Kinh tếĐầu tư

Đề nghị bổ sung vốn vay năm 2016 hơn 23 ngàn tỷ đồng

15:11 - Thứ Tư, 17/08/2016 Lượt xem: 2993 In bài viết

Tại phiên họp sáng 16-8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đã trình bày báo cáo của Chính phủ đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Theo đó, tại Nghị quyết số 101/2015/QH13, Quốc hội đã thông qua 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài) nguồn ngân sách trung ương năm 2016 (dưới đây gọi tắt là kế hoạch vốn nước ngoài).

“Trong quá trình triển khai, tiến độ triển khai và giải ngân của các dự án rất khác nhau. Có nhiều dự án giải ngân nhanh hoặc đã giải ngân hết số vốn kế hoạch. Ngược lại nhiều trường hợp giải ngân rất thấp, thậm chí chưa có giải ngân”, Thứ trưởng Phương cho biết.

 

Nút giao thông Cát Lái, quận 2, TPHCM đưa vào sử dụng tháng 8-2010. Công trình sử dụng nguồn vốn ODA.

Tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng, trong đó: (i) phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành trung ương và địa phương là 48.700 tỷ đồng; (ii) còn lại 1.300 tỷ đồng để lại dự phòng chưa phân bổ.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao chi tiết danh mục dự án cho các bộ, ngành trung ương và địa phương là 48.061,5 tỷ đồng. Còn lại 638,5 tỷ đồng chưa giao kế hoạch, gồm: (i) 560 tỷ đồng của 3 dự án của của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Đại học Quốc gia Hà Nội đang hoàn thiện thủ tục; (ii) và 78,5 tỷ đồng không có nhu cầu sử dụng của 3 địa phương (tỉnh Bắc Ninh: 32,5 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai: 39 tỷ đồng, tỉnh Khánh Hòa: 7 tỷ đồng).

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5-2016, đã giải ngân được 17.297,746 tỷ đồng, đạt 36,1% kế hoạch vốn đã giao.

Bên cạnh những đơn vị đạt kế hoạch giải ngân cao, vẫn còn những đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp hoặc hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2016. Có 5 bộ, ngành trung ương và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch; 5 bộ, ngành trung ương và 9 địa phương chưa giải ngân kế hoạch.

Trong khi đó, tính đến hết ngày 30-6-2016, có 37 bộ, ngành trung ương và địa phương đề nghị bổ sung vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2016 với tổng nhu cầu là 23.416,765 tỷ đồng cho 125 dự án, trong đó: 6 bộ, ngành trung ương là 14.136,238 tỷ đồng; nhu cầu của 31 địa phương là 9.280,527 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (chưa được Quốc hội thông qua kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016) đề nghị bổ sung 82,461 tỷ đồng cho 1 dự án.

Trước thực tế này, Chính phủ nhận định, yêu cầu việc điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các dự án và giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương là rất cần thiết để góp phần đẩy nhanh tiến độ, thực hiện đúng cam kết với nhà tài trợ, sớm đưa các dự án hoàn thành vào sử dụng phát huy hiệu quả.

Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ chủ động bổ sung số vốn kế hoạch nước ngoài năm 2016 Quốc hội chưa phân bổ chi tiết (1.300 tỷ đồng) cho các dự án của các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa được giao kế hoạch hoặc đã giải ngân hết kế hoạch năm 2016, nhà tài trợ đang yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong năm 2016, nếu không giải ngân hết số vốn này sẽ rút vốn và kết thúc Hiệp định. Đồng thời, cắt giảm 78,5 tỷ đồng kế hoạch vốn nước ngoài của 3 địa phương không có nhu cầu sử dụng để bổ sung cho các bộ, ngành trung ương và địa phương khác và điều hòa kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 giữa các bộ, ngành trung ương, địa phương trong tổng mức 50.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt; theo nguyên tắc giảm vốn đối với các dự án giải ngân thấp hoặc chưa giải ngân, để điều chuyển cho các dự án đã đạt mức giải ngân cao hoặc đã giải ngân hết kế hoạch, có nhu cầu bổ sung thêm vốn.

Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 vào Quý II năm 2017 theo số liệu giải ngân thực tế năm 2016 của các bộ, ngành trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, qua thảo luận, UBTVQH thấy chưa có đủ cơ sở để UBTVQH xem xét cho ý kiến về vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Còn rất nhiều điều cần làm rõ trong báo cáo”. Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, việc điều hòa vốn giữa các bộ ngành phải rà soát thật chặt chẽ, đảm bảo đúng thực hiện đúng Luật Ngân sách và các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top