Kinh tếĐầu tư

Nhiều dự án trồng rừng chưa thể quyết toán

08:55 - Thứ Năm, 15/09/2016 Lượt xem: 4351 In bài viết
ĐBP - Theo kết luận của đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc quyết toán dự án trồng rừng 327 và 661 vào cuối tháng 6 vừa qua, thì đến hết tháng 8/2016 tất cả các dự án đều phải được quyết toán. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại đã là giữa tháng 9, nhưng nhiều dự án trồng rừng 327 và 661 vẫn chưa quyết toán xong.

Chương trình trồng rừng 327 là chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc được thực hiện từ năm 1993 – 1998. Dự án 661 là dự án trồng mới 5 triệu héc ta rừng được kế thừa từ chương trình 327 và kết thúc năm 2011. Tổng số dự án thành phần của chương trình 327 thuộc trách nhiệm quyết toán của UBND tỉnh là 59 dự án. Đối với dự án 661, số dự án thuộc thành phần triển khai trên địa bàn tỉnh là 17 dự án và 1 chi phí ban chỉ đạo. Dự án đã đem lại màu xanh cho các cánh rừng, độ che phủ ngày càng cao và số người được hưởng lợi từ rừng cũng không ngừng tăng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện Chương trình 327 và dự án 661, nhiều diện tích rừng đã đủ thời gian khai thác nhưng đến nay chủ rừng vẫn chưa thể khai thác chỉ vì lý do: các đơn vị chủ đầu tư chưa thể quyết toán.

 

Hầu hết diện tích rừng thuộc Chương trình 327 và 661 đã đủ thời gian nhưng chưa thể khai thác.

Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị chủ đầu tư và đẩy nhanh tiến độ quyết toán Chương trình 327 và dự án 661, từ năm 2014 đến nay UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp với UBND các huyện, đơn vị chủ đầu tư đưa ra nhiều cơ chế quyết toán. Cụ thể, cuối tháng 12/2015, tại huyện Tuần Giáo, UBND tỉnh tổ chức họp bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quyết toán dự án hoàn thành chương trình 327 và dự án 661, do đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ đạo kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng chủ trì. Cuộc họp đã gỡ được “nút thắt” trong quá trình thực hiện quyết toán, với kết luận của chủ tọa là các chủ đầu tư chỉ cần có biên bản cam kết, giải trình hoặc đơn vị được nhận bàn giao hồ sơ từ chủ đầu tư đã giải thể, sáp nhập phải có xác nhận của cơ quan chủ quản và văn bản pháp lý xác định rõ tên của dự án đầu tư gửi cơ quan thẩm tra quyết toán xem xét, thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo giá trị cấp phát đã được Kho bạc Nhà nước thẩm định. Sau khi kết luận của đồng chí Lò Văn Tiến có hiệu lực, các đơn vị chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, báo cáo để trình Sở Tài chính thẩm tra, kiểm duyệt. Song, hầu hết hồ sơ của các chủ đầu tư trình lên đều không đạt yêu cầu, chưa phù hợp hoặc chênh lệch số liệu giữa Sở Tài chính với Kho bạc Nhà nước tỉnh nên không thể phê duyệt quyết toán.

Đến tháng 6/2016, một lần nữa tại cuộc họp của UBND tỉnh do đồng chí Lò Văn Tiến chủ trì lại “đặc cách” cơ chế để đẩy nhanh thời gian quyết toán chương trình 327 và dự án 661. UBND tỉnh đồng ý quyết toán chung đối với các dự án được phân bổ kế hoạch vốn, thực hiện cấp phát, thanh toán chung không thể tách để đối chiếu số liệu cho từng dự án. Tuy nhiên, đến nay 59 dự án thuộc chương trình 327 mới chỉ phê duyệt quyết toán được 28 dự án, 17 dự án đã nộp hồ sơ về Sở Tài chính nhưng chưa phê duyệt, còn 14 dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán. Với dự án 661, đến thời điểm hiện tại đã quyết toán được 5 dự án và 1 hạng mục dự án hoàn thành, 5 dự án và 1 chi phí ban chỉ đạo đã nộp hồ sơ về Sở Tài chính, hiện còn 6 dự án và 1 hạng mục dự án chưa nộp hồ sơ quyết toán.

Nguyên nhân dẫn đến việc quyết toán chậm, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Một số dự án thuộc chương trình 327 đầu tư trên địa bàn nhiều huyện nên không xác định được cơ cấu chi phí đầu tư, đối tượng tiếp nhận, quản lý và hoạch toán tài sản, giá trị hình thành qua đầu tư bàn giao cho từng đối tượng tiếp nhận tài sản. Vì vậy, không thể thẩm tra theo quy định và lập báo cáo kết quả thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành, dẫn đến không đảm bảo các tiêu chí để ban hành quyết định quyết toán. Như Dự án Rừng phòng hộ Sông Đà, do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Đà và Chi cục Kiểm lâm, tỉnh Lai Châu cũ làm chủ đầu tư triển khai trên địa bàn 8 huyện thuộc tỉnh Lai Châu cũ, gồm: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Mường Lay và thị xã Lai Châu, tuy nhiên đến thời điểm thanh quyết toán thì hồ sơ, sổ sách đã thất lạc, nên Sở Tài chính không thể căn cứ để cấp phát vốn cho các huyện có dự án trên địa bàn.

Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư, dự toán duyệt đưa vào các biểu mẫu biểu quyết toán các đơn vị lập đều đưa bằng số cấp phát của Kho bạc Nhà nước tỉnh, vì vậy không xác định được dự án thuộc nhóm nào. Cũng theo ông Hoan, có những dự án do trước đây đơn vị chủ đầu tư tạm ứng vốn, nhưng sau đó đơn vị trải qua nhiều lần sáp nhập, chia tách nên giờ đơn vị được giao lập báo cáo quyết toán dự án không cung cấp được chứng từ thanh toán tạm ứng. Điển hình là Dự án trồng rừng ở bản Huổi Lóng, xã Na Sang, huyện Mường Chà (trước thuộc xã Mường Mươn, huyện Điện Biên), thuộc Chương trình 327 do Ban Định canh định cư huyện Điện Biên làm chủ đầu tư, đến năm 2002, sáp nhập vào Phòng Nông nghiệp địa chính và đến năm 2006 đổi tên thành Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên thực hiện. Theo xác nhận của Kho bạc Nhà nước tỉnh, dự án còn dư tạm ứng 200 triệu đồng, đến thời điểm này chưa thực hiện được hoàn ứng, đơn vị giao lập báo cáo quyết toán của dự án không cung cấp được các chứng từ thanh toán khoản tạm ứng nêu trên nên Sở Tài chính không đồng ý quyết toán. Đối với dự án này chỉ có cách hoàn ứng lại số tiền tạm ứng mới có thể quyết toán. Với những dự án không xác định được giá trị bàn giao cho các bên tiếp nhận quản lý thì cho phép không xác định đơn vị tiếp nhận, quản lý tài sản mà chỉ thực hiện công tác xác định giá trị tài sản hình thành qua đầu tư để quyết toán kinh phí đã đầu tư...

Hiện nay, các diện tích rừng thuộc Chương trình 327 và dự án 661 đã đủ thời gian khai thác, nhưng nhiều chủ rừng vẫn chưa được khai thác bán, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến đời sống người dân mà còn khiến các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh phải đóng cửa vì khan hiếm nguyên liệu. Vì vậy, các đơn vị chủ đầu tư, các huyện và các sở, ban ngành liên quan cần khẩn trương thống nhất cơ chế, cách làm để hoàn thành quyết toán.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top