Kinh tếĐầu tư

Mường Nhé: Cần đầu tư đồng bộ các Công trình Thủy lợi

08:42 - Thứ Tư, 26/10/2016 Lượt xem: 4588 In bài viết
ĐBP - Huyện Mường Nhé hiện có tổng số 29 công trình thủy lợi, trong đó: 27 công trình đã được đưa vào sử dụng, 2 công trình đang thi công. Theo đánh giá của UBND huyện, chất lượng các công trình cơ bản đảm bảo, tuy nhiên, diện tích canh tác chưa phát huy được năng lực tưới, một số công trình thiếu đồng bộ, chính sách hỗ trợ sản xuất còn bất cập.

Ông Võ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Từ năm 2011 đến nay, tổng mức đầu tư phê duyệt sau điều chỉnh dành cho các công trình thủy lợi trên địa bàn là gần 183 tỷ đồng (100% vốn Trung ương), hiện đã giải ngân gần 150 tỷ (trên 89%) so với khối lượng hoàn thành (giá trị khối lượng hoàn thành giảm so với tổng số vốn đầu tư do quá trình thi công có sự thay đổi về đơn giá, nguồn kinh phí dự phòng do không cần sử dụng đến). Các công trình thủy lợi đã được đầu tư xây dựng đều nằm trong quy hoạch phát triển thủy lợi của huyện, chất lượng thi công đảm bảo theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, việc thi công các công trình do đặc thù miền núi địa hình phức tạp, thường xuyên xảy ra sụt sạt, quá trình vận chuyển nguyên vật liệu hầu hết là thủ công; nguồn vốn phân bổ còn chậm… gây ảnh hưởng đến tiến độ, khiến một số công trình bàn giao chậm so với dự kiến.

 

Đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát tại công trình Thủy lợi Nậm Xả, bản Ngã Ba, xã Mường Toong.

Sau khi được đầu tư, bàn giao cho UBND các xã đưa vào sử dụng, các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mường Nhé từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Mặc dù vậy, diện tích tưới thực tế của một số công trình còn thấp so với năng lực tưới thiết kế (cao nhất đạt 80%, thấp nhất khoảng 10% năng lực thiết kế). Điển hình như công trình Thủy lợi Nậm San (bản Nậm San, xã Mường Nhé), công trình này có năng lực tưới thực tế là 47,8ha nhưng hiện nay chỉ phục vụ cho khoảng 10ha ruộng. Nguyên nhân chính được xác định là do người dân thiếu ruộng, việc khai hoang ruộng nước gặp khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan. Bên cạnh đó, vấn đề tái định cư của nhóm hộ thuộc Dự án Di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La đến nay vẫn còn những vướng mắc chưa thể giải quyết dứt điểm, nhất là nội dung đất sản xuất. Tương tự, tại các bản thuộc Đề án 79, vấn đề đất sản xuất giữa các hộ di cư và các hộ sở tại cũng khiến việc khai hoang ruộng nước không thể tiến hành; chính sách khuyến khích khai hoang hiện cũng không đồng bộ, như: Khai hoang theo Chương trình 30a được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha, nhưng theo các chương trình khác chỉ được hỗ trợ từ 3 - 5 triệu đồng/ha; ý thức của người dân trong quá trình khai thác, vận hành chưa cao, mọi hỏng hóc, sự cố đều trông chờ kinh phí của Nhà nước. Sau mùa mưa, một số công trình bị sụt sạt, vùi lấp với khối lượng nhỏ, nếu ý thức cộng đồng cao, chính quyền xã, bản chỉ cần huy động người hót sạt là kênh sẽ thông, nhưng hầu hết đều chưa có sự chủ động. Ngoài ra, các công trình: Thủy lợi Huổi Đeng Tở (bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé), Thủy lợi Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn), Thủy lợi Huổi Pinh (nay thuộc xã Huổi Lếch) do tiến trình khai thác sản xuất của người dân có sự thay đổi về vị trí canh tác nên người dân đề nghị chủ đầu tư nối dài các tuyến kênh nhằm đảm bảo nguồn nước cung ứng.

Mới đây, đoàn công tác HĐND tỉnh khảo sát hiệu quả sau đầu tư của các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Mường Nhé, chúng tôi đến công trình Thủy lợi Nậm Xả, bản Ngã Ba, xã Mường Toong. Đây là công trình Thủy lợi có công suất lớn nhất trong tổng số 27 công trình đang được khai thác trên địa bàn huyện (năng lực tưới cho 66ha). Tuy chưa có thống kê cụ thể của ngành chuyên môn, nhưng theo cán bộ xã Mường Toong cho biết, cánh đồng của bản Ngã Ba thuộc diện lớn nhất xã (khoảng gần 100ha), Thủy lợi Nậm Xả đáp ứng nhu cầu tưới cho khoảng 1/2 diện tích này (phần lớn thuộc đầu nguồn). Theo quan sát của chúng tôi khi đi dọc tuyến kênh, do mới được đầu tư nâng cấp nên chất lượng công trình cơ bản đảm bảo nhưng một số chỗ người dân tự ý mở dòng (vào ruộng, ao…) nên ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực hạ lưu. Chỉ vào mảnh ruộng mới thu hoạch xong vụ mùa, chị Sò Chìn, người dân bản Ngã Ba chia sẻ: Diện tích ruộng của gia đình không nhiều do nhà đông anh em, các con khi lập gia đình, tách hộ được bố mẹ chia cho mỗi người khoảng 1.000m2 ruộng để canh tác. Gia đình tôi cũng như các hộ thuộc khu vực này đều muốn làm ruộng 2 vụ, nhưng đến vụ chiêm là không có nước. Hỏi chị Chìn: bản có thành lập tổ quản lý, vận hành thủy lợi không? Chị bảo: Lúc đầu cũng thấy có, nhưng sau thời gian ngắn tổ hoạt động không hiệu quả, bà con ý kiến nên đã tự giải thể.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top