất chiếm 47,7% tổng dư nợ của Chi nhánh Agribank Điện Biên. Trong đó tăng trưởng dư nợ hộ sản xuất tốt có: huyện Mường Nhé (tăng 46,4%), TX. Mường Lay (22%), huyện Tuần Giáo (20,7%)… Dư nợ cho vay đối với hộ sản xuất quy mô nhỏ đạt 966 khách hàng, với tổng dư nợ 74 tỷ đồng; cho vay tổ nhóm đạt 601 tổ vay vốn với trên 7.300 thành viên.

Để nâng cao hoạt động giao dịch giữa ngành ngân hàng và các tổ chức, cá nhân vay vốn thuộc khu vực “tam nông”, từ đó đẩy mạnh hiệu quả trong sử dụng vốn vay, góp phần nâng cao hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, đóng góp tích cực cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thị, thành phố đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông, lâm nghiệp cho các hộ nhận khoán; tổ chức khảo sát, đánh giá các trang trại, tiến tới cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn cho chủ trang trại (cả tỉnh hiện mới có 1 trang trại được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn) để các ngân hàng có cơ sở đầu tư vốn tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top