Kinh tếĐầu tư

Thêm nhiều vùng khó được “nối gần”

08:40 - Thứ Năm, 11/08/2016 Lượt xem: 4306 In bài viết
ĐBP - Hình ảnh giáo viên, học sinh chui túi ni lông vượt suối đến trường; bà con chèo bè vượt suối đi nương; những bản làng bị chia cắt bởi mùa mưa lũ... trên địa bàn tỉnh ta sẽ được gắn kết bằng những nhịp cầu treo từ dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh của Bộ Giao thông - Vận tải. Việc đầu tư xây những cây cầu cũng là cách chia sẻ với người dân vùng khó, đồng bào dân tộc những thành quả phát triển chung của đất nước.

 

Đi qua suối Nậm Pồ là con đường duy nhất vào bản Vàng Đán, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ.

Để đảm bảo an toàn qua sông suối vào mùa mưa lũ, tạo điều kiện phát triển kinh tế ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, ngay sau khi Bộ Giao thông - Vận tải có Quyết định 622/QĐ-BGTVT ngày 2/3/2016 về việc phê duyệt đầu tư xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải đã khẩn trương tập trung khảo sát, rà soát lập danh sách, số lượng cầu thuộc dự án cầu dân sinh. Theo đó, tới đây sẽ có 70 cầu treo, cứng dân sinh được xây dựng trên địa bàn các huyện, thị xã và thành phố. Ông Tô Trọng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết: Việc thành lập đoàn khảo sát nhằm xem xét vị trí sẽ xây dựng các cầu có đáp ứng đúng mục tiêu của đề án cũng như tránh bỏ sót những vị trí đáp ứng mục tiêu của đề án như: Phục vụ việc đi lại cho đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt trong mùa mưa lũ bằng xe gắn máy và đi bộ để tới được với trung tâm văn hoá cộng đồng (làng, xã, trạm y tế, trường học). Kết nối các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế, thôn bản...), những nơi học sinh, đồng bào dân tộc thiểu số bị cô lập trong mùa mưa lũ, hoặc đi lại khó khăn phải sử dụng bè mảng đến trường, làm nông nghiệp hoặc di chuyển đến các trung tâm văn hoá thôn bản...

Để khẩn trương đưa dự án vào thi công, Sở Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các huyện, xã rà soát lại toàn bộ vị trí đầu tư xây dựng cầu, để chỉ ra những khó khăn, thuận lợi, nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Đi cùng đoàn khảo sát của huyện Nậm Pồ, chúng tôi đã chứng kiến những vất vả của người dân khi đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ thì chỉ có nước chờ lũ rút mới đi lại được. Bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ là một trong những bản được khảo sát đầu tư xây dựng cầu treo dân sinh. Ông Lèng Văn Xương, Chủ tịch UBND xã Nậm Chua cho biết: Mỗi khi mưa xuống, các hộ dân bên kia suối Phiêng Ngúa chỉ biết ngồi nhìn, hay những người dân muốn sang bên kia suối để làm nương, làm rừng cũng đành chịu, có khi phải chờ cả tuần, nước rút mới đi làm nương được. Khi khảo sát khu vực xây dựng cầu treo ở bản Phiêng Ngúa, bà con trong bản ai cũng rất mong mỏi có cái cầu dân sinh.

Đến điểm khảo sát thứ 2 là bản Vàng Đán, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. Bản Vàng Đán nằm cách biệt với các bản khác trong xã, cây cầu tạm trước đây cũng là con đường độc đạo kết nối mọi hoạt động của bà con với các bản khác, song đã bị  mưa lũ cuốn trôi. Theo khảo sát, trung bình một ngày có khoảng 100 lượt người qua lại trên suối Nậm Pồ này. Anh Lý A Sử, trưởng bản Vàng Đán kể về những khó khăn khi lũ về: “Con suối Nậm Pồ vốn hiền hòa là thế nhưng khi mùa lũ thật chẳng khác con thú hoang. Lũ dồn dập kéo về đánh bay cả vườn tược, hoa màu. Cầu được người dân neo bằng những hộc đá lớn nhưng cũng chỉ một trận lũ là trôi đi cả. Những ngày nước dâng cao, cả bản lại cắt cử nhau chèo bè đưa các con nhỏ sang sông đi học.

 

Người dân bản Ta Pao, xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo mong được đầu tư cầu trong thời gian sớm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Giang, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, việc đầu tư dự án này là tín hiệu lạc quan trong phát triển hạ tầng giao thông, giúp giảm gánh nặng cho địa phương trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh vốn xuống cấp, hư hỏng nặng. Dự án hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Góp phần xóa bỏ chia cắt cộng đồng, kết nối liên kết vùng nhằm bảo đảm phát triển bền vững để thực hiện mục tiêu Chương trình hành động chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 của Chính phủ về mục tiêu giảm nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số. Cũng theo ông Giang, xây dựng cầu treo là cách quan tâm thiết thực và thực tế với những người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Đây cũng là cách để người dân nông thôn, miền núi được hưởng thành quả phát triển chung của đất nước, được đảm bảo quyền lợi sử dụng hệ thông giao thông như ở thành phố, đồng bằng. Dù đã có quyết định phê duyệt nhưng hiện còn một số vướng mắc, tồn tại cần sự vào cuộc tháo gỡ của chính quyền các cấp, người dân địa phương. Cụ thể, tại huyện Mường Nhé, dự kiến xây dựng 3 cây cầu là: Nậm Là, Phứ Ma, Phiêng Kham thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nên không được phép xây dựng; cầu bản Nậm Chua, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ không có đường giao thông đến vị trí xây dựng; hay các cây cầu Pa Xoan 1, 2 (huyện Mường Chà), địa điểm xây dựng nằm quá xa đường ô tô, việc vận chuyển vật liệu hết sức khó khăn… Để khẩn trương triển khai xây dựng cầu dân sinh, đáp ứng nhu cầu đi lại cấp thiết của người dân địa phương, Sở Giao thông - Vận tải đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị, cử cán bộ chuyên môn, cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức rà soát lại toàn bộ vị trí; loại bỏ, thay thế các vị trí bất khả thi. Thống nhất giải pháp là: Huyện cam kết tự lo kinh phí, huy động sức dân làm đường vào vị trí dự kiến làm cầu hoặc điều tra, bổ sung vị trí thay thế phù hợp.

Đề án đầu tư xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số nhằm giải quyết triệt để nhu cầu đi lại và an toàn giao thông, nhất là trong mùa mưa lũ và là cơ hội để đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa cải thiện đời sống cũng như mang lại niềm vui cho người dân được hưởng lợi từ đề án này. Vì vậy, việc xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn vùng sâu, xa và khó khăn thực sự có ý nghĩa lớn, bởi những cây cầu đó “bắt nhịp” cho ước mơ con chữ, là sự kết nối giao thương thuận lợi của bà con, trở thành động lực để người dân thoát nghèo bền vững...

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top