Kinh tếĐầu tư

Khối DN FDI thống lĩnh xuất khẩu - Lo ngại Việt Nam thành nơi gia công

14:33 - Thứ Ba, 04/10/2016 Lượt xem: 3905 In bài viết

Lâu nay, cả nước vui mừng vì các Hiệp định Thương mại tự do (AFTA) được ký kết, rồi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ mở ra cho Việt Nam cơ hội xuất khẩu. Thế nhưng, nhìn lại con số xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua, chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, lại là điều đáng suy nghĩ. Bởi dù các khu chế xuất hình thành đã lâu nhưng chưa cơ quan nào đánh giá được lợi ích nó mang lại. Vậy liệu các khu chế xuất này có trở thành nơi làm hàng gia công, tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ của thế giới…?!

Thực tế đáng lo

Tổng cục Hải quan cho biết, 8 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 223,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý là hoạt động xuất khẩu cao hơn nhập khẩu. Cụ thể, xuất khẩu đạt 113,2 tỷ USD và nhập khẩu chỉ 110,3 tỷ USD.

Tưởng thoát nhập siêu là đáng mừng, nhưng phân tích chỉ số xuất siêu sẽ thấy bất hợp lý. Tính riêng kim ngạch xuất nhập khẩu thì khối doanh nghiệp FDI đạt đến gần 144 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; trong khi doanh nghiệp trong nước có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chỉ 79,6 tỷ USD. Như vậy, có thể thấy, khối doanh nghiệp FDI chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, khoảng hơn 70% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Trong khi, số lượng doanh nghiệp trong nước chiếm đến 90% tổng số doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp FDI chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

 

Đổi mới máy móc hiện đại là yêu cầu tất yếu trong quá trình cạnh tranh thời hội nhập.

Giữa thời điểm có quá nhiều bất hợp lý trong hoạt động đầu tư, thu hút đầu tư như thế thì tỷ lệ kim ngạch xuất nhập khẩu nghiêng về khối doanh nghiệp FDI thật sự là vấn đề đáng lo ngại. Lâu nay, các chuyên gia kinh tế đặt vấn đề Việt Nam được gì khi cố thu hút đầu tư FDI vào các khu chế xuất, nhưng chưa có thống kê nào cho thấy hiệu quả của nó. Hầu hết doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất và ngay cả những doanh nghiệp FDI ở các lĩnh vực dệt may, gia công… cũng tận dụng mọi lợi thế về đất đai, hạ tầng, nhân công lao động giá rẻ của Việt Nam rồi gia công hàng hóa xuất đi các nước. Hoạt động này không tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Do vậy, các con số thống kê phải đi sâu phân tích từng ngành, từng lĩnh vực, từng nhóm đối tượng hàng hóa, để từ đó có cái nhìn chính xác hơn về sự phát triển của nền kinh tế.

Muốn bền vững, phải thay đổi cán cân

Thống kê cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn tăng qua từng năm. Trong đó, phát triển mạnh nhất cũng là khối các doanh nghiệp FDI. Bởi các doanh nghiệp FDI luôn có lợi thế kể từ khi bắt đầu đầu tư đã có thị trường đầu ra quy mô trên toàn thế giới. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước đến 90% là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Tiềm lực doanh nghiệp trong nước cũng chưa cao, hoạt động sản xuất còn hạn chế, do vậy đầu ra sản phẩm chưa được “thông”, hầu hết chỉ quanh quẩn thị trường trong nước hoặc gia công.

Mặc dù, các nhà quản lý lập luận rằng, trong thời điểm hội nhập hiện nay, nền kinh tế các nước đang phát triển phải chậm hơn các nước phát triển, nên các doanh nghiệp FDI dẫn đầu trong nền kinh tế cũng là một xu hướng tất yếu. Và cho rằng, lợi ích của chúng ta còn là cơ hội tiếp cận được với hoạt động sản xuất công nghiệp, chuyển giao công nghệ tiên tiến, quy trình quản lý hiện đại, công nghệ tối tân để từ đó nâng chất lượng cạnh tranh phát triển. Thế nhưng, để phát triển nhanh, bền vững trong tương lai thì cần rất nhiều sự hỗ trợ của nhà nước giúp doanh nghiệp nội phát triển. Cụ thể là tạo điều kiện, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp ra nước ngoài xúc tiến, hợp tác kinh doanh, tìm ra thị trường xuất khẩu. Mặc khác, nhà nước cần tiếp nhận công nghệ tiên tiến, hỗ trợ chuyển giao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học hiện đại trong sản xuất. Có như thế mới giúp doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận với thị trường quốc tế, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, kịp đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng hiện nay.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top