Kinh tếĐầu tư

Phát triển chăn nuôi

Cần đầu tư có trọng điểm và phù hợp điều kiện từng địa phương

08:38 - Thứ Hai, 15/08/2016 Lượt xem: 3361 In bài viết
ĐBP - Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 23/3/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về “Phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2015; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông - lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, trong lĩnh vực chăn nuôi, ngoài tốc độ tăng đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, còn lại các nội dung khác đều không đạt mục tiêu Nghị quyết. Có rất nhiều nguyên nhân khiến phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc có giá trị cao theo hướng bền vững của tỉnh ta chưa như kỳ vọng…

Ảnh hưởng biến đổi khí hậu

Theo thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ tiêu kế hoạch tổng đàn gia súc toàn tỉnh năm 2016 là trên 567.000 con (trên 131.400 con trâu, 53.700 con bò, gần 382.000 con lợn), tăng trên 33.000 con so với năm 2015 và tăng gần 125.000 con so với năm 2010; nhịp độ phát triển bình quân/năm đạt 4,35%. Hàng năm, số lượng đàn gia súc đều tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết 07 đề ra (đến năm 2015, tổng đàn gia súc toàn tỉnh khoảng trên 533.000 con, đạt 82,2% mục tiêu Nghị quyết). Chăn nuôi gia súc, đại gia súc có giá trị kinh tế cao dù có những điều kiện thuận lợi như: nguồn giống tại địa phương có chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng (trâu ngố, bò Mông), diện tích chăn thả rộng… nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Vẫn biết việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi ở tỉnh ta còn hạn chế; tình trạng chăn thả rông, phó mặc cho tự nhiên vẫn khá phổ biến (phương thức chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, chăn dắt là chủ yếu chiếm trên 73%; chăn nuôi thả rông chiếm 25,25%; nuôi nhốt chỉ chiếm 1,17%). Với đặc điểm, truyền thống chăn thả như vậy, khi thời tiết diễn biến bất thường, tiêu cực, người nông dân sẽ không kiểm soát được tình hình sức khỏe, dịch bệnh của gia súc. Điển hình trong thời gian gần đây, hàng năm số lượng gia súc chết, nhất là vào mùa rét đã tăng theo cấp số nhân: Đầu năm 2014, Điện Biên có trên 140 con gia súc chết vì giá rét, đến đầu năm 2015, toàn tỉnh có trên 400 con trâu, bò, dê… chết rét và kỷ lục là sau đợt lạnh dưới 00C hồi cuối tháng 1/2016, nhiều nông dân lần đầu tiên chứng kiến băng giá và tuyết rơi ngay tại nhà mình, thì cả tỉnh có gần 1.000 con gia súc chết rét. Đa số gia súc chết là những con non, chưa thích nghi với thời tiết nhưng lại là nhân tố chính trong thống kê tăng đàn. Nếu cuối năm nay tiếp tục có 1 đợt giá rét tương tự hồi tháng 1, liệu rằng có xảy ra thiệt hại tương tự? Và số lượng tăng 7.000 con trâu, bò của 6 tháng đầu năm có đảm bảo? Giải pháp tối ưu nhất được đưa ra vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương pháp bảo vệ đàn gia súc trong mùa giá rét. Tuy nhiên, khi chúng tôi có mặt tại huyện Nậm Pồ trong đợt rét kỷ lục hồi đầu năm, nhiều gia đình đã bất lực bởi gia súc thả trong rừng sâu, hiểm trở không thể đi tìm trong điều kiện thời tiết mưa rét khắc nghiệt. Vì vậy, đi trước một bước trong tuyên truyền, dự báo và đẩy mạnh việc tiếp cận thông tin của người dân từ nhiều phương tiện khi mùa rét chưa đến là việc làm cần thiết.

Phù hợp thực tế địa phương

Yếu tố thời tiết, khí hậu chỉ là nguyên nhân khách quan trong những tác động đến hoạt động chăn nuôi, việc đầu tư đúng, trúng, mang lại hiệu quả cụ thể mới là điều người dân cần. Thực tế trong những năm qua, các chương trình, dự án phát triển chăn nuôi chưa xem xét một cách chi tiết, toàn diện các điều kiện của từng địa bàn để có con giống phù hợp. Tổng kết thực hiện các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, riêng về các nội dung thuộc Chương trình 30a đã hỗ trợ tổng kinh phí trên 126,5 tỷ đồng cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, một số huyện như: Tủa Chùa được hỗ trợ mua 1.147 con trâu nái sinh sản, 887 con dê giống; Điện Biên Đông: 2.335 con dê, 322 con trâu, 568 con bò; Mường Nhé: 478 con trâu, 546 con dê... Nhìn vào cơ cấu phân bổ có thể hiểu rằng, các dự án đã có sự nghiên cứu một cách khái quát theo quan điểm: nơi nào thiếu giống vật nuôi nào sẽ được hỗ trợ nhiều hơn về giống đó. Và khi nguồn giống xuống đến huyện sẽ phân bổ đồng đều cho các xã.

Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nói chung và chăn nuôi nói riêng, ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ chia sẻ: Đối với những xã đặc biệt khó khăn, việc hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, khuyến khích sản xuất, để người dân vươn lên thoát nghèo là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả thiết thực, giống hỗ trợ cần sự quan tâm, nghiên cứu của cả bên “cho” và bên “nhận”. Đơn cử như vừa qua, nông dân xã Chà Nưa được hỗ trợ dê giống theo Chương trình 30a nhưng thực tế địa phương lại cho thấy: dê không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Chà Nưa, bằng chứng là nhiều gia đình nuôi dê đã thất bại, dê nuôi còi cọc, chậm lớn. Nhận thấy sự bất cập đó, xã đã đề nghị đổi sang loại gia súc khác là bò. Cần có sự đầu tư theo đề nghị từ dưới lên, nơi người dân thực sự cần, chứ không nên phân bổ theo cái nhìn bao quát từ trên xuống, rồi “cào bằng”, sẽ không mang đến hiệu quả, gây lãng phí nguồn ngân sách!

Một vấn đề quan trọng nữa là, phát triển chăn nuôi theo hướng nuôi nhốt tập trung phải đảm bảo các yêu cầu về: giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc phù hợp để vật nuôi phát triển tốt. Bởi thực tế nhiều địa bàn cho thấy: Chăn nuôi thả rông tự nhiên tuy khó quản lý, kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống thời tiết khắc nghiệt nhưng vật nuôi lại sinh trưởng tốt hơn nuôi nhốt. Kinh nghiệm của ông Ngải Cù Lỷ, bản Đề Pua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ - một người chăn nuôi đại gia súc lâu năm có đàn trâu, bò lên đến 130 con, thì: Trâu, bò chăn thả rông trong tự nhiên nếu đáp ứng được nhu cầu thức ăn, vượt qua giai đoạn non nớt thì sẽ sinh trưởng rất tốt, có những con trâu ngố đực giống địa phương khi trưởng thành nặng đến gần 1 tấn. Ngược lại, vẫn với giống trâu này, khi nuôi nhốt dù chế độ ăn uống đầy đủ nhưng lại gầy gò, chậm lớn. Vì vậy, nhiều hộ sau khi thấy nuôi nhốt không hiệu quả lại thả rông gia súc ra tự nhiên.

Đức Duy
Bình luận
Back To Top