Kinh tếĐầu tư

Công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Rạng Đông bỏ hoang

Không chỉ là sự lãng phí…

08:50 - Thứ Tư, 10/08/2016 Lượt xem: 4081 In bài viết
ĐBP - Trong khi gần 200 hộ dân của 2 bản: Nậm Mu và Rạng Đông (xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo) đang thiếu nước sinh hoạt; cánh đồng 50ha của xã thiếu nước sản xuất lúa 2 vụ, thì công trình thủy lợi và nước sinh hoạt xã Rạng Đông được đầu tư xây dựng và hoàn thành gần 2 năm nay với tổng kinh phí trên 22 tỷ đồng lại bỏ hoang. Nghịch lý này đã và đang đặt ra nhiều câu hỏi...

Năm 2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 69/QĐ – UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt Nậm Mu, xã Phình Sáng (nay thuộc xã Rạng Đông), huyện Tuần Giáo với tổng mức đầu tư trên 22 tỷ đồng. Dự án do UBND huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, công trình hoàn thành sẽ cung cấp nước tưới cho cánh đồng 50ha của xã, đồng thời cấp nước sinh hoạt cho gần 200 hộ dân 2 bản: Nậm Mu, Rạng Đông và các trường học, phòng khám khu vực trung tâm xã Rạng Đông; góp phần ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống cho người dân trong vùng.

 

Phần lớn hệ thống kênh mương đã bị đất đá vùi lấp.

Khi Dự án khởi công đã nhận được sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân xã Rạng Đông, nhất là gần 200 hộ dân 2 bản: Nậm Mu và Rạng Đông. Mặc dù ảnh hưởng về kinh tế khá lớn nhưng vì nguồn nước sinh hoạt và nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp nên người dân 2 bản: Nậm Mu và Rạng Đông sẵn sàng hy sinh ao cá để phục vụ thi công mà không đòi hỏi đền bù. Ông Lò Văn Hảo, Trưởng bản Nậm Mu cho biết: Để tạo thuận lợi cho việc thi công công trình, người dân bản Nậm Mu đã hiến 7 ao cá với tổng diện tích khoảng 8.000m2. Đường bê tông nội bản mới đưa vào sử dụng được 2 năm cũng bị cắt thành nhiều đoạn để lắp ống dẫn nước sinh hoạt, vậy nhưng người dân vẫn vui vẻ, đồng lòng miễn sao công trình được thi công đúng tiến độ.

Đến cuối năm 2014, công trình mới xây dựng xong. Mặc dù phải chờ đợi, mong mỏi lâu hơn dự kiến nhưng người dân 2 bản Nậm Mu và Rạng Đông rất vui mừng. Nhưng thật trớ trêu, công trình trị giá trên 22 tỷ đồng xây dựng xong lại không thể sử dụng được. Gần 2 năm sau khi hoàn thành, công trình này vẫn chưa hoạt động 1 lần nào và bị bỏ hoang nên người dân không có nước sinh hoạt, không có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Có mặt tại công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bản Nậm Mu, chúng tôi nhận thấy: 2 trạm bơm thủy luân (1 phục vụ thủy lợi, 1 bơm nước sinh hoạt) đều không hoạt động. Tuyến kênh mương dài gần 3km đã bị đất đá vùi lấp phần lớn. Mỗi hộ dân thuộc 2 bản: Nậm Mu và Rạng Đông đã được lắp 1 vòi nước và 1 đồng hồ đếm nước sinh hoạt nhưng 2 năm nay chưa có nước về bản, vòi nước và công tơ nước đã hoen rỉ vì lâu ngày không sử dụng. Cánh đồng 50ha của xã Rạng Đông không thể sản xuất lúa nước nên người dân đành tiếp tục trồng ngô. Một số hộ có điều kiện thì tự lắp hệ thống ống dẫn nước và mua máy bơm, bơm nước từ suối Nậm Mu để sản xuất lúa.

Làm việc với phóng viên, ông Bùi Quang Liên, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện thừa nhận: Công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bản Nậm Mu, xã Rạng Đông đã hoàn thành xây lắp gần 2 năm nay nhưng vẫn chưa sử dụng được. Năm 2015, UBND huyện đã tổ chức 2 cuộc kiểm tra vào tháng 2 và tháng 9 để làm rõ nguyên nhân công trình không phát huy hiệu quả. Kết quả kiểm tra cho thấy, tháng 2 – mùa khô, lưu lượng nước không đủ để 2 máy bơm hoạt động. Đối với tháng 9 – mùa mưa lưu lượng nước lớn nên máy bơm hoạt động bình thường. Như vậy, nguyên nhân chính là do sai sót trong khâu khảo sát thiết kế công trình, lưu lượng nước không đủ để máy bơm hoạt động.

Nguyên nhân này cũng được ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ thủy lợi Điện Biên – nhà thầu thi công công trình khẳng định: “Nước không lên không phải do nguyên nhân từ máy bơm mà do lưu lượng nước không đủ để cho máy bơm hoạt động. Theo thiết kế thì lưu lượng nước của công trình đạt mức 3,5m3/giây đủ để máy bơm hoạt động. Tuy nhiên, khi kiểm tra vào tháng 2/2015, lưu lượng nước chỉ đạt 0,75m3/giây, máy bơm không thể hoạt động với lưu lượng nước thấp như vậy”.

Ông Vũ Xuân Dinh, Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Xây dựng thủy lợi Điện Biên là đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bản Nậm Mu, xã Rạng Đông trao đổi với chúng tôi: “Sai sót trong khảo sát thiết kế công trình là... tai nạn nghề nghiệp!? Chúng tôi đã không đánh giá đúng cũng như có phương án đề phòng sự thay đổi lưu lượng nước”. Theo ông Dinh, công trình chỉ không hoạt động được vào mùa khô còn mùa mưa vẫn đủ nước cho máy bơm hoạt động nên công trình sử dụng bình thường. Tuy nhiên, ông Dinh lại không thể giải thích vì sao mùa mưa máy bơm hoạt động mà người dân vẫn không có nước sinh hoạt?

Theo Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tuần Giáo, Bùi Quang Liên, hiện nay, UBND huyện Tuần Giáo cùng với nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn đang tìm cách khắc phục để sớm đưa công trình đi vào hoạt động, phục vụ đời sống người dân. Để công trình này sớm đi vào hoạt động có 2 giải pháp: Một là thay đổi lưu lượng nước của dòng suối Nậm Mu nhằm đạt mức 3,5m3/giây giúp máy bơm hoạt động; 2 là thay hệ thống máy bơm khác phù hợp với lưu lượng nước hiện tại. Tuy nhiên, biện pháp thay đổi lưu lượng nước của suối Nậm Mu là không thể. Vậy nên chỉ còn cách thay hệ thống máy bơm mới. 2 máy bơm lắp đặt tại công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bản Nậm Mu là loại máy bơm thủy luân, hoạt động dựa hoàn toàn vào năng lượng nước. Loại máy bơm này được nhà thầu đặt thiết kế đơn chiếc phù hợp với tiêu chuẩn của công trình, với tổng giá trị gần 720 triệu đồng. Vì vậy, nếu thay máy bơm thì nhà thầu lại phải bỏ một khoản tiền để mua máy bơm mới còn 2 máy bơm hiện tại bắt buộc phải bỏ đi, không thể bán hoặc sử dụng cho công trình khác. Ngoài ra, lưu lượng nước thấp thì phải đặt mua máy bơm có công suất thấp hơn, lượng nước lên hệ thống kênh mương, hệ thống ống dẫn nước sinh hoạt ít hơn. Khi đó, tuy công trình được đưa vào sử dụng nhưng vẫn gây lãng phí phần thủy công (gồm: hệ thống kênh mương và ống dẫn nước sinh hoạt), đồng thời kéo theo diện tích tưới nước giảm so với thiết kế ban đầu.

Không chỉ là sự lãng phí, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt Rạng Đông bỏ hoang 2 năm cũng đang từng ngày làm giảm niềm mong đợi của người dân.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top